“Cây đại thụ” ở Pá Hu

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/1/2020 | 4:00:55 PM

YênBái - Cách đây gần 30 năm, Pá Hu không điện, người dân thiếu thông tin kiến thức nên cuộc sống quanh năm đói nghèo, lạc hậu. Với vai trò là Chủ tịch HĐND xã, ông Thào A Tông đã ra tỉnh, huyện mời cán bộ về tập huấn kiến thức áp dụng vào sản xuất cho nhân dân, xin hỗ trợ kinh phí làm chiếc cầu treo bắc qua suối để nhân dân đi lại thuận lợi rồi vận động nhân dân làm trường lớp, phối hợp với nhà trường đưa học sinh ra lớp.

Ông Thào A Tông trao đổi với bà con dân bản về phát triển kinh tế.
Ông Thào A Tông trao đổi với bà con dân bản về phát triển kinh tế.

Vậy là năm 1992, cây cầu treo đã được bắc qua suối, chấm dứt tình cảnh biệt lập mỗi khi mùa mưa đến. Rồi được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh về giúp đỡ, ông cùng các đồng chí cán bộ xã xuống thị xã Nghĩa Lộ học tập cách đồng bào ở đó canh tác lúa nước để về áp dụng tại địa phương. 

Sau chuyến thăm quan, học tập ấy, ông cùng cán bộ xã xắn tay cùng bà con dân bản khai hoang ruộng, dẫn nước về canh tác. Hơn 1 kg giống dòng lúa lai đầu tiên được ông đưa vào gieo trồng thử nghiệm vụ đông xuân năm 1993 đã cho hiệu quả rõ rệt. 

Những bông lúa to, chắc hạt đã được gặt về trong niềm vui khôn tả của người dân. Huyện xuống thăm quan, khen ngợi, đánh giá cao về sự nỗ lực của ông cũng như tập thể cán bộ xã. Mô hình canh tác lúa nước đầu tiên của xã Pá Hu cũng là xã đầu tiên của huyện được chỉ đạo nhân rộng. Từ việc chỉ trông chờ vào diện tích lúa nương năng suất thấp, người dân trong xã đã biết sản xuất lúa nước, 1 vụ rồi 2 vụ, việc đói giáp hạt đã dần chấm dứt, người dân đã học tập nhau để canh tác lúa nước góp phần ổn định an ninh lương thực.

Việc no cái bụng cho bà con đã xong, đến khi làm Bí thư Đảng ủy xã, ông lại canh cánh thêm một điều là muốn đời sống nhân dân phát triển, hàng hóa được thông thương. Ông hiểu, muốn vậy thì giao thông là yếu tố quan trọng. Vậy là một "cuộc cách mạng” nữa lại được ông cùng Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã thống nhất tiến hành, đó là tập trung nguồn lực để mở đường. Đầu tiên là 4 km từ tỉnh lộ 174 lên trung tâm xã mất tới vài tháng trời mới xong, rồi tiếp đến là lên các thôn, bản khác, trước là mở rộng lòng, lề đường, sau tiếp tục san gạt nền đường. 

Đường mở, cán bộ huyện, tỉnh về giúp đỡ phát triển kinh tế; các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân được triển khai thuận lợi; hàng hóa lương thực được tiêu thụ, đời sống người dân đã dần bớt đói nghèo. 

Từ chỗ hàng năm xã Pá Hu phải nhận trợ cấp gạo cứu đói, tỷ lệ hộ nghèo tới 90% thì hôm nay, những thế hệ trẻ đã phát huy truyền thống của ông Tông và các thế hệ đi trước tiếp tục xây dựng quê hương đưa Pá Hu trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế với tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2019 giảm xuống còn 50%, tỷ lệ hộ khá tăng lên đáng kể, đặc biệt xã đã không còn hộ đói giáp hạt đứt bữa, bình quân lương thực đạt trên 950 kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người/năm.

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, là người có uy tín trong đồng bào, bản thân ông Tông vẫn luôn mẫu mực, cùng cấp ủy, chính quyền thôn, xã tiếp tục vận động nhân dân tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, xóa bỏ các hủ tục trong cuộc sống hàng ngày để đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế xây dựng làng bản ngày một ấm no.

Thanh Tân

Các tin khác
Chị Nam và cụ bà Giàng Thị Mo bên ngôi nhà mới.

Sinh năm 1977, chị Hoàng Thị Nam - nữ y tá của Trạm Y tế xã Bản Mù luôn sẵn có một trái tim lương thiện sưởi ấm những mảnh đời éo le nơi vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.

Cô giáo Bùi Thị Trang bổ sung kiến thức Lịch sử cho học sinh trong giờ ra chơi.

Những tưởng môn Lịch sử là bộ môn khô khan, khó học, song với phương pháp giảng dạy sáng tạo của cô giáo Bùi Thị Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT THCS) huyện Trạm Tấu, bộ môn này đã được các học sinh hào hứng đón nhận và giành được nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Đến với nghệ thuật một cách tự nhiên và cháy hết mình với đam mê, đạo diễn Đinh Phú Bình - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã gặt hái được rất nhiều thành công. Với những dấu ấn cống hiến trên con đường nghệ thuật, vừa qua, anh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

Với ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh Thào A Dơ có tổng thu nhập gần 300 triệu đồng/năm và là một trong những hộ có thu nhập cao của bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục