Một ngôi chùa hay đình, đền… có lưu giữ một đạo sắc phong đã được khẳng định về giá trị, bề dày lịch sử, văn hóa to lớn và thế giới tâm linh đầy màu sắc của nơi đó. Song, đặc biệt hơn cả và khiến nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ bảo tàng, phóng viên… tìm đến gia đình bà Lê Thị Goòng ở tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đó là hiện gia đình bà đang lưu giữ 11 đạo sắc phong quý.
Các đạo sắc phong do bà Goòng lưu giữ có niên hiệu của 4 triều đại vua thời Nguyễn là Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định từ năm 1848 - 1925.
Cùng cán bộ phụ trách Văn hóa - Xã hội thị trấn Yên Bình, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Goòng. Tuy đã ngoài 80 tuổi song bà Goòng vẫn còn mạnh khỏe lắm. Giọng nói ấm, đôi chân bà nhanh nhẹn leo hàng trăm bậc lên ngôi điện nhỏ gia đình xây dựng trên đỉnh đồi để thờ tự các đạo sắc phong.
Bà Goòng chia sẻ: Mấy hôm trước, có các anh bên Bảo tàng tỉnh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và trung ương cũng đã đến đây tìm hiểu về các đạo sắc phong này. Những gì tôi hiểu, tôi biết đều truyền đạt lại hết. Nói rồi, bà liền lấy chiếc túi vải cổ cất giữ những đạo sắc phong ra giới thiệu.
Theo bà Goòng, cách đây hơn 50 năm, 11 đạo sắc phong được cất giữ tại ngôi đền Mẫu Cát Tường trong lòng hồ thủy điện Thác Bà. Những năm 1965 - 1967, gia đình bà Goòng cùng những người dân vùng hồ phải di chuyển nơi khác sinh sống để nhường chỗ cho xây dựng thủy điện Thác Bà…
Lật dở từng đạo sắc phong đã ngả vàng theo năm tháng, bà Goòng hồi tưởng: "Lúc bấy giờ, đền Mẫu Cát Tường cũng phải di chuyển sang đền Nhị Châu khu vực bên trên thủy điện. Cụ Thủy - thủ nhang đền Mẫu Cát Tường thấy tôi bảo: "Goòng ơi, trong tất cả người ở đây, ta thấy con là người có thể bảo tồn và lưu giữ được những đạo sắc phong cổ quý hiếm này”... Tôi rất bất ngờ và cũng không hiểu phải làm như nào, nhưng trước ánh nhìn đầy quả quyết, tin tưởng của cụ Thủy, tôi đã nhận lời và đến nay đã được hơn 50 năm, những đạo sắc phong này vẫn còn nguyên vẹn” .
Qua xem xét sơ bộ ký tự nội dung viết bằng chữ Hán Nôm, cùng bản dịch sang tiếng Việt của ông Ngô Đức Thắng - nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh (theo lời bà Goòng) trân quý tặng bà, chúng tôi được biết 11 đạo sắc phong cho các vị thần qua 4 triều đại vua nhà Nguyễn, từ năm 1848 - 1925 như sau: Sắc phong Mẫu Đệ Tam, do vua Tự Đức năm thứ 10 phong.
Sắc phong Mẫu Đệ Tam, do vua Tự Đức năm thứ 10 phong. Sắc phong Mẫu Đệ Nhất, do vua Tự Đức năm thứ 10 phong. Sắc phong Mẫu Đệ Nhất, do vua Khải Định năm thứ 9 phong. Sắc phong thần nữ, do vua Duy Tân năm thứ 3 phong. Sắc phong Tam vị Thiên Tiên Thánh Mẫu, do vua Duy Tân năm thứ 5 phong. Sắc phong Mẫu Đệ Nhị, do vua Khải Định năm thứ 9 phong. Sắc phong đệ nhất Khâm Sai, do vua Khải Định năm thứ 9 phong. Sắc phong thánh mẫu Vũ Thị Tình, do vua Khải Định năm thứ 9 phong. Sắc phong thánh mẫu Vũ Thị Tình, do vua Khải Định năm thứ 2 phong. Sắc phong Bạch Thị Thân (hiệu Kính Tâm), do vua Khải Định năm thứ 9 phong.
Được biết, dưới triều nhà Nguyễn, cơ bản có hai loại sắc phong: sắc phong nhân vật và sắc phong thần linh. Các sắc phong tồn tại được qua nhiều thế kỷ là do được viết trên chất liệu giấy sắc hay còn gọi là giấy nghè. Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt, nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ.
Có thể thấy, sắc phong là một di sản quý của dân tộc và là nguồn tư liệu quý hiếm để nghiên cứu về thể chế của các triều đại nhà nước phong kiến, vì thế cần được bảo vệ và nghiên cứu hơn nữa để phát huy tác dụng.
Càng đặc biệt hơn, khi chính mảnh đất Yên Bái hiện nay lại đang lưu giữ được 11 đạo sắc phong cổ quý hiếm của các triệu đại nhà Nguyễn và là minh chứng rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Yên Bái.
Bà Lê Thị Goòng chia sẻ: "Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, chỉ có một ước nguyện: 11 đạo sắc phong cổ quý hiếm sẽ là tài liệu rất quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa chuyên sâu về sự phát triển của triều Nguyễn trên vùng đất Yên Bái trong lịch sử”.
Ngọc Sơn