Khi xưa vượt khó, bây giờ thành công

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/5/2023 | 2:07:31 PM

YênBái - Hôm nay, họ là những người phụ nữ thành công trong làm giàu. Chạm đến được tháng ngày ấy, cũng là cả hành trình của ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên từ những xuất phát điểm đầy khó khăn.

Chị Lê Thúy Thuận - thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là một trong những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2017-2023 được nhận Bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Chị Lê Thúy Thuận - thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là một trong những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2017-2023 được nhận Bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, rồi tiếp tục gắn bó với đồi rừng để phát triển kinh tế gia đình nhưng chị Lê Thúy Thuận - thôn Tân Việt, xã Quy Mông (Trấn Yên) từng chỉ biết trồng cây keo, bồ đề là chủ yếu trên 7 ha đất đồi rừng của gia đình nên thu nhập của gia đình thấp, không thường xuyên. Có đất rừng sản xuất mà cuộc sống vẫn nghèo khó khiến chị Thuận vô cùng trăn trở. Ước mơ thoát nghèo, năm 2014, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi 2 ha trồng rừng sang trồng bưởi diễn.

Thời điểm đó, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân công lao động, thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc… khiến hiệu quả cây trồng không cao. Nhưng chị Thuận không từ bỏ ước mơ thoát nghèo trên mảnh đất quê hương. 

Năm 2017, với chủ trương phát triển cây trồng có múi trên địa bàn huyện Trấn Yên, chị tiếp tục quyết tâm chuyển đổi 5 ha đất rừng còn lại sang trồng cam Đường canh và quýt. Tích lũy kiến thức từ việc tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm do Hội Phụ nữ xã phối hợp tổ chức cùng kinh nghiệm dần tích lũy được, chị Thuận áp dụng vào sản xuất. 

"Thuận lợi hơn nữa là được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hội phụ nữ các cấp trong việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, gia đình thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, quy trình chăm sóc nên vườn cây ăn quả ngày một phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, được khách hàng ưa chuộng và tin dùng” - chị Thuận cho hay. 

Đất rừng khi xưa nay thành đất cây ăn trái mang lại thu nhập đã trừ chi phí cỡ 350 - 400 triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị. Cuộc sống khấm khá dần hiện hữu trong gia đình chị. Nhưng không dừng lại ở đó, thấy lợi thế là vườn cây làm bóng mát cho gà, được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và quy trình xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo, chị Thuận cùng chồng quyết tâm tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm trang trại nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa, với quy mô nuôi 2 vạn con/lứa, 1 năm nuôi 3 lứa. Bước đầu đi vào hoạt động kết hợp mô hình vừa trồng cây ăn quả vừa chăn nuôi chị cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm. 

Chủ động học hỏi, năng động tìm kiếm thị trường, kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu để tiêu thụ sản phẩm, chị Thuận dần có được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chăn nuôi gà thương phẩm mang lại thu nhập còn bất ngờ hơn, tới 600-700 triệu đồng mỗi năm. 

Thấy được lợi ích của việc sản xuất, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chị Thuận dự tính tiếp tục đầu tư quy mô sản xuất, mở rộng thêm trang trại chăn nuôi gà với quy mô từ 3 vạn con/ lứa và sẽ thu hút, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động tại địa phương.

Cũng xuất thân trong một gia đình thuần nông, để bắt nhịp được với môi trường kinh doanh, với chị Nguyễn Thị Lân - Chi hội Phó Hội Phụ nữ thôn Tân Thịnh, xã An Thịnh (Văn Yên) thật sự là một hành trình dài đầy gian khổ. 

Chị bảo: "Tôi bắt đầu với nghề bằng một ý nghĩ kiếm đủ cơm ăn, áo mặc cho con, chứ không dám nghĩ gì xa vời hơn trong hoàn cảnh khó khăn, chồng thì vắng nhà, một mình nuôi hai con ăn học”. 

Những ngày khởi đầu ấy, mình chị lặn lội vào làng, vào bản thu mua nhỏ lẻ rồi vận chuyển bằng xe máy các sản phẩm về quế đến các xưởng bán, số tiền kiếm được cũng ít, không đủ để chi tiêu cho cả gia đình. Khó khăn bất ngờ chất chồng thêm lên đôi vai của người phụ nữ ấy khi năm 2018, chị gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, phải phẫu thuật với chi phí lớn, nằm viện thời gian dài. Gia đình chị đã phải bán tất cả những gì có trong nhà kể cả chiếc xe máy duy nhất mà chị dùng để kiếm sống nuôi con. 

"Sau thời gian điều trị, bệnh tình thuyên giảm, tôi nung nấu ý chí nhất định phải tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho hai con được đầy đủ” - chị Lân vẫn còn nhớ lắm những quyết tâm ngay ở thời điểm khó khăn nhất từng trải qua. 

Rồi năm 2018, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 50 triệu đồng. Vay mượn thêm, chị đầu tư xưởng thu mua, buôn bán vỏ quế - một mặt hàng sẵn có tại địa phương với quy mô nhỏ. 

Với nỗ lực không ngừng của bản thân và các thành viên trong gia đình, sau 2 năm đầu tư kinh doanh, đến năm 2020, gia đình chị đã tích lũy và mở rộng quy mô xưởng sản xuất chế biến các sản phẩm từ quế, như: quế sáo, quế ống, quế đập, quế vụn… 

Năng động tìm kiếm thị trường, đến nay, sản phẩm quế của gia đình chị đã được các công ty trong nước và một số công ty lớn của nước ngoài ký hợp đồng tiêu thụ, mỗi năm xuất bán trên 1.000 tấn quế các loại. Gia đình chị hiện đã đạt thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm và còn tạo việc làm cho cho 30 - 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Những ngày tháng khó khăn, vất vả khi xưa của chị đã được đáp đền. 

Kiên trì, nỗ lực, hôm nay, có không ít phụ nữ như chị Thuận, chị Lân đã trở thành những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, xứng đáng để nhiều chị em nhìn vào, học lấy ý chí vượt khó, làm giàu.

Thu Hạnh

Tags Yên Bái phụ nữ thành công làm giàu ý chí nghị lực

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục