Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chính quyền xã giao Hội Cựu Chiến binh (CCB), Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức canh tác chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP (viết tắt là chè VietGAP), xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà” và đã lấy lại chữ tín với khách hàng.
Từ năm 2015 trở về trước, gia đình CCB Phạm Đức Hồng ở thôn Phúc Hòa, Hoàng Văn Nghĩa ở thôn Hán Đà 1, Phạm Văn Đạt ở thôn Trác Đà và gần 400 hộ ở 8 thôn trong xã vẫn sản xuất sản phẩm chè theo quy trình "riêng của từng hộ”: phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục cho phép; sử dụng quá liều lượng; thời gian từ khi phun thuốc tới khi thu hái không đảm bảo theo quy định...
Dẫn đến, sản phẩm chè tươi, chè xanh khô của người dân sản xuất ra tiêu thụ chậm và có thời điểm không tiêu thụ được vì chất lượng thấp do dư lượng thuốc BVTV lớn; nhiều hộ đã phá bỏ cây chè để trồng bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch...; dẫn tới, diện tích chè của xã giảm từ trên 200 ha xuống còn trên 160 ha.
Không để người dân lao vào vòng luẩn quẩn "trồng rồi lại chặt”, đời sống ngày càng khó khăn hơn, ông Trần Tường - Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà cùng Hội CCB xã quyết tâm thay đổi phương thức canh tác cũ không phù hợp của hội viên và các hộ làm chè.
Ông Trần Tường chia sẻ: "Trước thực trạng các sản phẩm chè tươi, chè khô của người dân sản xuất ra không tiêu thụ được do chất lượng không đảm bảo, nhiều hộ dân chặt chè đi để trồng bưởi, năm 2015, sau khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, chăn nuôi tổng hợp Hán Đà (chủ yếu các thành viên là CCB), tôi cùng với anh em trong Hội về 8 thôn, tuyên truyền, vận động hội viên CCB và các hộ dân thay đổi phương thức thâm canh, sản xuất các sản phẩm chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP không sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc BVTV mà chuyển sang chăm sóc chè bằng phân hữu cơ; không phun thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép; không sử dụng quá liều lượng, chỉ được thu hái chè sau khi phun đảm bảo thời gian theo quy định...”.
Sau hơn 2 năm tích cực tuyên truyền, vận động hội viên CCB và các hộ trồng chè trong xã chuyển đổi phương thức sang sản xuất chè VietGAP, năm 2017, Hội CCB xã quyết định đổi tên HTX Dịch vụ, chăn nuôi tổng hợp Hán Đà thành HTX CCB Hán Đà để có cơ sở pháp lý xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà”.
Năm 2018, ông Trần Tường cùng với cán bộ Hội và các thành viên HTX cùng bàn bạc, thống nhất xây dựng mô hình chè VietGAP với 34 hộ hội viên CCB tham gia, tổng diện tích 21 ha. Các hộ tham gia được Hội CCB xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn sản xuất chè VietGAP về kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc BVTV đúng danh mục, liều lượng, thời gian thu hoạch chè sau khi phun thuốc để đảm bảo chất lượng chè và sức khỏe cho người lao động và khách hàng sử dụng các sản phẩm chè.
Lãnh đạo xã Hán Đà và Hội CCB xã kiểm tra các sản phẩm "Chè xanh Hán Đà”.
Ông Phạm Đức Hồng hội viên CCB ở thôn Phúc Hòa nhớ lại: "Khoảng năm 2003 - 2004, xã tuyên truyền phá bỏ giống chè trung du cũ đi trồng thay thế bằng giống chè DPH1 và DPH2, tôi là một trong những hộ đi đầu thay thế, trồng mới được gần 1 ha, chủ yếu là giống chè DPH1 vì giống chè này hương vị thơm, uống sau vài phút vị ngọt đọng lại ở trong cổ họng rất lâu. Sau gần 3 năm, chè cho thu hoạch, năng suất cứ tăng dần lên nhưng chè ế ẩm không bán được vì mình phun thuốc BVTV nhiều, hái chè về sao mùi thuốc BVTV bốc hơi lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình".
Ông Hồng kể: "Đã có lúc tôi định chặt chè đi để trồng bưởi. Rất may, đang trong lúc khó khăn thì Hội CCB xã tuyên truyền, vận động tôi tham gia mô hình sản xuất chè VietGAP từ năm 2018 - khi Hội mới xây dựng mô hình. Sau khi được tập huấn các lớp sản xuất chè VietGAP về, tôi giảm bón phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ cho cây chè; sử dụng phun thuốc BVTV đúng loại cho phép, đúng liều lượng và sau một tuần mới thu hoạch".
"Gia đình không bán chè tươi mà tự sao khô bán sản phẩm chè xanh nên được giá hơn. Trước đây, chỉ bán được 40.000 - 50.000 đồng/kg chè vàng, 60.000 - 80.000 đồng/kg chè xanh khô, bây giờ vừa bán cho HTX vừa bán cho khách hàng ở Hải Phòng, Thái Nguyên với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Sản phẩm chè xanh khô làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và mỗi năm thu nhập được trên 250 triệu đồng, sức khỏe của tôi được cải thiện hơn do không hít phải hơi thuốc BVTV độc hại khi phun chè và xao chè...” - ông Hồng nói.
Thấy được lợi ích của việc sản xuất chè VietGAP năng suất, chất lượng được nâng lên, sản phẩm chè sản xuất ra tiêu thụ tốt hơn, giá cao hơn, nhất là bảo vệ sức khỏe cho người lao động và khách hàng sử dụng sản phẩm chè Hán Đà, năm 2020, Hội CCB xã tiếp tục vận động 105 hộ hội viên tham gia mô hình sản xuất chè VietGAP với hơn 51 ha, nâng diện tích của mô hình lên 72 ha với 139 hộ hội viên tham gia.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động các hộ hội viên xây dựng mô hình sản xuất chè VietGAP, năm 2018 cũng là năm HTX CCB Hán Đà đầu tư máy sao chè, thu mua chè búp tươi để sản xuất chè xanh, xây thương hiệu "Chè xanh Hán Đà” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Chè xanh Hán Đà”; được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 12 năm 2021...
Hiện, xã Hán Đà có 400 hộ làm nghề chè với diện tích trên 160 ha, chủ yếu là giống chè DPH2 và DPH1, sản lượng chè búp tươi đạt trên 2.000 tấn/năm, tương đương với trên 300 tấn chè khô; trong đó, 72 ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP đạt trên 100 tấn chè khô/năm; các hộ dân ít bán chè búp tươi mà hầu như hộ nào cũng đầu tư máy sao chè, vò chè để bán sản phẩm chè xanh khô. Đầu vụ bán ra cho thương lái ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh... được giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg chè khô; cuối vụ bán từ 130.000 -150.000 đồng/kg.
Trong khi đó, HTX CCB Hán Đà mới thu mua được trên 1 tấn chè khô để đóng bao bì nhãn hiệu "Chè xanh Hán Đà” bán ra thị trường với giá 300.000 đồng/kg. Năm 2023, HTX dự kiến thu mua trên 2 tấn chè của hội viên và các hộ sản xuất chè VietGAP để đóng gói sản phẩm nhãn hiệu "Chè xanh Hàn Đà” xuất bán ra thị trường.
Như vậy, HTX mới chỉ thu mua được một phần nhỏ sản lượng chè khô của hội viên và các hộ làm nghề chè trong xã. Phần lớn sản lượng chè khô còn lại, các hộ và hội viên phải tự tìm thị trường tiêu thụ và giá chè vàng chỉ đạt từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; chè xanh khô, giá từ 80.000 -120.000 đồng/kg.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chè của hội viên CCB và các hộ làm chè trong xã, người "lính già’ Trần Tường - Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà đã cùng với cán bộ của Sở Công Thương đưa sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” đi giới thiệu tại các hội chợ ở tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tĩnh... để tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm cho hội viên và các hộ làm nghề chè trong xã, song kết quả cũng chưa được như kỳ vọng của ông Tường và các thành viên trong HTX.
Để sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” của HTX vươn ra chiếm được thị phần ở các tỉnh trong nước, các thành viên HTX cùng với các hộ hội viên và gần 400 hộ làm chè ở Hán Đà rất mong các ngành chuyên môn của huyện, tỉnh, Hội CCB tỉnh giúp đỡ quảng bá thương hiệu "Chè xanh Hán Đà” tới khách hàng trong cả nước.
Cùng đó là có chính sách hỗ trợ cho các hộ làm chè ở Hán Đà đầu tư máy sao chè, vò chè hiện đại hơn; tiếp tục đầu tư xây dựng diện tích chè gần 80 ha còn lại sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm chè của các hộ trong xã đủ tiêu chuẩn được đóng gói nhãn hiệu "Chè xanh Hán Đà”, OCOP 3 sao; có chính sách hỗ trợ HTX CCB Hán Đà trong quá trình sản xuất, thu mua sản phẩm cho các hộ dân... Như vậy, mới có thể giúp các hộ làm chè ở Hán Đà sống được bằng nghề làm chè bền vững.
Minh Hằng