Ông Ngô Thanh Hổ đi đầu phát triển kinh tế trang trại ở Phúc Lợi

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/8/2023 | 1:58:39 PM

YênBái - Gia đình ông Ngô Thanh Hổ ở thôn 1 Thuồng là một trong những hộ đi đầu phát triển kinh tế trang trại ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Ông Ngô Thanh Hổ chăm sóc đồi quế của gia đình.
Ông Ngô Thanh Hổ chăm sóc đồi quế của gia đình.

Phúc Lợi là xã vùng cao của huyện Lục Yên, có 4.030 ha đất lâm nghiệp, bằng 51% tổng diện tích tự nhiên địa phương. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào Dao, chiếm tỷ lệ 69,2%. Những năm qua, do biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên nhiều gia đình đã thoát đói nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế trang trại.

Năm 1981, ông Hổ nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, được nhân dân tín nhiệm, ông tham gia ban chủ nhiệm hợp tác xã. Nhanh nhẹn, tháo vát nhưng tuổi trẻ có chút nông nổi, muốn làm giàu một cách nhanh chóng nên năm 1991, sau một lần vi phạm pháp luật, ông phải trả giá đắt là bốn năm tù cải tạo tại Trại giam Hồng Ca. Có tinh thần lao động tốt, ông được ân xá trước thời hạn. 

Năm 1995, gia đình ông mạnh dạn nhận 5 ha đất để làm kinh tế. Lúc đầu, đồng vốn còn ít ỏi, ông thực hiện lấy ngắn nuôi dài. Ngày ngày, ông đi làm thuê, kéo lưới ở hồ; vợ, con ông lên rừng chặt bỏ cây tạp, trồng mới bồ đề, mỡ, keo… Tận dụng lúc rừng chưa khép tán, ông trồng xen ngô, sắn, đậu đỗ các loại và khai hoang, thâm canh 1 ha lúa nước. Trong chuồng, gia đình duy trì nuôi từ 2 - 3 lợn nái, mỗi nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi năm xuất bán trên 4 tạ lợn giống. Ngoài ra, ông nuôi từ 100 - 150 con gà, vịt, ngan và vay vốn nuôi thêm 3 - 4 con trâu sinh sản, cày kéo. 

Có lợi thế gần hồ Thác Bà, ông đắp được 2 ha mặt ao để nuôi cá. Vừa học vừa làm, ông rút ra kinh nghiệm là muốn nuôi cá lớn nhanh, ngoài thực hiện theo quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn thì phải có ao riêng để nuôi cá bột, phải thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cá để kịp thời xử lý và khi cá được 0,4 - 0,5 kg sẽ thả sang ao nuôi cá thịt. 

Năm 2005, diện tích ao hồ ổn định cho gia đình ông thu 2 tấn cá trắm, gần 2 tấn cá mè, chép, trôi... với tiền lãi 40 triệu đồng. Như vậy, chưa kể thu từ cây lâm nghiệp, trung bình mỗi năm gia đình ông thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí có lãi 60 - 70 triệu đồng. Không những thế, chăn nuôi đã cung cấp một nguồn phân hữu cơ đáng kể phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

Khi có đồng vốn lớn hơn, ông đầu tư trồng mới, mua thêm rừng ở nhiều độ tuổi, đưa diện tích rừng hiện có của gia đình lên trên 50 ha, trong đó có 5 ha bồ đề, 30 ha keo lai, bạch đàn 10 ha, 5 ha quế, trên 200 gốc tre măng Bát độ… 

Ông Hổ cho biết: "Có thành quả ngày hôm nay, thật sự là tôi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự hướng dẫn, chỉ bảo của cán bộ khuyến nông giúp học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, lựa chọn con giống, cây giống chất lượng tốt để nuôi trồng. Lấy ngắn nuôi dài, tuân theo quy luật cung cầu, không chạy theo phong trào, không bị động trong khâu vốn, trong tiêu thụ sản phẩm nên kinh tế gia đình tôi ngày càng khá lên với tổng thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp là 300 triệu đồng, lãi 150 triệu đồng”. 

Hiện nay, ông đang dần thay thế bằng các giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao như: keo lai, bạch đàn, tre măng Bát độ, dưa hấu, dưa lê… Ông đã đầu tư xây nhà, mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy cắt gỗ vừa phục vụ nhu cầu của gia đình vừa làm thêm dịch vụ và tạo việc làm cho các con.

Ông Thiều Văn Chạn - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi cho hay: "Địa phương hiện có 20 hộ gia đình phát triển theo hướng trang trại, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng một ngàn mét khối gỗ. Gia đình ông Ngô Thanh Hổ là một trong những hộ đi đầu nhận đất nhận rừng để phát triển kinh tế trang trại và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao”. 

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng người vợ tần tảo và 2 người con góp sức, gia đình ông Hổ đã và đang làm thay đổi cả một vùng đất cằn cỗi năm xưa thành một dải rừng trù phú với màu xanh bạt ngàn của các loại cây. Từ chỗ khó khăn, bấp bênh lúc ban đầu lập nghiệp, nay gia đình ông có của ăn của để, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sản xuất, đời sống. Đặc biệt, ông luôn tích cực giúp đỡ bà con lối xóm về khoa học kỹ thuật, cây giống, con giống để phát triển kinh tế. Ông vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng.

Đặng Thành Trung (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Tags kinh tế trang trại Phúc Lợi Lục Yên Ngô Thanh Hổ

Các tin khác
Bác sĩ Phạm Duy Thành kiểm tra sức khỏe bệnh nhi.

“Hạnh phúc của tôi là giây phút được đón những thiên thần nhỏ cất tiếng khóc chào đời và nụ cười tươi trên khuôn mặt những người mẹ hiền sau hành trình vượt cạn thành công”, đó là lời tâm sự của bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Duy Thành - Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.

Cán bộ Hội LHPN huyện Lục Yên và chị Đoàn Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN xã Tô Mậu (người mặc áo hoa) thăm gia đình chị Hoàng Thị Hồng - hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà mới.

Đến với công tác Hội từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) ở cơ sở đều có chung một niềm đam mê, nhiệt tình, tâm huyết và đầy trách nhiệm với nghề. Sự nỗ lực đó của các chị đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào Hội, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình, xã hội và sự phát triển của địa phương.

Binh nhất Hà Xuân Mạnh (bên trái) trao trả chiếc ví nhặt được cho anh Lý A Chư.

Tối 19-8, câu chuyện binh nhất Hà Xuân Mạnh, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) nhặt được tài sản, trả lại người đánh rơi ngay nơi tâm lũ Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến đồng đội và người dân trên địa bàn ai cũng cảm phục, xúc động.

Cụ Nguyễn Văn Chiêu, 73 tuổi (bên phải) từ Hà Nội lên hỗ trợ kỹ thuật xử lý một đoạn đường có vách đá nghiêng khi xây dựng đường lên chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán huyện Trạm Tấu. .

A Tú cho biết, trong hơn chục tỷ đồng bà con gửi về hai kênh “Gái bản” và “Tiếng gọi vùng cao” để hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện thì có tới 50% đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục