Người giỏi trên đỉnh Sùng Đô

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2018 | 1:48:41 PM

YBĐT - Anh Giàng A Lểnh ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn khi lập gia đình và ra ở riêng được bố mẹ cho 2 con trâu và hơn 1 nghìn mét vuông ruộng. Nhờ chăm chỉ làm lụng và chăm sóc tốt nên trâu không bệnh, sinh sản nhanh.

Nhận thấy chăn nuôi đại gia súc có tiềm năng kinh tế vì có đất đai rộng rãi nên anh Lểnh đã trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu và nhận thêm trâu, bò của các hộ lân cận về nuôi chia. Chẳng mấy chốc, đàn gia súc của anh Lểnh đã lên tới hàng chục con.
 
Năm nay, anh vừa xuất bán 20 con trâu, bò thu về gần 200 triệu đồng. Vậy mà, trong chuồng vẫn còn 4 con trâu và 9 con bò để tiếp tục phát triển chăn nuôi.
 
Anh Lểnh chia sẻ: "Người Mông mình ở trên này chỉ có chăn nuôi nhiều trâu, bò mới thoát được nghèo. Trong chăn nuôi, cần chăm sóc tốt, tiêm phòng đầy đủ là có nguồn thu nhập ổn định”.

Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhưng anh Lểnh không quên phát triển kinh tế đồi rừng. Nhận thấy ở các xã bạn, cây quế cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Lểnh đầu tư mua cây giống về trồng trên diện tích hơn 1 ha. Chịu khó phát cỏ, tỉa cành và trồng dặm nên diện tích quế của anh phát triển rất đều cây và sinh trưởng nhanh.
 
Vừa qua, anh Lểnh mới bóc tỉa hơn 30 cây quế đã mang lại cho gia đình anh gần 20 triệu đồng. Để chủ động nguồn giống quế, anh Lểnh đã học hỏi và tự ươm được cây giống để trồng và giúp đỡ cây giống cho các hộ khác cùng trồng quế. Năm nay, anh dự định trồng thêm 7 nghìn cây quế, nâng diện tích quế của gia đình lên gần 3 ha.

Khi đã có nguồn thu nhập ổn định, anh Lểnh đã nghĩ đến việc phải làm sao để giúp đỡ những hộ nghèo khác trong thôn, xã cũng phát triển kinh tế như gia đình mình. Ban đầu anh cho các hộ khó khăn nuôi chia trâu bò, giúp đỡ về quế giống, cho vay vốn không tính lãi để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt.
 
Khi nhận thấy bà con có nhu cầu xay xát nông sản, anh đầu tư mua máy móc làm dịch vụ giúp mọi người không phải vất vả đi xa để xay xát. Anh còn mạnh dạn đầu tư mua máy xúc phục vụ nhu cầu san gạt mặt bằng, khai phá đất sản xuất của bà con.

Nhờ những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế như anh Giàng A Lểnh, đến nay, nhân dân xã Sùng Đô từng bước nhận thức được việc cần phải đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi để có nguồn thu nhập ổn định chứ không đơn thuần chỉ trồng chè, trồng lúa nước, ngô, mà còn tận dụng đất đồi trồng quế, thảo quả để phát triển kinh tế.
 
Đặc biệt, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, nên hộ chăn nuôi nào cũng chủ động thức ăn cho gia súc bằng cách trồng cỏ voi, tích trữ rơm, rạ. Nhờ đó, đàn đại gia súc của Sùng Đô đã tăng lên gần 1 nghìn con và diện tích trồng cỏ voi trên 10 ha.

 Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Theo gương anh Lểnh, đến nay, nhiều hộ người Mông đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, mua sắm được xe máy và nhiều vật dụng thiết yếu khác như ti vi, tủ lạnh… Số hộ người Mông có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm ở Sùng Đô xuất hiện này càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm”.

Ở vùng đất vẫn còn rất nhiều khó khăn như Sùng Đô, những mô hình kinh tế như gia đình anh Giàng A Lểnh không chỉ là điển hình cần tiếp tục nhân rộng mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp đồng bào Mông mạnh dạn vươn lên thoát nghèo.

Thanh Hà - Phan Tuấn (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)

Các tin khác

YBĐT - Anh Lý Văn Ngọc, sinh năm 1970, là người dân tộc Dao, quê gốc ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, rồi đi sơ tán về xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. 

Ông Huy chăm sóc vịt.

YBĐT - Vượt lên khó khăn để chiến thắng đói nghèo và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi, làm dịch vụ cưới hỏi nên thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí, nghị lực, tinh thần năng động của ông Nguyễn Quốc Huy ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.

YBĐT - 30 km đường thôn bản được tu sửa, mở mới hơn 10 km đường vào khu sản xuất trọng điểm, vận động dân hiến hơn 3 ha đất, hàng nghìn ngày công… và làm nên những con số ấy có công sức không nhỏ của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình - ông Chang Sông Lử.

Ông Huệ (bên trái) giới thiệu về quy trình sản xuất rau an toàn của gia đình với lãnh đạo xã Văn Phú.

YBĐT - Sau nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, năm 2016, ông Nguyễn Đình Huệ được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tuy Lộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục