Những “bông hoa đẹp” của phụ nữ Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/8/2023 | 2:58:28 PM

YênBái - Đến với công tác Hội từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) ở cơ sở đều có chung một niềm đam mê, nhiệt tình, tâm huyết và đầy trách nhiệm với nghề. Sự nỗ lực đó của các chị đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào Hội, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình, xã hội và sự phát triển của địa phương.

Cán bộ Hội LHPN huyện Lục Yên và chị Đoàn Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN xã Tô Mậu (người mặc áo hoa) thăm gia đình chị Hoàng Thị Hồng - hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà mới.
Cán bộ Hội LHPN huyện Lục Yên và chị Đoàn Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN xã Tô Mậu (người mặc áo hoa) thăm gia đình chị Hoàng Thị Hồng - hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà mới.

Người "truyền lửa”, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng

Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp cùng Chủ tịch Hội LHPN xã Tô Mậu, huyện Lục Yên Đoàn Thị Mến tới thăm các hộ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đoạn đường nhỏ, ngôi nhà lợp Fibro xi măng mới hiện ra trước mắt, thấy chúng tôi đến, một người phụ nữ nhỏ thó luýnh quýnh ra đón. 

Qua câu chuyện tôi mới biết chị tên là Hoàng Thị Hồng.  Vốn gia đình chị có ngôi nhà tạm dưới chân núi Nản nhưng không may năm 2021, chồng chị ốm nặng rồi qua đời. Cú sốc quá lớn về tinh thần cùng với gánh nặng 3 con nhỏ còn đang tuổi bế ẵm khiến gia đình chị Hồng lâm vào cảnh khốn cùng. Cảm thông với hoàn cảnh của chị Hồng, chị Mến thường xuyên tổ chức chị em trong Hội đến hỏi thăm, động viên, giúp đỡ mẹ con chị Hồng. Đồng thời, Hội cũng vận động anh em trong gia đình chị Hồng nhường đất để chị làm ngôi nhà ở thôn Trung Tâm vào năm 2022 và kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Lau vội giọt nước mắt trên má, chị Hồng chia sẻ: "Biết ơn Hội Phụ nữ nhiều lắm, nhất là chị Mến đã trực tiếp kêu gọi, hỗ trợ gia đình làm nhà mới và một số vật dụng sinh hoạt. Có ngôi nhà mới, có chục con gà mái nuôi lấy trứng, một mảnh vườn nhỏ và trên 1 sào lúa, giờ cuộc sống của 4 mẹ con em đã tạm ổn”.

Còn nhiều những ngôi nhà khác do chị Mến kêu gọi hỗ trợ làm mới, sửa chữa từ năm 2021 đến giờ với nhiều hoàn cảnh đáng thương như chị Tướng Thị Bền, hội viên có chồng bị tai nạn liệt nửa người và 2 con nhỏ, cháu Hoàng Hoa Hồng mồ côi cả cha lẫn mẹ hay hội viên thiểu năng trí tuệ… Mỗi người một hoàn cảnh khó khăn đều cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Cảm phục trước tấm lòng và sự nhiệt huyết trong công việc của chị Đoàn Thị Mến, tôi hỏi: "Tại sao chị lại có thể nắm được hết hoàn cảnh của từng hội viên và kêu gọi sự chung tay ủng hộ giúp đỡ họ?". Chị Mến trả lời: "Vốn là cán bộ văn hóa xã, năm 2020, được phân công phụ trách Hội LHPN xã, tôi đã thường xuyên xuống từng chi hội nắm bắt hoàn cảnh của chị em. Qua đó, tôi báo cáo xã và Hội LHPN huyện, đồng thời tìm mọi cách huy động sự chung tay của cộng đồng. 

Mỗi trường hợp đưa lên Zalo, Facebook cá nhân và của Hội, tôi thường đăng hình ảnh, hoàn cảnh cụ thể riêng để các tổ chức, cá nhân nắm được và chung tay giúp đỡ. Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ. Mỗi công trình hoàn thành, tôi đều đưa hình ảnh và công khai các khoản hỗ trợ nên các tổ chức, cá nhân rất tin tưởng, hài lòng”. 

Không kể ngày đêm, tận tụy với công việc, đến nay, chị Đoàn Thị Mến đã vận động xã hội hoá, xây mới 4 ngôi nhà, sửa 1 nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 364 triệu đồng. 

Không chỉ vậy, chị còn vận động doanh nghiệp trao tặng cho hội viên nghèo 24 đôi dê sinh sản, trị giá 120 triệu đồng; nhận làm mẹ đỡ đầu 6 trẻ mồ côi, bảo trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng đến khi các cháu đủ 18 tuổi. 

Đặc biệt, chị còn kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ hội viên Hoàng Thị Quỳnh, thôn Trung Tâm mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 66 triệu đồng. Cùng đó, chị luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc vận động. Chị Đoàn Thị Mến được chị em tin yêu đặt cho tên gọi người "truyền lửa”, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.

"Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội"

Chia tay chị Đoàn Thị Mến - người cán bộ Hội tâm huyết, chúng tôi tiếp tục đến với huyện vùng cao Trạm Tấu, gặp chị Lý Thị Xông - Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Xi Láng. Chị Xông được biết đến là cán bộ Hội cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và triển khai các hoạt động và phong trào Hội. 

Tà Xi Láng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, gồm 5 thôn với 393 hộ, 2.079 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75,8%, hộ cận nghèo chiếm 11,5%, dân tộc Mông chiếm 99%, trên 300 hội viên phụ nữ. Kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, vì vậy, với phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, chị Xông đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền minh họa dễ nghe, dễ hiểu và phù hợp với tâm lý hội viên, từng bước đưa hoạt động Hội vào tất cả các chi hội. 

Chị Lý Thị Xông cho hay: "Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "3 sạch” gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) đã góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững ở địa phương". 


Chị Lý Thị Xông, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Xi Láng (người ngoài cùng bên phải) vệ sinh đường thôn Tà Đằng cùng chị em.

Với tiêu chí "5 không”, Hội đã tích cực triển khai hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua hỗ trợ vốn vay tín dụng của các ngân hàng; vốn từ nguồn tiết kiệm của chị em; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ. Hội cũng phối hợp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo. 

Với tiêu chí "3 sạch”, Hội đẩy mạnh tuyên truyền từng hộ hội viên nâng cao ý thức sống sạch và tham gia các hoạt động phụ nữ chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Minh chứng cụ thể, chị Xông dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Sùng Thị Hờ, thôn Tà Đằng đã được công nhận "Nhà sạch, vườn đẹp”. Quả thật, khác hẳn trước đây tôi từng đến, nhà chị Hờ sạch sẽ, gọn gàng, không còn nuôi nhốt gia súc gần nhà. 

Chị Hờ phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, mình không quan niệm phải vệ sinh nhà cửa, vì đi làm nương về đã mệt rồi. Vì vậy, con cái mình rất hay ốm đau, nhất là đau mắt, tiêu chảy. Nay được cán bộ Hội tuyên truyền nhiều, mình đã biết vệ sinh nhà cửa, xây nhà vệ sinh, làm chuồng gia súc ra xa nhà, ăn những thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc; giờ con cái mình khỏe mạnh, ít ốm”. 

Không chỉ các cuộc vận động, tham gia công tác Hội, chị Xông chứng kiến sự bất bình đẳng giới vẫn xảy ra tại địa phương. Chị suy nghĩ, chỉ khi thực hiện được bình đẳng giới thì chị em mới có cơ hội được tham gia các phong trào phụ nữ, các hoạt động xã hội, nam giới sẽ thấu hiểu phụ nữ và chia sẻ gánh nặng với chị em. 

Nghĩ là làm, chị đã đẩy mạnh phong trào Hội, tạo môi trường và sân chơi thu hút chị em phụ nữ tham gia, phát triển bản thân, bỏ tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên… Bằng cách làm đó, chị Xông đã thu hút được hàng chục chị em hội viên tham gia và nhận được sự ủng hộ từ gia đình và cộng đồng. Vì vậy, hơn chục năm tham gia công tác Hội, năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Mến và chị Xông là 2 trong số 30 cán bộ Hội LHPN cơ sở tiêu biểu được Hội LHPN tỉnh tuyên dương, vừa qua, tại Hội nghị biểu dương chủ tịch Hội cơ sở giỏi tỉnh năm 2023. Dù ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nhưng mỗi cán bộ Hội cơ sở đều nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê và dành tình cảm cho tổ chức Hội và phong trào phụ nữ vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên. 

Với tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, tiên phong, gắn bó mật thiết với hội viên, đội ngũ cán bộ Hội đang góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. 

Minh Huyền 

Tags Phụ nữ Yên Bái hội viên tuyên dương 5 không 3 sạch nông thôn mới giảm nghèo bền vững bình đẳng giới no ấm bình đẳng tiến bộ hạnh phúc

Các tin khác
Binh nhất Hà Xuân Mạnh (bên trái) trao trả chiếc ví nhặt được cho anh Lý A Chư.

Tối 19-8, câu chuyện binh nhất Hà Xuân Mạnh, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) nhặt được tài sản, trả lại người đánh rơi ngay nơi tâm lũ Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến đồng đội và người dân trên địa bàn ai cũng cảm phục, xúc động.

Cụ Nguyễn Văn Chiêu, 73 tuổi (bên phải) từ Hà Nội lên hỗ trợ kỹ thuật xử lý một đoạn đường có vách đá nghiêng khi xây dựng đường lên chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán huyện Trạm Tấu. .

A Tú cho biết, trong hơn chục tỷ đồng bà con gửi về hai kênh “Gái bản” và “Tiếng gọi vùng cao” để hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện thì có tới 50% đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài.

Tiết mục “Vui ngày hội xuân” do chị Hoàng Thị Kim Vượng dàn dựng, biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày lần đầu tiên tổ chức tại xã Đại Phác, tháng 6/2023.

Gần 10 năm làm Trưởng thôn Đại Thắng, xã Đại Phác (Văn Yên), chị Hoàng Thị Kim Vượng luôn nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin trưởng, nhân dân yêu mến. Hơn thế, là người con dân tộc Tày, chị Vượng còn luôn tích cực gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nhiều năm qua.

Là người con dân tộc Dao ở xã khác nhưng Đặng Văn Chính vẫn quyết tâm vượt qua nhiều rào cản, một mình tới khởi nghiệp, bước đầu đã thuyết phục được hơn chục hộ người dân tộc Mông ở Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, cùng với một số hộ người dân tộc Tày, Giáy... trên địa bàn tỉnh Yên Bái thay đổi tư duy, cùng anh liên kết thành lập hợp tác xã nông nghiệp và du lịch, mở ra hướng sinh kế mới đầy triển vọng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục