Đừng vì nghèo khó mà từ bỏ... ước mơ!

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/6/2024 | 7:45:17 AM

YênBái - Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, đủ điểm đỗ vào một ngôi trường mơ ước là có thể hoàn toàn trút bỏ lo lắng để vui mừng, hân hoan chờ ngày nhập học. Nhưng với những cô cậu học trò nghèo, niềm vui ấy chẳng tồn tại được bao lâu đã phải nhường chỗ cho những lo âu về cơm áo, gạo tiền, học phí. Đi tiếp hay dừng lại lúc này không chỉ là câu chuyện điểm số…

Các tân sinh viên của 6 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Yên Bái nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2023.
Các tân sinh viên của 6 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Yên Bái nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2023.

Năm ngoái, em Nguyễn Thị Vân Anh ở thôn Làng Ngần, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đủ điểm đỗ vào ngành giáo dục mầm non của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Phấn khởi, hân hoan lắm nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu, Vân Anh lại phải tự mình đưa ra quyết định: đi học hay đi làm. Nguyên nhân bởi 2 chữ "nghèo khó”. Từ nhỏ, sau cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ, một mình mẹ đã nuôi cả 3 chị em Vân Anh. Mặc dù tần tảo sớm hôm nhưng cuộc sống chẳng mấy ổn định. 

Vân Anh chia sẻ: "Để chúng em có ăn, có mặc và được đi học, mẹ em phải làm các công việc nặng nhọc như: phơi ván, bốc vác thuê nhưng công việc này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu cả tháng ấy mưa thì cả tháng mẹ không có thu nhập. Gia đình em cũng chưa có nhà ở vững chắc và đang sống trong căn nhà ghép bằng tôn dựng nhờ trên mảnh đất của họ hàng. Khi biết tin đỗ đại học, mặc dù rất muốn đi học nhưng khi nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình, em lại chùn bước. Lúc ấy, chị cả của em đang là sinh viên đại học năm 3, em trai thì đang bước vào năm lớp 11 nên có rất nhiều chi phí và nỗi lo dồn lên vai mẹ. Em định sẽ không đi học mà sẽ đi làm để kiếm tiền đỡ đần mẹ”. 

Em Lù Thị Dua ở huyện Mù Cang Chải khi đỗ vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Thái Nguyên, phân hiệu tỉnh Lào Cai cũng từng chùn bước như thế. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, Dua biết phải cố gắng học tập tốt để sau này có thể tìm một công việc ổn định, tự nuôi bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. 

Dua chia sẻ: "Em rất thích ngành học về du lịch lữ hành vì du lịch ở quê hương em đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Em có thể trở về quê hương, vừa tạo được thu nhập cho chính mình vừa góp sức cùng địa phương phát triển du lịch. Em dự định khi đi học sẽ vừa học vừa làm để có thu nhập trang trải sinh hoạt. Nhưng chi phí ban đầu khi mới nhập học là một khoản khá lớn với em khiến em từng rất tủi thân và muốn bỏ cuộc”.

Trong cuộc sống, có rất nhiều học sinh nghèo cũng từng phân vân, muốn dừng lại khi gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự. Bởi để có thể đi học đại học, ngoài tiền học phí, các em cần phải có một khoản tiền đều đặn hàng tháng để trang trải sinh hoạt phí. Tiến đến ước mơ ấy, quả thực không phải ai cũng đủ can đảm. Can đảm để tự lập ở tuổi 18 ở một nơi xa lạ. Can đảm để vừa học tốt, vừa làm việc kiếm sống. Can đảm để tự tin sẽ không bỏ cuộc giữa chừng… 

Và rồi những quỹ học bổng với mục tiêu "không để bất cứ một bạn trẻ nào, ở bất cứ nơi đâu vì nghèo khó mà phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học” đã ra đời. Đó là sự kết nối tuyệt vời giữa các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước với các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu đi học. Cũng nhờ đó mà Vân Anh, Lù Thị Dua và nhiều bạn trẻ khác đã mạnh dạn bước vào hành trình chinh phục ước mơ. 

Cô sinh viên năm nhất Lù Thị Dua chia sẻ: "Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Tỉnh đoàn Yên Bái, em đã được Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam trao tặng suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng trong suốt 4 năm học đại học. Mặc dù hoàn cảnh của em khiến em luôn nghĩ mình là người không may mắn nhưng đến hiện tại, em biết mình không phải như vậy, bởi em đã được đi học và thực hiện ước mơ của mình. Học bổng đã giúp em chi trả học phí nhập học và hơn hết đã tiếp thêm cho em nguồn động lực để tiến về phía trước”. 

