Ông chủ trẻ trên đất Hòa Cuông
- Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh Đào Văn Cường ở thôn 8 xã Hòa Xuông (Trấn Yên). Anh cho biết, năm 1994, tài sản để gia đình anh mưu sinh duy nhất chỉ là chiếc xe kéo cùng với một con trâu. Trong thôn xã có việc gì cần thuê, không kể nắng, mưa anh đều làm hết. Tiếp đó, anh làm thêm các nghề khác như: Đậu phụ, nuôi lợn thịt, lợn nái, đi thu mua gỗ rừng trồng theo các lái buôn bốc vác thuê về các tỉnh Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhờ vậy, thu nhập cũng dần được cải thiện, song chi phí cho cuộc sống sinh hoạt cũng chẳng thấm là bao.
Chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Trấn Yên.
|
Quê anh, đời sống của bà con nông dân chủ yếu vẫn nhờ vào nguồn thu nhập từ trồng rừng. Được anh em bạn bè động viên, ủng hộ, sau nhiều lần suy đi tính lại, đầu năm 2006, anh khế ước sổ đỏ vay qua Ngân hàng nông nghiệp huyện được gần 300 triệu đồng thuê máy về san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, mua máy xẻ về lắp đặt.
Cơ sở chế biến gỗ của anh có diện tích rộng 1.600m2, với hệ thống máy móc được đầu tư đồng bộ, 8 máy xẻ gỗ đứng trị giá trên 100 triệu đồng, 1 máy xẻ chuyên dùng cho các loại gỗ có đường kính lớn trị giá 30 triệu đồng, 1 máy cắt lam sản phẩm gỗ ván thanh và 1 máy xẻ gỗ kiểu nằm ngang giá gần chục triệu đồng và số tiền còn lại anh dùng xây nhà xưởng cũng hết gần trăm triệu. Bình quân 1 ngày, xưởng gỗ của gia đình anh Cường chế biến với công suất từ 15 đến 20m3 gỗ tròn các loại, chủ yếu là bồ đề, trẩu, quế, keo. Thu mua theo giá thị trường, thanh toán nhanh gọn tiền cho nhân dân nên cơ sở của anh luôn giữ được chữ tín. Một tháng, trung bình xưởng gỗ của anh Cường sản xuất trên 100m3 gỗ thành phẩm là gỗ ván thanh nhỏ dân dụng, xuất bán đến các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá bình quân 1 khối gỗ thanh chế biến thành phẩm từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng.
Như vậy, với công suất chế biến như hiện nay, xưởng của gia đình anh Cường 1 tháng có thu nhập trên dưới 150 triệu đồng.
Tại thời điểm này, cơ sở chế biến gỗ của anh đang giải quyết việc làm cho 30 lao động người địa phương với mức lương ổn định từ 800 đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản phẩm gỗ thanh, sản phẩm phụ cám cưa cũng được anh tận dụng triệt để, bình quân hàng tháng, anh xuất bán cho các nhà máy làm nguyên liệu ép ván cũng đạt trên 1.000 bao cám cưa, thu về trên 2 triệu đồng.
Được sự giúp đỡ của Trung tâm ứng dụng KHKT thuộc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Yên Bái về chuyển giao tập huấn kỹ thuật trồng mộc nhĩ và nấm. Vừa qua, gia đình anh đã làm nhà xưởng để trồng mộc nhĩ và hiện anh đang cấy mộc nhĩ trên diện tích 50m3 gỗ. Dự định trong những tháng tới, khi bước vào vụ trồng nấm, anh sẽ trồng từ 4 đến 5.000 bịch nấm bằng cám cưa. Anh Cường còn đầu tư 70 triệu đồng xây lò sấy sắn khô, vào vụ thu hoạch sắn hàng năm với 2 lò sấy hơi đốt bằng than công nghiệp, 1 máy băm sắn củ tươi, diện tích nhà xưởng sấy sắn rộng trên 70m2, công suất bình quân một ngày đạt 4 tấn sắn củ tươi, cao điểm có ngày chế biến được 2 - 2,5 tấn sắn lát khô, bình quân giá sắn khô ở mức 1,7 - 1,8 triệu đồng/tấn anh đã thu lãi 3,5 - 4 triệu đồng. Anh Đào Văn Cường không chỉ có đầu óc giỏi trong buôn bán mà còn là một nông dân say mê với phát triển kinh tế trang trại gia đình.
Đồng vốn có trong tay, anh cùng với người anh em họ ở thôn 4 xã Minh Quán đầu tư 200 triệu đồng mua cây giống, thuê nhân công lao động phủ kín 20 ha rừng, chủ lực là keo, bồ đề, mỡ, hơn 2 ha luồng Thanh Hóa và rừng hiện nay đang khép tán. Thông qua dự án nuôi bò bán công nghiệp của huyện, anh mua 20 bò cái sinh sản. Tại thời điểm này, anh đang có 36 con bò và mỗi năm xuất bán 5 đến 6 con, thu 15 đến 18 triệu đồng. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh nếu trừ mọi chi phí thì còn khoảng 80 - 100 triệu đồng. Anh Cường cũng đang chuẩn bị cho chương trình mở rộng quy mô sản xuất của gia đình.
Làm kinh tế giỏi nhưng trong cuộc sống đời thường anh rất quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình làm công cho anh Cường đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ để mua sắm các đồ dùng sinh hoạt phục vụ cho cuộc sống gia đình với hình thức cho vay không lãi và thanh toán dần bằng tiền lương.
Triệu Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Đó là cô giáo Lê Bích Lan, hiện đang giảng dạy tại Trường Trung học Y tế tỉnh Yên Bái. Sinh ra và lớn lên tại Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp THPT năm 1978, cô nộp hồ sơ xin thi vào Trường Trung học Y tế tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Trường Trung học Y tế tỉnh Yên Bái).
YBĐT - Ở tổ dân phố 8 - thị trấn Yên Thế (Lục Yên) có anh Phạm Văn Nguyên, 29 tuổi được coi như một tấm gương thanh niên trẻ có ý chí và nghị lực, biết vượt qua khó khăn, tự lập trong cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Anh Nguyên hiện đang là chủ của một cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ sắt.
YBĐT - Chị Đoàn Thị Hải Yến 30 tuổi cộng tác viên dân số thôn 8 từ năm 1995 đến tháng 10/2006. Hiện nay chị Yến là chủ tịch Hội phụ nữ xã Báo Đáp (Trấn Yên).
YBĐT - Đó là cô giáo Phạm Thị Ngọc Thoa, Tổ trưởng Tổ Sinh - Hóa - Địa, Trường THCS Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Hơn 25 năm công tác, cô đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, đặc biệt trong bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp.