Về Sài Lương 3 - thôn đặc biệt khó khăn của xã An Lương, huyện Văn Chấn, ai cũng biết đến Giàng A Phử - Bí thư chi bộ, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, giúp đỡ người dân thoát nghèo. 5 năm qua, Bí thư chi bộ Giàng A Phử đã vận động bà con trồng trên 70 vạn bầu quế con, tương đương trên 20 ha, đưa diện tích quế ở Sài Lương 3 đạt trên 80 ha.
Từ cây quế, nhiều hộ gia đình đồng bào Mông ở đây đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, phương tiện sản xuất, chăm lo cho con cháu học hành tiến bộ như các hộ các ông Giàng A Lử, Giàng A Kỷ, Giàng A Sáu, Giàng A Nủ… có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...
Bên cạnh đó, Bí thư Phử cùng các đảng viên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp 25 triệu đồng và huy động trên 300 ngày công lao động san gạt làm sân thể thao của thôn; vận động nhân dân tu sửa đường giao thông, lắp đặt 12 cống thoát nước ngang đường với trị giá huy động 50 triệu đồng và mở mới đường giao thông nông thôn sang cụm dân cư đầu suối với chiều dài 3 km, tổng kinh phí huy động 160 triệu đồng….
"Với vai trò bí thư chi bộ, tôi sẽ cùng các đảng viên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thôn phấn đấu mỗi năm giảm hộ nghèo từ 5 đến 10 hộ và tăng dần hộ khá, giàu; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng…; vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới để đời sống của bà con Sài Lương 3 ngày càng ấm no hạnh phúc” - Bí thư chi bộ Giàng A Phử bày tỏ.
Cùng là bí thư chi bộ người Mông, cùng chung trăn trở giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Bí thư Chi bộ, người có uy tín ở thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô - Hờ A Trừ là một trong những người mạnh dạn đưa cây quế về trồng trên mảnh đất Làng Mảnh xa xôi. Ban đầu, nhận thấy quế là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, từ diện tích sẵn có 2 ha của gia đình, năm 2012, anh Trừ đã mạnh dạn trồng thêm trên 5 ha. Cây quế mỗi năm cho gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng.
Từ mô hình trồng quế của Bí thư chi bộ, các hộ gia đình khác trong thôn đã mạnh dạn phá bỏ những loại cây ít có hiệu quả chuyển sang trồng quế. Gia đình nào chưa biết mua cây giống ở đâu, chưa biết kỹ thuật trồng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành cho cây quế thì Bí thư Trừ sẽ chỉ bảo, hướng dẫn nhiệt tình.
Tuy nhiên, quế là cây dài ngày, thời gian từ lúc bắt đầu trồng đến lúc có được sản phẩm thu từ cành, lá cũng phải mất 4-5 năm, được thu hoạch chính cũng phải 15-20 năm, trong khi người dân thôn Làng Mảnh không có thu nhập nào khác để có tiền mua gạo ăn hàng ngày. Xác định phải làm cho người dân no cái bụng mới bàn đến việc giảm nghèo, làm giàu, cùng với tuyên truyền bà con trồng quế, Hờ A Trừ đã vận động bà con khai phá các khu đất trống, chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang làm ruộng nước, vừa giữ được nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt vừa gieo cấy lúa nước, đảm bảo đủ lương thực, kỳ giáp hạt không phải xin viện trợ cứu đói của huyện.
Trong 5 năm qua, Bí thư chi bộ Hờ A Trừ cùng các đảng viên trong Chi bộ đã vận động nhân dân chuyển đổi 35 ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng quế; trồng, chăm sóc 20 ha chè Shan tuyết, trồng mới 5 ha măng sặt, chăm sóc 15 ha cây dược liệu sa nhân mang lại cho bà con thu nhập ổn định.
"Với cương vị Bí thư chi bộ, tôi phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để cùng với các đảng viên vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không để tiếp diễn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Làng Mảnh hiện chưa có đường ô tô đến thôn, người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, số hộ nghèo còn nhiều, tôi đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề để người dân có kiến thức khoa học, có điều kiện phát triển kinh tế, nhằm giảm số hộ nghèo trong thôn, con em có điều kiện được học ở các cấp học cao hơn, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương”, Bí thư chi bộ Hờ A Trừ mong muốn.
Rời Sùng Đô, chúng tôi đến thăm Nghệ nhân Vì Văn Sang - người có uy tín tại thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn. Là người am hiểu những bản sắc văn hóa của người Khơ Mú, ông Sang đã góp nhiều công sức truyền dạy, giúp cộng đồng bảo tồn những giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ông đã tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ 21 di sản văn hóa của dân tộc Khơ Mú, trong đó phải kể đến phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, tiếng nói, lễ hội, các trò chơi dân gian…, là tài sản vô giá cho con cháu mãi mãi muôn đời sau. Ông cũng sưu tầm gần 100 hiện vật sinh hoạt gia đình, các hiện vật lễ hội của dân tộc, được coi như một bảo tàng thu nhỏ tại địa phương.
Để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú, ông Sang vẫn tiếp tục sưu tầm lưu giữ các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khơ Mú như: lễ hội, dân ca, dân vũ, nhạc cụ… đưa bản sắc văn hóa trở thành giá trị phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh tổ chức truyền dạy các nét bản sắc của đồng bào dân tộc Khơ Mú cho thế hệ trẻ, nhất là các học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ông cũng mong muốn: "Đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ bảo tồn, gìn giữ và phát huy, truyền dạy các nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú; xây dựng nhà văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại địa phương để lưu giữ, trưng bày các đồ vật, hiện vật sinh hoạt, các đồ vật lễ hội truyền thống, đạo cụ âm nhạc và nhiều hiện vật khác; thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động liên quan đến lễ hội truyền thống của dân tộc Khơ Mú như: Lễ hội rước Mẹ Lúa, bảo tồn và giữ gìn các điệu múa dân gian như: múa Thuồng Luồng, Cá lượn… vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc vừa để phát triển du lịch ở địa bàn đặc biệt khó khăn này”.
Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có 211 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Họ luôn là những người gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào, vận động bà con thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân; vận động nhân dân, dòng họ, con cháu tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như nghệ nhân Vì Văn Sang, người có uy tín ở thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn; ông Sa Quang Hòa, người có uy tín ở xã Đồng Khê, tự nguyện truyền dạy bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc Tày; ông Hà Ngọc Ninh, người có uy tín ở xã Sơn Lương, Bí thư Chi bộ, là tấm gương điển hình trong phong trào "Tuổi cao, gương sáng” vận động nhân dân, gia đình, con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy ước, hương ước của địa phương; ông Giàng A Phử, Bí thư chi bộ, người có uy tín thôn Sài Lương 3, xã An Lương, là cá nhân tiêu biểu trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của huyện Văn Chấn….
"Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho người có uy tín trong vùng đồng dân tộc thiểu số hoạt động, phát huy vị trí, vai trò tại cơ sở. Những bí thư chi bộ cùng dân bám rừng, bám ruộng hay những nghệ nhân cặm cụi ghi chép tỉ mỉ những giá trị văn hóatruyền thống của dân tộc để truyền lại cho thế hệ mai sau là những hình ảnh đẹp còn đọng lại mãi. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tràn đầy hương sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn Phạm Thị Tuyết xúc động bày tỏ.
Mạnh Cường