Dẫn đầu xu hướng này là Tiệm trà chanh Tmore của cô chủ Đặng Hương Giang ở thành phố Yên Bái, 27 tuổi kết hợp với 1 người bạn với tổng chi phí đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng. Những ngày đầu, cửa hàng nhận được sự phản hồi rất tốt, lượng khách đổ về đây mỗi ngày lên đến hàng trăm lượt, doanh thu những ngày đầu tiên đạt trên 10 triệu đồng. Giữa lúc thành công thì khó khăn cũng ập tới khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ việc bùng nổ các thương hiệu trà chanh.
Giang chia sẻ: "Kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu có nhiều cái lợi nhưng khó khăn cũng rất nhiều, nhất là với một thị trường mới như Yên Bái. Để tiếp cận, thu hút khách hàng, chúng tôi phải đứng ở góc độ của người kinh doanh chứ không đơn thuần là người cung cấp dịch vụ, phải quan tâm đầu tư thêm cho các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu, hoạch định kế hoạch có chiến lược lâu dài hay bù lỗ khi vận hành thương hiệu...
Chúng tôi còn linh hoạt làm mới thực đơn, tổ chức các chiến dịch giảm giá để thu hút khách và xây dựng không gian quán đúng với thị hiếu các khách hàng mà chúng tôi nhắm tới. Vì thế, dù các thương hiệu mới liên tục mở ra, nhiều thương hiệu cũ cũng đã đóng cửa, song chúng tôi vẫn giữ được lượng khách ổn định cho mình”.
Thừa thắng xông lên, Hương Giang tiếp tục cùng những người bạn của mình xây dựng các thương hiệu: cà phê Khởi, quán ăn Nét Hội An trở thành những địa chỉ quen thuộc của tín đồ sành sỏi về ẩm thực, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của cô gái này không dưới 500 triệu đồng mỗi năm.
"Hay là mình cũng làm”- đó là câu nói mà chị Vàng Thị Lỳ, huyện Mù Cang Chải nói với chồng - anh Giàng A Dê đã trở thành cái duyên và động lực để vợ chồng người Mông này xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa trên mảnh đất La Pán Tẩn. Năm 2017, vợ chồng chị Lỳ bắt tay vào xây dựng homestay mang tên "Hello Mù Cang Chải” với muôn vàn khó khăn từ vốn, quá trình cải tạo, xây đường, đưa nước về homestay cho đến cách vận hành, quản lý, giao tiếp, phục vụ khách...
Vượt trên mọi khó khăn, vừa học vừa làm, đến nay, từ ngọn đồi hoang vu không đường, không nước, Hello Mù Cang Chải nay đã dựng lên 8 bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành 18 tour du lịch trong huyện như: trải nghiệm, leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng…; có nhiều tài khoản trên các du lịch lớn để quảng bá và nhận đặt phòng; liên kết và ký hợp đồng với nhiều công ty du lịch lữ hành... Ngoài ra, qua đào tạo, còn có 7 hướng dẫn viên tiếng Anh, 15 hướng dẫn viên tiếng Việt, 53 xe ôm; mở và vận hành thành công các tour leo núi.
Ngoài ra, lượng khách ổn định của homestay còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc làm thổ cẩm truyền thống dân tộc; thu mua lợn, gà, các loại rau, củ quả, rượu thóc truyền thống phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Chị Vàng Thị Lỳ chia sẻ: "Những gì đã có đến hiện tại là cả quá trình vừa học vừa làm vừa giải quyết khó khăn từng chút một. Chúng tôi rất vui vì homestay của mình không những đã tạo được thu nhập cho bản thân, tạo được động lực cho bà con trong bản, trong xã cùng làm du lịch để có thêm thu nhập mà còn quảng bá khá hiệu quả những nét đẹp của quê hương đến đông đảo bạn bè thế giới”.
Còn khá nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân tiên phong làm những điều mới mẻ trên quê hương của mình như: Lục Vân Anh, huyện Lục Yên với mô hình nông nghiệp hữu cơ trong nhà kính với những cách nuôi trồng khác lạ, những giống mới lần đầu tiên được trồng trên đồng đất Lục Yên: dưa lê Hàn Quốc, nho; Đỗ Tuấn Lương, Hợp tác xã Kiến Thuận - Bình Thuận với tư duy, cách làm sản xuất, kinh doanh bằng công nghệ 4.0 hay Sùng A Dâu, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư để khởi nghiệp với mô hình trồng ổi Đài Loan trên bản nghèo Làng Ca, xã Cát Thịnh theo hướng hữu cơ...
Dẫu rằng, con đường đi đến thành công là vô vàn chông gai, nhưng dưới bàn chân dẫm gai, trái ngọt sẽ đơm đầy nếu có đủ kiến thức, kiên trì và tâm huyết với con đường đã chọn.
Hoài Anh