Trần Thị Phương Thảo ở phường Nguyễn Thái Học đã lập nghiệp với vỏn vẹn 20 triệu đồng. Năm 2018, thông qua Facebook, Thảo tìm được công việc làm thêm là thợ cấy mi - một công việc khá đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ lại có thể làm tại nhà, tranh thủ lúc nhàn rỗi. Vậy là với 250.000 đồng, Thảo mua một bộ nguyên vật liệu, kiên trì, cần mẫn ngày đêm cắt, dán để tạo thành những hàng mi cấy tay bán lại cho các cơ sở sản xuất mi giả.
Tháng đầu tiên, Thảo thu về gần 2 triệu đồng. Sau 6 tháng, Thảo tích cóp được 10 triệu đồng, vay thêm 10 triệu đồng xuống Hà Nội với suy nghĩ: "Tại sao phải làm thuê trong khi mình có thể làm chủ”.
Với 20 triệu đồng, Thảo học một khóa học sản xuất mi giả từ cách cuốn ống, sấy, nhiệt độ…; máy móc đầu tư duy nhất là một lò sấy. Thảo vừa làm chủ vừa làm thuê cho chính mình, mày mò thực hiện các kỹ thuật đã học.
Nhiều lần thất bại mới tìm ra công thức, bí quyết riêng, Thảo từng bước gây dựng thương hiệu Roxie song song việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Thảo tìm đến các cơ sở làm mi trên địa bàn thành phố, các huyện, thị trong tỉnh rồi ngoài tỉnh để giới thiệu và tặng miễn phí nhằm thu hút khách hàng. Chất lượng tốt, giá cả phải chăng, mi giả của Thảo dần được thị trường chấp nhận và ưa chuộng.
300 hộp, đặt trước tiền là số lượng hộp mi mà khách đặt sau chuyến ra mắt thị trường đầu tiên. Với số lượng ấy, một mình Thảo làm không xuể. Đơn hàng giao thiếu, Thảo dần mất khách. Chất lượng được, đầu ra không thành vấn đề, cái Thảo đang mắc là thiếu nhân lực, trong khi công việc đòi hỏi thủ công hoàn toàn.
Dừng việc sản xuất lại, Thảo tuyển thợ cấy mi, đặt đại lý ở các tỉnh, ký hợp đồng thu mua. Cứ thế, Thảo dần có hơn 200 lao động không chỉ trong tỉnh mà còn cả các tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã có đủ lao động, Thảo vay vốn mở rộng cơ sở sản xuất. Từ những đơn hàng đơn lẻ, Thảo dần ký được hợp đồng lớn với công ty, sản lượng 1.000 hộp mỗi tháng, nâng tổng sản lượng sản xuất của cơ sở lên 1.300 hộp, thu nhập trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, Thảo thu về 20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Đoan Trang ở phường Đồng Tâm sau những biến cố tưởng như không trụ vững đã bước lên bằng đôi chân của chính mình để làm chủ một cơ sở thẩm mỹ mang tên Kim với mức thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm.
Từng có một công việc biên chế ổn định, khi chị quyết định xin nghỉ việc để đến với nghề thẩm mỹ, ai cũng cho rằng chị quá mạo hiểm. Bởi khi ấy, công việc thẩm mỹ với vốn đầu tư cả bạc tỷ trong khi chị chẳng có gì từ nhân công cho đến tiền bạc. Bán mảnh đất mà chị tích cóp bao năm mới mua được 400 triệu đồng, vay mượn hơn 600 triệu đồng, chị dồn cả vào cơ sở thẩm mỹ. Vất vả nhất là tìm lao động bởi chị cần người có kinh nghiệm song điều ấy không phải dễ.
Không tìm được người có kinh nghiệm, mọi công việc chị làm một mình, đồng thời, tích cực đào tạo những người mới. Chị đầu tư cho lao động đi học ở Hà Nội trong 3 tháng. 3 tháng ấy, chị lỗ vài chục triệu đồng. Khi nhân viên được đào tạo căn bản trở về với chị thì cũng là lúc khách ít, nhân viên đông. Tiền nhà, tiền nhân công và hàng loạt chi phí phát sinh, một mình chị gồng gánh. Chị làm nhiều hơn, ngày làm việc, tối đến tự học các kỹ thuật mới. Chị xây dựng các chương trình miễn phí, giảm giá dịch vụ để thu hút khách hàng.
Chị bảo: "Làm chương trình này, không có lãi, thậm chí là lỗ nhưng với chất lượng dịch vụ thì họ sẽ trở thành khách hàng tiềm năng và cũng là người quảng bá, giới thiệu giúp mình”. Sau 2 năm, từ lỗ tới hàng trăm triệu đồng, cơ sở của chị Trang nay đã đi vào ổn định hơn, doanh thu ngày một tăng, đến nay đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Những ngày gian khó đã lùi lại phía sau...
Đón một mùa xuân mới với những thành quả bước đầu tuy nhỏ bé nhưng đặt nền móng vững chắc cho tương lai, điều mà những người trẻ ở thành phố muốn gửi gắm đến các bạn trẻ ấy là: Điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp là bạn muốn làm gì và ở đâu thì đáp ứng được những điều bạn muốn.
Nguyễn Hoài