Những phụ nữ năng động, làm kinh tế giỏi

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/6/2023 | 1:53:18 PM

YênBái - Thời gian qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của hội phụ nữ (HPN) các cấp luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể hội viên. Qua đó, xuất hiện nhiều những tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Đinh Thị Hương tư vấn, giới thiệu sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho khách hàng.
Chị Đinh Thị Hương tư vấn, giới thiệu sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho khách hàng.

Là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Đinh Thị Hương ở thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Ban đầu, gia đình chị Hương chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ vài con gà, con lợn, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. 

Năm 2014, từ nguồn tiền tích lũy của gia đình và 30 triệu đồng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Hương mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô 2.000 con/lứa và nuôi thêm đàn lợn thịt. 

Thời điểm đầu chị gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi vẫn còn hạn chế. Dịch bệnh hoành hành khiến giá thức ăn vật nuôi tăng, giá thịt lợn giảm dẫn tới việc chăn nuôi thua lỗ. Mặc dù không tránh khỏi có những lúc chán nản nhưng gia đình chị luôn động viên nhau cùng cố gắng vượt qua. 

Từ đây chị dành nhiều thời gian tìm hiểu, học thêm những kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng Internet, sách báo, truyền hình, tham gia các buổi học đào tạo nghề ngắn hạn… từ khâu lựa chọn con giống, phương pháp nuôi, cách phòng bệnh hiệu quả cho vật nuôi. 

Đồng thời chị chủ động kết nối với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện tìm đầu ra ổn định. Qua đó, giúp chị xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng được khách hàng tin tưởng. Bên cạnh chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình, chị Hương còn mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, được nhiều hộ gia đình ủng hộ và lựa chọn. Nhờ đó trung bình mỗi năm gia đình chị thu nhập ổn định đạt gần 1 tỷ đồng. 

Chị Đinh Thị Hương chia sẻ: "Có được kết quả như hôm nay là cả quá trình dài nỗ lực không ngừng của bản thân và các thành viên trong gia đình. Cùng đó, tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và HPN các cấp là nguồn động viên lớn giúp tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế”.

Cùng xuất thân từ nghề nông, gia đình chị Lê Thúy Thuận và anh Phạm Đức San ở thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên luôn tích cực hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Từ 7 ha đất rừng chủ yếu trồng keo, bồ đề cho thu nhập thấp, không thường xuyên, chị Thuận mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng rừng sang trồng bưởi Diễn. 

Ban đầu chuyển đổi, gia đình gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư, nhân công lao động, kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc còn nhiều hạn chế nên thường bị sâu bệnh dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa tốt. 

Không nản chí, năm 2017, với chủ trương phát triển cây trồng có múi trên địa bàn huyện Trấn Yên, chị Thuận tìm hiểu, tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn khuyến nông do HPN xã phối hợp tổ chức. Qua thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị Thuận tự tin chuyển đổi 5 ha đất rừng còn lại sang trồng cam Đường canh và quýt.

Chị Thuận chia sẻ: "Được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, gia đình thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, quy trình chăm sóc nên đàn vật nuôi cũng như vườn cây ăn quả phát triển tốt và sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng”. 

Được biết, tận dụng lợi thế có vườn cây làm bóng mát cho gà, gia đình chị thuận đã đầu tư trang trại nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa, với quy mô 2 vạn con/lứa, mỗi năm gia đình nuôi 3 lứa. Đồng thời chị Thuận năng động tìm thị trường, kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. 

Đến nay, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định, hàng năm sau khi trừ chi phí gia đình có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm từ vườn cây ăn quả và thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà thương phẩm.

Với ý chí, nỗ lực vươn lên, những phụ nữ năng động như chị Hương, chị Thuận không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào HPN. Đồng thời, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình, sống hòa thuận, biết sẻ chia công việc, vững vàng vượt qua khó khăn xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng đáng là những tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Bùi Minh

Tags phụ nữ mô hình gia đình hạnh phúc tiêu chuẩn VietGAP 6 không 6 có

Các tin khác
Hội Phụ nữ Công an thành phố Yên Bái thăm, tặng quà cháu Lại Nhân Kiệt mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động và Thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 07/1/2022 của Ban Thường vụ Hội Phụ nữ (HPN) Bộ Công an về thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, HPN Công an tỉnh Yên Bái đã xây dựng Kế hoạch số 17, ngày 01/02/2022 và Hướng dẫn số 18 ngày 07/04/2022 triển khai tới các cấp hội cơ sở trực thuộc, HPN Công an các huyện, thị xã, thành phố.

Homestay của Thào A Su trở thành nơi tham quan học tập của nhiều thanh niên trên địa bàn huyện về phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Sau khi học nghề về du lịch, Homestay của anh Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, đẹp mắt hơn, quảng bá rộng rãi hơn nên vào những dịp nghỉ lễ hoặc mùa du lịch, cơ sở của Su luôn kín khách. Những tháng thường cũng đạt trung bình trên 50 khách/tháng, đem lại doanh thu khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Ông Lương Văn Thành, thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình chăm sóc đồi quế.

Vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình với mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm đó là ý chí và nghị lực của bệnh binh Lương Văn Thành, thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiệp thăm khám và động viên tinh thần bệnh nhân.

Với đôi bàn tay "vàng”, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Tiệp - Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã cùng đồng nghiệp chinh phục nhiều ca khó trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, đặc biệt là bệnh nhân có khiếm khuyết, dị tật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục