Nữ bí thư chi bộ dám làm, dám đổi mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/10/2023 | 8:33:50 AM

YênBái - Hơn 5 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Phú Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, chị Đỗ Thị Năm đã có những đóng góp không nhỏ cho các phong trào cũng như xây dựng nông thôn mới ở địa phương nhờ dám làm, dám đổi mới.

Xưởng chế biến cành quế của chị Năm tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng chế biến cành quế của chị Năm tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Thôn Phú Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) có hơn 260 hộ dân, trong đó có hơn 80% số hộ theo đạo Công giáo. 

Những năm qua, với cương vị là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn, chị Đỗ Thị Năm (sinh năm 1988) luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ở khu dân cư thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và các phong trào, cuộc vận động do mặt trận Tổ quốc các cấp phát động, đặc biệt là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bà con trong thôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, luôn sống "Tốt đời, đẹp đạo”.


Để tạo sự đồng lòng trong nhân dân, các công việc của thôn ngoài tuyên truyền, vận động qua cuộc họp, chị Năm còn đến từng hộ gia đình để trao đổi thêm cho bà con thấu hiểu.

Chị Năm cho biết, có những việc chỉ cần nói một lần là bà con làm theo luôn; nhưng cũng có những việc, những trường hợp phải kiên trì, tích cực vận động và bản thân phải gương mẫu, đi đầu thì bà con mới đồng lòng.

"Tất cả các nhiệm vụ của cơ sở cũng như từ trên giao xuống bản thân tôi và gia đình phải là người đi đầu, sau đấy mới tiến hành vận động từng cá nhân, vận động tập thể đồng thuận. Những hộ nào khó khăn thì đến tận nhà vận động, do vậy mọi việc đều được đồng thuận cao", chị Năm chia sẻ


Từ một con đường nhỏ, nay bà con thôn Phú Sơn đã có con đường thôn rộng và đẹp.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chị Đỗ Thị Năm đã phối hợp tổ chức được 75 cuộc họp thôn với trên 3.000 lượt người tham dự. Qua đó vận động nhân dân hiến 2.800 m2 đất, hơn 800 ngày công và gần một trăm triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn; xây dựng được 1,5 km rãnh thoát nước tại khu dân cư...

Đến nay, 100% đường liên thôn, liên xóm đã được bê tông hóa và có hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm; 94% số hộ dân trong thôn có nhà ở kiên cố; thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm và 65% số hộ trong thôn là khá, giàu. Bên cạnh đó, trong 5 năm, thôn Phú Sơn đã xây dựng được 5 nhà "Đại đoàn kết”, 6 hộ làm đơn thoát nghèo.

Xác định bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, chị Năm với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xử lý chất thải, nước thải; thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi tiêu hủy, chôn lấp đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó, hàng năm thôn Phú Sơn đều đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa và trên 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. 

Với trách nhiệm cao trong công việc, uy tín trong cộng đồng, chị Đỗ Thị Năm luôn được bà con nhân dân quý mến, tin yêu. Ông Nguyễn Xuân Lợi, một hộ dân trong thôn nhận xét: "Chị Năm là Bí thư chi bộ còn rất trẻ nhưng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới. Ví dụ xã có chủ trương vận động dịch rào, hiến đất mở đường, chị đã đến từng hộ gia đình để vận động cho các gia đình thấu hiểu, vì vậy bà con trong thôn đều tự nguyện hiến đất, dịch rào và tham gia ngày công làm đường, từ đó thôn đã có được con đường rộng đẹp như ngày hôm nay".

Không chỉ làm tốt công tác xã hội, chị Đỗ Thị Năm còn được biết đến là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Tận dụng thế mạnh của huyện, xã, gia đình chị đã mở xưởng thu mua, chế biến cành quế, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương và mang về thu nhập cho gia đình hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Đỗ Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Gia đình chị Đỗ Thị Năm là một gia đình để các gia đình khác noi theo để phát triển kinh tế gia đình. Đối với công việc, chị Năm luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng ủy xã giao, cũng như thực hiện tốt các phong trào huyện phát động đến chi bộ. Đây thực sự là một tấm gương để tất cả các đảng viên trong Đảng bộ xã noi theo".


Chị Đỗ Thị Năm (giữa) nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái. 

Từ sự năng động, tích cực của mình, các phong trào, các cuộc vận động ở thôn Phú Sơn, xã Yên Phú ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Bản thân chị Đỗ Thị Năm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng. Mới đây nhất, chị vinh dự được nhận Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Công tác mặt trận giai đoạn 2017 - 2022 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái trao tặng. Chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác tại địa phương.

(Theo VOV)

Tags Đỗ Thị Năm Văn Yên Yên Bái nông thôn mới hạnh phúc giảm nghèo

Các tin khác
Ông Hà Văn Tích giới thiệu lưu bút của các đoàn tới tham quan phòng trưng bày hiện vật chiến tranh của mình.

Hai không gian lưu giữ kỷ vật của hai con người trước kia mang tư tưởng khác nhau nhưng giờ có chung một mục đích gìn giữ và lan toả những giá trị lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đó là cựu chiến binh Hà Văn Tích và nhà báo Việt kiều Mỹ - Trường Nguyễn.

Ông Lý Chồng Di - Bí thư Chi bộ bản Trống Páo Sang (thứ 2 trái sang) tại buổi gặp mặt tuyên dương các bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu do Huyện ủy Mù Cang Chải tổ chức.

Trống Páo Sang là một trong những bản cách xa trung tâm và khó khăn nhất nhì của xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Những năm qua, dưới sự “cầm lái” của Bí thư Chi bộ Lý Chồng Di, các đảng viên và nhân dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng ngày càng ấm no.

Ông Trần Quyết Tiến (bên trái) nhận giấy khen của UBND huyện Trấn Yên tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018 - 2023.

Đã sang tuổi 73 nhưng ông Trần Quyết Tiến ở thôn Yên Thịnh, xã Yên Thành, (Trấn Yên) vẫn làm chủ mô hình kinh tế mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng, được huyện tặng giấy khen gương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi.

Thôn An Sơn ngày nay trù phú nhờ làm nông nghiệp.

Hôm nay, trên mảnh đất nhiều đổi thay trù phú và ấm no này, mọi người dân An Sơn đều cảm nhận, đây chính là một vùng quê lúa Thái Bình chân chất và những người con của quê lúa đã trót nặng lòng với mảnh đất Mường Lò. Từ những cụ già thế hệ thứ nhất đến các thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Thái Bình năm xưa đã và đang góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Mường Lò ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục