Vẫn vẹn nguyên hào khí thời hoa đỏ
- Cập nhật: Thứ tư, 7/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã mấy chục năm rồi mà ông Phan Thế Lữ - thương binh 1/4 ở Đại Lịch (Văn Chấn) vẫn nhớ như in những ngày đông Hà Nội năm 1970, đêm không còn dài như thường lệ mà nó trôi qua nhanh quá, bạn bè chưa kịp chuyền hết tay nhau để ghi những dòng lưu bút cho bao người bạn sắp lên đường đi đánh giặc thì trời đã sáng. Nhưng đâu có cần đêm dài đối với những chàng trai cô gái tuổi hai mươi đang háo hức ra tiền tuyến. Những sinh viên xuất thân từ lao động nông nghiệp đều đảm bảo sức khoẻ để biên chế vào bộ đội phòng không không quân.
Thương binh Phan Thế Lữ đang kể chuyện chiến đấu năm xưa.
|
Thế rồi sau một trận đánh ở Quảng Trị, ông đã bị thương và sau 55 ngày đêm bất tỉnh, khi mở mắt ra mới biết mình đã bị thương nặng đang nằm ở Quân y viện 108 và bị chấn thương cột sống không tự cử động được, mất một mắt bên phải, mảnh đạn găm vào đầu, cắt đứt sống mũi, xé rách môi và quanh mắt...
Đó là câu chuyện ông Lữ kể về một thời hoa lửa... dù chỉ là một góc nhỏ của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại mà cả dân tộc ta trải qua nhưng cũng đủ khắc họa chân dung những chiến sỹ quả cảm trên tuyến đầu Tổ quốc trong đó có chàng sinh viên Phan thế Lữ.
Cuối năm 1973, sức khỏe hồi phục, Phan Thế Lữ trở lại giảng đường đại học, khi bao bạn bè ông mãi mãi nằm lại chiến trường. Cho rằng như thế mình đã là quá may mắn rồi nên ông miệt mài vào việc học, học để còn công tác chứ không ỷ thế thương binh mà công thần, đòi hỏi. Cho nên sau khi tốt nghiệp ông đủ tiêu chuẩn được giữ lại trường “nhưng mặt mũi thế này cũng ngại” (ông cười với vẻ phân trần), nhà trường lại giới thiệu sang nhận công tác ở Bộ Nông nghiệp. Song chẳng gì bằng tiếng gọi của tình yêu và tiếng gọi của quê hương, thế là anh kỹ sư nông nghiệp xin về huyện Văn Chấn - nơi có cô bạn gái ở ngành thương nghiệp đã không “chê” anh mà vẫn cứ đợi chờ...
Cả hai ông bà đều nói về những tháng ngày vất vả của thời kỳ bao cấp, thời kỳ ông chung tay xây dựng nông trường chè... Ông tự hào về những đóng góp không mệt mỏi của mình đã làm nên một nông trường chè với Nhà máy chè Trần Phú nổi danh trên cả nước ngày nào. Bây giờ đổi mới cơ chế chuyển thành công ty cổ phần, ông không đủ sức khỏe tham gia nhưng vẫn trồng chè và dõi theo từng bước đi của ngành chè.
Giữa bạt ngàn chè xanh và những vườn cây ăn quả đã mọc lên ngôi nhà cao tầng kiểu mới rất đẹp, thấy chúng tôi tấm tắc khen ông liền thanh minh:
-Không phải do công sức lao động của tôi làm ra cả đâu. Đây là kết quả sự quan tâm của ngành lao động thương binh - xã hội đấy. Nếu không được các anh tư vấn cho cháu Quỳnh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì...
