Tỷ phú cam sành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2018 | 8:32:54 AM

YBĐT - Hơn chục năm về trước, ông Tạ Quốc Bảo là một trong số ít những hộ đi tiên phong phát triển cây cam sành ở xã Khánh Hòa (Lục Yên).

Nông dân xã Khánh Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam.
Nông dân xã Khánh Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam.

Nói đến những đặc sản của huyện Lục Yên, không thể không nhắc đến cam sành đã được trồng từ lâu đời ở đất này. Cam Lục Yên có vỏ sần và dày, màu vàng nâu, múi cam róc vỏ, vàng ruộm và rất mọng nước, vị ngọt đậm, không chua. Nhiều người dân ở đây đã giàu lên từ loại cây này, điển hình như gia đình ông Tạ Quốc Bảo ở thôn 8, xã Khánh Hòa.

 
Xã Khánh Hòa vốn không phải xã trọng điểm và có truyền thống trồng cam của huyện Lục Yên, nhưng hơn chục năm về trước, ông Tạ Quốc Bảo là một trong số ít những hộ đi tiên phong phát triển cây cam sành ở đất này.
 
Ban đầu, ông chỉ trồng diện tích nhỏ để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ sự tâm huyết với cây cam, nên vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, sai quả, chất lượng quả rất ngon. Cam đến mùa thu hoạch được tiêu thụ tốt và giá trị thu nhập từ cam cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác và lại phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, tận dụng được nguồn nhân lực.
 
Từ triển vọng kinh tế của cây cam, ông Bảo đã dần dần mở rộng diện tích; đồng thời, tuyên truyền, vận động, phổ biến kinh nghiệm trồng cam cho nhiều hộ trong thôn, trong xã để cùng nhau xóa đói giảm nghèo.
 
Cụ thể, năm 2007, ông Bảo đã vận động 3 hộ trồng mới được 1,4 ha; năm 2008, vận động được 6 hộ trồng được 2,1 ha; năm 2009, vận động được 8 hộ trồng mới 2,5 ha. Từ chỗ phải tuyên truyền, vận động từng hộ, đến nay, xã Khánh Hòa đã có hàng trăm hộ trồng cam và trở thành xã có diện tích cam lớn nhất huyện, với gần 200 ha; trong đó, hơn nửa diện tích đã cho thu hoạch ổn định.

Về hiệu quả kinh tế của cây cam, ông Bảo đưa ra phép tính với diện tích 3,5 ha cam của gia đình và có 1.750 cây đang phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định mỗi năm cho khoảng 130 kg quả/cây. Mỗi Ki - lô - gam quả có giá bình quân 10.000 đồng thì 1 năm, diện tích cam của ông cho thu nhập trên 2,3 tỷ đồng và sau khi trừ các chi phí còn lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng.
 
Đó là chưa kể khoản thu nhập rất lớn nữa từ tiền bán cây giống, vì vườn cam của ông được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là vườn cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái công nhận là vườn cam đầu dòng. Ông Bảo cho biết, hiện nay ở xã Khánh Hòa có nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng cam như gia đình ông và rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng cam.

Theo ông Bảo, muốn trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao thì phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Vì vậy, ông đã động viên những người trồng cam trong xã phải tích cực trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các kỹ thuật đối với trồng cam và tranh thủ tuyệt đối sự giúp đỡ từ dự án phục tráng cây cam sành ở Lục Yên.
 
Đồng thời, phải phát triển cây cam thành vùng hàng hóa tập trung; có chất lượng sản phẩm cao và đồng nhất theo tiêu chuẩn VietGAP; đặc biệt là phải tạo được sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm... Vì thế, ông Bảo là một trong những người đứng ra thành lập Hợp tác xã Cam sành Lục Yên và ông là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã để phát huy sức mạnh tập thể trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế địa phương.
 
Với những nỗ lực đó, đầu năm 2017, xã Khánh Hòa đã vinh dự được UBND huyện Lục Yên lựa chọn tổ chức lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Cam Lục Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên. Đây là tiền đề quan trọng để thương hiệu cam Lục Yên tiếp tục vươn ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Năng động và tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình từ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, từ năm 2010 đến nay, ông Bảo được tặng nhiều giấy khen của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh huyện Lục Yên; được Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái tặng bằng khen và trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh trong Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; điển hình của tỉnh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sơn Nam

Các tin khác

YBĐT - Anh Giàng A Lểnh ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn khi lập gia đình và ra ở riêng được bố mẹ cho 2 con trâu và hơn 1 nghìn mét vuông ruộng. Nhờ chăm chỉ làm lụng và chăm sóc tốt nên trâu không bệnh, sinh sản nhanh.

YBĐT - Anh Lý Văn Ngọc, sinh năm 1970, là người dân tộc Dao, quê gốc ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, rồi đi sơ tán về xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. 

Ông Huy chăm sóc vịt.

YBĐT - Vượt lên khó khăn để chiến thắng đói nghèo và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi, làm dịch vụ cưới hỏi nên thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí, nghị lực, tinh thần năng động của ông Nguyễn Quốc Huy ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.

YBĐT - 30 km đường thôn bản được tu sửa, mở mới hơn 10 km đường vào khu sản xuất trọng điểm, vận động dân hiến hơn 3 ha đất, hàng nghìn ngày công… và làm nên những con số ấy có công sức không nhỏ của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình - ông Chang Sông Lử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục