Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thịnh Hưng đưa chúng tôi đến thăm mô hình tổng hợp của gia đình ông Thành. Nhìn vùng đồi rừng rộng tới 3 ha với bạt ngàn là quế, keo, bồ đề đã bước vào kỳ thu hoạch khiến chúng tôi thầm thán phục ông.
Qua câu chuyện ông Thành kể được biết, năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tham gia lái xe vận chuyển quân nhu, đạn dược trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào ở chiến trường Nam Lào rồi đến chiến trường Tây Ninh, Cam Pu Chia.
9 năm tham gia trong quân ngũ, bị nhiễm chất độc hóa học nên ông được phục viên trở về địa phương với giấy chứng nhận bệnh binh. Cuộc sống những năm 1980 vô cùng khó khăn, chế độ phụ cấp của Nhà nước cũng chỉ giúp phần nào cuộc sống.
5 người con lần lượt ra đời thì 1 người con trai thứ 4 của ông không may mắc bệnh hiểm nghèo do di chứng chất độc hóa học. Vừa làm cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp Thịnh Hưng, vừa xoay sở làm thêm bên ngoài nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.
Khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, ông Thành mạnh dạn nhận 5 ha đất rừng gần nhà để khai phá trồng cấy. Vì không có nhân lực nên chỗ nào gần, thuận tiện, ông nhờ thêm anh, em đồng ngũ giúp đỡ làm trước; chỗ nào có nguồn nước thuận tiện thì đào ao thả cá rồi cấy lúa chủ động nguồn lương thực phục vụ cuộc sống gia đình.
Ông Thành cho biết: "Thời điểm đó vay vốn rất khó khăn, cũng không có tiền để thuê người làm nên cứ có đồng lương, phụ cấp nào là tôi dồn cả vào mua cây giống, mua cá, mua gà về nuôi, có đến đâu làm đến đó. Thời gian tôi ở trên đồi rừng còn nhiều hơn ở nhà”.
Ông Thành cho biết thêm: "Vừa công việc xã hội, vừa công việc gia đình nhiều khi tôi cứ quay như chong chóng, tưởng như không có thời gian nghỉ ngơi. Ảnh hưởng của chất độc hóa học nên nhiều khi trái gió trở trời rất khổ, thêm nữa là những thất bại của buổi đầu làm kinh tế đã có lúc khiến tôi nản chí. Tôi tự nhủ: Trong chiến tranh gian khổ còn không ngại, huống chi cuộc sống đời thường lại đầu hàng. Hơn nữa, nhìn đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, đứa mắc bệnh hiểm nghèo nên tôi lại cố gắng. Bình thường người khác làm 5 thì tôi phải làm gấp đôi, thậm chí gấp 3 mới mong thoát nghèo và lo cho gia đình có cuộc sống ổn định”.
Ý chí trong chiến tranh đã tôi luyện bản lĩnh người lính Cụ Hồ trong ông Thành. Nhờ biết tính toán làm ăn với phương châm lấy ngắn nuôi dài, 5 ha đồi rừng của gia đình ông đã được phủ xanh bằng keo, bồ đề. Khi diện tích keo, bồ đề được thu hoạch, ông Thành khai thác trắng và tiếp tục trồng keo, bồ đề; 1 ha đồi gần nhà ông trồng quế.
Cùng đó ông đầu tư nuôi thêm trâu, bò, theo đó kinh tế gia đình khá dần lên. Thời điểm chăn nuôi thuận lợi, gia đình ông Thành nuôi tới 4 con trâu, 6 con bò, hơn 300 con gà và 20 con lợn thịt mỗi lứa; 5 ha đồi rừng thu nhập mỗi năm trừ chi phí cho thu hơn 100 triệu đồng. Từ chỗ thiếu trước hụt sau, gia đình ông Thành đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 76, nhiều người muốn nghỉ ngơi an nhàn vui vầy bên con cháu thì ông Thành vẫn cần mẫn lao động. Theo ông, còn sức khỏe thì phải cố gắng lao động để có đồng tích lũy phòng lúc ốm đau không phải nhờ cậy đến con cái. Bởi vậy, ngoài diện tích đồi rừng, trâu, bò chia bớt cho các con, ông Thành để lại gần 3 ha đất để trồng keo, bồ đề và quế.
Hiện tại, ông có 1 ha quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa, 3 ha keo và bồ đề 8 năm tuổi, sau 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Ý chí và nghị lực chiến thắng đói nghèo của người bệnh binh Lương Văn Thành đã đưa ông trở thành điển hình tiên phong trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trong nhiều năm, ông được xã, huyện, tỉnh tuyên dương với những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, giúp đồng đội vươn lên phát triển kinh tế.
Thanh Tân