Đưa thương hiệu “táo mèo” Yên Bái bay xa

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/3/2023 | 7:46:30 AM

YênBái - Đó là mong muốn của chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương (thành phố Yên Bái), người đã có 10 năm tâm huyết gắn bó với quả sơn tra (táo mèo) và tạo ra những sản phẩm đặc sắc riêng có từ quả táo mèo tươi. Khách hàng biết đến các sản phẩm táo mèo của chị không chỉ là người Yên Bái mà còn ở nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giám đốc Đoàn Thị Lương (người chỉ tay) giới thiệu sản phẩm mứt táo mèo cho khách hàng.
Giám đốc Đoàn Thị Lương (người chỉ tay) giới thiệu sản phẩm mứt táo mèo cho khách hàng.

Giám đốc Đoàn Thị Lương tâm sự: "Kể từ khi "bén duyên” với sơn tra (táo mèo), tôi đã luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để nhiều người biết và có thể sử dụng được loại quả này. Qua đó, không chỉ giúp người làm kinh doanh như tôi nâng cao thu nhập mà còn giúp quả táo mèo được "nâng tầm”, giúp đồng bào vùng cao quê mình bớt nghèo”. 

Nghĩ là làm, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, chị Lương đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh táo mèo. Ngoài bán táo mèo tươi, táo mèo phơi khô, táo mèo muối xổi, rượu táo mèo, chị Lương còn mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu để làm mứt táo mèo và ô mai táo mèo. 

Đây là 2 sản phẩm đòi hỏi sự công phu, vất vả và đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, song cũng không dễ gì làm hài lòng những khách hàng "khó tính” nếu vị không ngon, không hấp dẫn. Bởi vậy, chị Lương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu công thức làm ra thành phẩm, đồng thời rất cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến, bảo quản, đóng hộp. Bản thân chị Lương đã đi tới tận vùng nguyên liệu để tìm hiểu thu mua, đặt hàng. Tất cả táo mèo được chọn để làm mứt, ô mai hay ngâm rượu, chị Lương đều chỉ đạo công nhân lựa chọn từng quả không dập nát, không sâu thối, phải còn tươi mới. 

Vụ táo mèo thường chỉ kéo dài vài tháng trong năm nên để có đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường, vào thời điểm chính vụ, Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương thường phải vận hành hết công suất với sự tham gia của 10 đến 15 nhân công. Trung bình mỗi vụ, Hợp tác xã chế biến, tiêu thụ khoảng 150 tấn táo mèo tươi, trong đó, sản phẩm chủ đạo là mứt táo mèo và ô mai táo mèo. Hai sản phẩm này hiện đang được nhiều người yêu thích nên có lúc Hợp tác xã không có đủ để cung cấp ra thị trường, nhất là vào dịp tết. 

Khách hàng biết đến các sản phẩm táo mèo của Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương không chỉ là người Yên Bái mà còn ở nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chị Phạm Thị Hải, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Mứt táo mèo và ô mai táo mèo của Hợp tác xã rất ngon, dễ ăn nên mỗi khi đi công tác hay đi chơi xa, tôi đều lựa chọn làm quà biếu cho mọi người. Ai cũng tấm tắc khen và nói rằng, nhắc tới Yên Bái là nhớ tới táo mèo”. 

Với mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu "táo mèo” Yên Bái, mới đây, Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương đã làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm: ô mai táo mèo, mứt táo mèo và rượu táo mèo. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán online, trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý, khu du lịch trong, ngoài tỉnh... 

Tin rằng, với niềm đam mê và tình yêu đặc biệt dành cho loại quả đặc sản của quê hương, Giám đốc Đoàn Thị Lương sẽ góp phần đưa thương hiệu táo mèo bay xa, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Quả sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) từ lâu đã được biết đến như một dược liệu quý để chữa các bệnh: gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, viêm khớp, đau đầu mạn tính, viêm xoang, mất ngủ, hỗ trợ tiêu hóa… Tuy nhiên, vị của quả táo mèo vừa chua vừa chát, ít ngọt nên không phải ai cũng ăn được, trong khi đó táo mèo lại được trồng rất nhiều ở Yên Bái. 

Hồng Oanh

Tags Yên Bái sơn tra táo mèo sản phẩm OCOP thành phố Yên Bái

Các tin khác
Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục