Giúp nhau thoát nghèo
Tại huyện Văn Yên, chỉ tiêu năm 2022 của huyện phấn đấu giảm 1.832 hộ nghèo; nhưng đến thời điểm này đã có 1.228 hộ đủ điều kiện thoát nghèo. Có được kết quả này là nhờ mô hình phụ nữ Văn Yên giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Hoàng Thị Phương là hộ nghèo ở thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; hoàn cảnh hết sức khó khăn, thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông vào những ngày chị đi làm thuê, làm mướn trong xã.
Từ khi được Hội Phụ nữ huyện Văn Yên hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng căn nhà, Hội Phụ nữ xã Đông Cuông hỗ trợ 50 con gà giống cùng thức ăn chăn nuôi, cuộc sống của gia đình chị đã bớt dần khó khăn.
Chị Hà Thị Hường ở thôn Khe Tràm, xã Đông Cuông lại là tấm gương điển hình trong việc phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi. Chị được hỗ trợ 40 triệu đồng để phát triển mô hình theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, nên nay đã có quy mô 15 con lợn nái, mỗi năm xuất 2 lứa, thu gần 100 triệu đồng. Giờ đây gia đình chị đã trở thành hộ khá trong thôn, trong xã.
Chia sẻ kinh nghiệm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Cuông Hà Thị Thanh Hồng cho biết: Để giúp chị em phụ nữ trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền, vận động chị em mạnh dạn tham gia các mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn, nuôi ba ba, nuôi dê; nhiều mô hình hiệu quả cho thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,1% năm 2021.
Ông Trần Đình Tứ - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyệnhuyện Văn Chấn chia sẻ: Trong những năm qua, các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, nhất là tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 5,7%/ năm; riêng năm 2021 giảm xuống còn 6,5%.
Anh Giàng A Dinh, thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, từ hộ nghèo, nhờ được Nhà nước hỗ trợ giống cây na để trồng, được cán bộ xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên hiện diện tích cây na phát triển tốt, hứa hẹn nguồn thu nhập tốt giúp gia đình thoát nghèo.
Trở thành triệu phú, tỷ phú
Trường hợp chị Trần Thị Huân, thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên trở thành tỷ phú nông dân là một điển hình. Từ việc thu mua nhỏ lẻ sản phẩm quế của người dân, gia đình chị Huân đã quyết định đầu tư làm nhà xưởng rộng hơn 2.000 m2 để thu mua quế vỏ cho người dân ngay tại thôn, xưởng có thể thu mua từ 30 đến 40 tấn quế vỏ mỗi ngày, đồng thời tạo việc làm cho 13 lao động là người dân trong thôn.
Được biết mỗi năm, bình quân gia đình chị thu nhập 1,2 tỷ đồng. Cùng với đó, gia đình chị còn trồng và phát triển được hơn 4 ha quế, góp phần khuyến khích phong trào phát triển cây quế ở xã Đào Thịnh với trên 800 ha. Nhờ đó, mới đây chị Huân được tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh năm 2022.
Tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, những năm gần đây, măng tre Bát độ và quế đã trở thành cây trồng chủ lực của xã, tổng diện tích quế toàn xã đã lên trên 2.000 ha, mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng cho người dân; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn hơn 40 hộ nghèo.
Trên địa bàn xã Kiên Thành nổi lên các điển hình như gia đình anh Dương Trung Lịch ở thôn Đồng Song, từng là hộ khó khăn nhưng từ khi trồng cây quế, kinh tế đã có nhiều đổi thay. Còn gia đình ông Hà Văn Liêm, thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành là 1 trong những hộ trồng măng Bát độ sớm nhất và có diện tích lớn nhất với hơn 20 ha. Niên vụ 2021, gia đình ông Liêm thu hoạch được hơn 100 tấn măng, thu về hơn 400 triệu đồng.
Đây chưa phải là thống kê tất cả, đó là những ví dụ về những hộ dân đã nỗ lực giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế trên quê hương Yên Bái trong thời gian qua. Nhìn lại những thành quả trong công tác giảm nghèo của tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Giàng A Câu chia sẻ: Các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao đã góp phần giúp nông dân Yên Bái mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho nông dân trong tỉnh.
(Theo daibieunhandan.vn)