Nói về xuất khẩu lao động, người dân ở đây ai cũng lấy gương ông Lữ ra làm điểm tựa. Những năm đầu có chủ trương này việc vận động thật là khó khăn, một mặt người dân chưa hiểu như thế nào, có người còn bảo: “Đi như thế chẳng khác nào bị bán làm nô lệ”, người thì lo mất con, rồi thì biết bao nhiêu thứ lo vô cớ được thêu dệt. Mặt khác, nhiều nhà không có đủ tiền ban đầu cho con đi nhưng không dám vay ngân hàng, sợ lỡ công việc không thành lại mắc nợ vào thân. Riêng ông Lữ, quan điểm rất rõ ràng: Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không tin thì còn tin vào ai. Năm xưa đi vào nơi đạn lửa còn chẳng sợ nữa là... Và ông đã vận động các con “Hãy mạnh dạn lên, thua keo này ta bày keo khác, lo gì”. Nhà nước tạo điều kiện cho thì cứ sẵn sàng, miễn là đừng nghe mấy tay ở đâu đâu đến vận động, dễ mắc lừa lắm. Vậy là gia đình đứng ra vay ngân hàng hơn 40 triệu chi phí cho một cháu sang lao động tại Đài Loan. Bình quân mỗi tháng cháu thu nhập trên 10 triệu đồng, chẳng mấy chốc gia đình trả hết nợ, cháu còn gửi tiền về để bố mẹ xây nhà đẹp, giúp anh chị em trong nhà có vốn làm ăn, có tiền trang trải học hành. Hết hạn ba năm, cháu Quỳnh trở về và đã xây dựng gia đình, vợ chồng cháu còn có vốn mở dịch vụ tại thị tứ xã Cát Thịnh. Tính quyết đoán và niềm tin của người thương binh ấy đã đem lại hạnh phúc lớn lao cho gia đình. Nay ba cháu gái đã có gia thất và công ăn việc làm ổn định, một cháu trai đang là sinh viên đại học kinh tế, cháu trai út được quan tâm nuôi dưỡng và học tập ở Trung tâm nuôi dưỡng của tỉnh theo chế độ con thương binh nặng.
Tiễn khách ra cửa, ông Lữ nhanh nhẹn bắt tay mọi người, bàn tay nồng ấm và nhịp đập trái tim như vẫn vẹn nguyên hào khí của một thời hoa đỏ. Bỗng có tiếng cá quẫy dưới ao khiến tất cả nhìn ra phía trước. Phía trước nhà là một khuôn viên đặc chất của nhà nông học, đó là những ao nuôi ba ba giống được xây vuông vắn, một ao nuôi cá để trữ nước, một mảnh vườn xinh xắn trồng rau sạch. Ông cho biết ở Cát Thịnh có cả câu lạc bộ những người nuôi ba ba. Năm nay ông mua mỗi cặp giống với giá 400.000 đồng một cặp, ba ba đẻ nhiều và sinh trưởng tốt, vừa bắt bán thử mẻ đầu đã được 600.000 đồng/kg. Ông nói: Nuôi ba ba không tốn sức, chỉ cần chịu khó và chăm sóc đúng kỹ thuật là được ăn, ở đây nhiều nhà đã trở thành triệu phú nhờ ba ba. Mặc dù là thương binh hạng 1/4, tuổi đã cao, đáng ra phải nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng ông vẫn đảm nhận trách nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã và luôn động viên, tạo điều kiện cho vợ tham gia hoạt động trong Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã. Gia đình ông luôn được bình bầu là gia đình chính sách gương mẫu, được bà con xóm giềng quý mến và khâm phục. Trong dòng chảy của xã hội có biết bao tấm gương thương, bệnh binh “Tàn nhưng không phế” đã góp phần làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - "Một đảng viên gương mẫu, một bí thư chi bộ nhiệt tình, một chính uỷ năng động". Đó là nhận xét của nhiều người khi nói về Thiếu tá Nông Thanh Viện - Chính uỷ Trung đoàn dự bị động viên 819. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Khánh Thiện, năm 1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Nông Thanh Viện hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2001-2006, gần 3.000 hội viên cựu chiến binh (CCB) thành phố thực hiện tốt Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới". Hội đã tập hợp đoàn kết các thế hệ CCB, bám sát nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân thành phố.
YBĐT - “Tôi muốn khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để làm giàu cho gia đình, cho bản làm và mong ước cao hơn là làm đẹp diện mạo quê hương”. Đó là lời bộc bạch chân thành của anh Lò Văn Chồm, chủ nhân khu tắm nóng bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
YBĐT - Anh Giàng A Châu là người Mông ở thôn Giàng A, xã Suối Giàng (Văn Chấn). Trước năm 1989, đời sống gia đình anh Châu gặp rất nhiều khó khăn vì đông con, thiếu thốn và ảnh hưởng nặng của tập quán sản xuất lạc hậu. Không chịu cảnh đói nghèo cứ đeo đẳng mãi, anh đã mạnh dạn xuống vùng thấp học hỏi cách làm kinh tế của người Kinh và trở về vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế.