Hành trình chinh phục tri thức của Đào và Thư thật đúng với câu nói của nữ văn sĩ người Mỹ Helen Keller: "Hãy hướng về phía mặt trời bạn sẽ không thể nhìn thấy bóng tối. Đó là những gì hoa hướng dương đang làm”. Đóa hướng dương mang tên Đào, Thư đang hướng về phía mặt trời tri thức, bước qua khó khăn để vươn tới tương lai tươi sáng hơn.
Tới gia đình em Trần Thị Đào ở thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái, chúng tôi ngỡ ngàng và cũng cảm phục em, bởi trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của gia đình, em có thể vươn lên học tốt. Căn nhà của Đào rộng chừng 50 mét vuông không có gì đáng giá ngoài những giấy khen, bằng khen mang tên Trần Thị Đào được treo trên tường, xếp trên chiếc tủ cũ kỹ. Có lẽ đó là động lực để bố mẹ em gắng sức lao động kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Ông Trần Văn Hòa - bố của Đào khuyết tật hệ vận động nên mọi việc trong gia đình đều trông hết vào mẹ của em. Đào lớn lên mang theo trọng trách gánh vác công việc gia đình cùng mẹ, có lẽ vì thế Đào đã 18 tuổi mà trông chỉ như học sinh lớp 8. Tất cả những khó khăn đều không ngăn được bước chân của em tới trường, không làm giảm đi nỗ lực tìm kiếm tri thức.
Đào tâm sự: "Em hiểu được rằng chỉ có con đường học tập mới có thể giúp em có được tương lai tươi sáng hơn, mới có thể giúp đỡ bố mẹ và cùng lo cho các em”. Hiểu được nguyện vọng của con, ông bà Hòa Yên cũng cố gắng cho con ăn học.
Bà Yên - mẹ của Đào chia sẻ: "Thấy cháu ham học nên tôi cũng động viên cháu cố gắng học cho cuộc đời con và học thay cả phần của bố mẹ. Đồi nương cũng bán dần cho con đi học, hy vọng con sẽ có tương lai tốt hơn”.
Mỗi ngày Đào đạp xe hơn 7 km để tới trường. Cường độ học tập và ôn luyện, đặc biệt là thời gian tập trung đội tuyển hết sức áp lực, nhưng Đào vẫn kiên trì trên cung đường đi về để đỡ đần mẹ việc nhà, việc nương đồi. Trong giờ học trên lớp, Đào cố gắng tiếp thu kiến thức thầy cô giảng, tranh thủ hỏi thêm thầy cô, bạn bè những phần mình chưa hiểu.
Ngay từ khi còn học THCS, Đào đã rất yêu thích môn học Lịch sử; đến khi vào lớp 10, em được cô giáo Phạm Thị Hồng bồi đắp trở thành niềm đam mê. Với Đào, học Lịch sử không chỉ là ghi nhớ mà còn phải hiểu ý nghĩa của mỗi mốc lịch sử và bài học kinh nghiệm, đòi hỏi người học phải có khả năng phân tích, em chia sẻ: "Em tìm hiểu trong sách trên thư viện nhà trường, trong sách cô giáo cho mượn, rồi tìm kiếm trên mạng Internet, nhờ các anh, chị đi trước chia sẻ…”.
Có lẽ chính bởi bí kíp đó mà trước giải Nhì quốc gia môn Lịch sử năm nay, Đào đã từng đạt giải Khuyến khích môn Lịch sử năm 2022. Cô gái nhỏ đã làm dày thêm bộ sưu tập thành tích của bản thân sau mỗi kỳ thi. Không ngủ quên trên chiến thắng, sau khi đạt giải, em đã tranh thủ thời gian, sự quan tâm, giúp đỡ của thầy, cô bắt tay vào ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, chuẩn bị một hành trang đầy ắp sự nỗ lực, những thành tích và cả tình yêu thương của gia đình, thầy cô để bước vào một hành trình mới, hành trình chinh phục ước mơ trở thành sinh viên ngành đối ngoại.
Cùng lớp với Đào, em Bàn Thị Kim Thư cũng đạt giải Ba cấp quốc gia môn Lịch sử. Để có được thành tích như hôm nay, Thư cũng phải nỗ lực không ít.
Với nếp nghĩ nhiều thế hệ trong gia đình em thì việc học không được chú trọng khi mà cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề. Theo chân các thầy cô giáo Trường THPT Chu Văn An về thăm nhà em Thư, chúng tôi như chứng kiến thêm một câu chuyện cổ tích có thật như câu chuyện của Đào.
Năm 2020, khi mà Thư bắt đầu bước vào cấp 3, không may gia đình xảy ra biến cố lớn, vô cùng khó khăn, ông Bàn Văn Trường - bố của Thư muốn em xuống thành phố Yên Bái làm việc trong lò bánh mì để có thể nuôi được bản thân, đỡ đần gia đình.
Ông Trường chia sẻ: "Lúc ấy gia đình quá khó khăn, tôi không muốn cho con đi học nữa. Tôi nghĩ, nếu đi làm ở lò bánh mì thì một tháng cũng được 3 - 5 triệu đồng là tốt lắm rồi. Nhưng con không chịu, nhiều lần 2 bố con to tiếng và lần nào cũng kết thúc bằng câu nói trong nước mắt của con là con muốn đi học tiếp”.
Cãi lời cha, Thư chọn đi học tiếp. Mặc dù miệng nói "con đi học thì con tự lo”, nhưng vợ chồng ông Trường cũng cố gắng lo cho con trong điều kiện có thể nhất lúc ấy là một chiếc xe đạp để em có thể vượt 7 ki lô mét đến trường và chiều về phụ giúp công việc nương đồi với cha mẹ. Góc học tập chỉ là chiếc bàn cũ, không máy tính, không phương tiện hỗ trợ học tập hiện đại… Và trái ngọt là nhiều năm liền Thư đạt học sinh giỏi, giải Ba toàn quốc môn Lịch sử. Ước mơ của em là được học lên đại học và được học ở Trường Đại học Ngoại ngữ đang đến gần.
Bàn Thị Kim Thư tâm sự: "Em đang nỗ lực ôn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Em xác định sẽ vừa đi học, vừa đi làm để thực hiện ước mơ của mình”.
Trần Thị Đào (bên phải), Bàn Kim Thư (bên trái) cùng cô giáo Phạm Thị Hồng trước tấm biển "Ở đây có học sinh giỏi quốc gia”.
Chia sẻ về 2 học trò nhỏ xuất sắc của mình, cô giáo Phạm Thị Hồng vừa là giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên môn Lịch sử cho biết: "Cả Đào và Thư đều ngoan ngoãn và rất chăm chỉ. Các em có một ý chí vượt khó đặc biệt, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không lùi bước. Vào đợt ôn thi cao điểm, tôi đưa các em về nhà để kèm thêm buổi tối, sau khi hướng dẫn dặn các em ngủ sớm nhưng 3 giờ sáng tỉnh giấc vẫn thấy các em miệt mài, nhiều khi phải "quát” đi ngủ để còn giữ sức khỏe”.
Cô Hồng có rất nhiều lứa học sinh đạt giải quốc gia và đa phần trong số đó đều có hoàn cảnh khó khăn. Sự yêu thương của cô như một người mẹ đã dìu dắt những ước mơ cháy bỏng của những cô, cậu học trò vùng khó như Đào và Thư, giúp các em hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Bông hoa hướng dương mang tên Đào và Thư đã vượt qua những khó khăn để hướng mình về phía mặt trời tri thức dưới sự dìu dắt yêu thương của cô Hồng, của các thầy giáo, cô giáo Trường THPT Chu Văn An. Những trang sử vẻ vang của trường sẽ tiếp tục với bề dày thành tích và trên tất cả, những học trò nghèo ở vùng đất quế đang tỏa sáng ước mơ trên con đường tri thức…
Thanh Ba