Cách đây 7 năm, em Giàng A Chính ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cũng nhận được học bổng tương tự, tiếp sức cho em đạt được ước mơ trở thành tân sinh viên ngôi trường danh giá - Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành Y đa khoa. Chính bộc bạch: "Gia đình em có 4 chị em. Em là út. Cả 3 chị đều chỉ học đến lớp 9 là ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rồi lấy chồng. Cuộc sống cứ thế thôi nên… nghèo lắm. Bởi vậy, em luôn coi học tập và tri thức là con đường nhanh nhất giúp cuộc sống gia đình em đổi thay”. 


Nhờ có học bổng, em Giàng A Chính ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu hiện đã trở thành bác sĩ tại Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội). 

Gia đình Chính vốn là hộ nghèo nên em được miễn học phí nhưng chi phí hàng tháng để sinh hoạt nơi thủ đô đắt đỏ cần đều đặn khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, những chi phí ban đầu khi bước vào nhập học cũng rất tốn kém. Song nhờ có học bổng, Chính đã trang trải được nỗi lo trước mắt. Em cũng vừa học, vừa đi làm gia sư dạy thêm để trang trải cuộc sống hàng ngày. 

Cứ vậy, Chính đã vượt qua khó khăn, hoàn thành 6 năm đại học và hiện nay đã trở thành bác sĩ đa khoa tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Chính dự định sẽ thực hành 1 năm tại đây để được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục vừa học, vừa làm, vừa nâng cao kiến thức, kinh nghiệm để có thể trở về quê hương cống hiến. 

Chính bảo: "Ở quê em, đã từng có rất nhiều người vì chủ quan, vì thiếu hiểu biết khi đau ốm mà bỏ lỡ cơ hội được sống. Vì thế, sau vài năm nữa khi hoàn tất chương trình học chuyên khoa, đủ chuyên môn trình độ, em sẽ trở về quê nhà để khám, chữa bệnh cho đồng bào mình”.

Hiện nay, những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có thể tìm đến sự trợ giúp của Quỹ "Tiếp sức đến trường” do Báo Tuổi trẻ quản lý bằng cách đăng ký hồ sơ trực tuyến trên website tuoitre.vn và làm theo hướng dẫn. Được biết, Quỹ Tiếp sức đến trường đã có 20 năm đồng hành với hơn 23.300 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục đến giảng đường đại học. Riêng năm 2023, từ nguồn quỹ này đã giúp 14 tân sinh viên của tỉnh Yên Bái tự tin bước trên con đường học tập đã chọn. 

Ngoài ra, Quỹ học bổng "Thắp sáng tương lai” do Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái hiện cũng đang hỗ trợ 12 tân sinh viên với mức học bổng 2 triệu đồng/tháng trong 4 - 5 năm học đại học. Bên cạnh những suất học bổng ấy, để học sinh có kết quả thi tốt nhất, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉnh Yên Bái đều chỉ đạo các huyện tổ chức rà soát, lập danh sách các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để quan tâm, động viên, hỗ trợ bằng nhiều hình thức với quan điểm tuyệt đối không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn do điều kiện kinh tế hay đi lại. 

Ngoài các suất quà bằng tiền mặt, các trường có học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT còn huy động các học sinh ở trọ ngoài vào ở bán trú và bố trí nấu cơm phục vụ, tạo thuận lợi cho học sinh khối 12 tập trung ôn luyện, chuẩn bị tốt nhất kiến thức làm bài thi.

 Lại một kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, hãy để tuổi 18 mở ra một bước ngoặt, một ước mơ, một đích đến tươi đẹp. Và các em hãy can đảm, tự tin bước tiếp, đừng bao giờ để nghèo khó đánh bại ước mơ!

Hoài Anh

Tags tốt nghiệp THPT ước mơ đại học Yên Bái

Các tin khác
Chị Đặng Thị Phương Lan (bên trái) nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện năm 2023.

19 lần hiến máu tình nguyện (HMTN), 14 lần hiến máu cấp cứu bệnh nhân nặng tại bệnh viện là cách chị Đặng Thị Phương Lan, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ trao tặng tình yêu thương cho cuộc đời… Chị đã vinh dự được lựa chọn là đại biểu xuất sắc của tỉnh Yên Bái tham dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2024.

Ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn là một trong những người "truyền lửa" cho văn hoá của dân tộc Tày, đặc biệt là hát Khắp Cọoi. Không chỉ đóng góp trong việc truyền dạỵ, lưu giữ văn hóa dân tộc, ông còn xây dựng, củng cố và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.

Anh Hờ A Trừ (thứ 2, bên phải sang) thường xuyên tới hộ dân tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

32 tuổi, hơn 10 năm tuổi Đảng, 7 năm làm bí thư chi bộ, ý thức rõ rệt vai trò của một đảng viên, một bí thư chi bộ, cộng hưởng với nhiệt huyết rõ ràng của một người trẻ - Hờ A Trừ - Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn đã và đang khắc họa rõ nét hình ảnh đẹp con người của Đảng nơi non cao!

Nghệ nhân Vàng A Mang

Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là "người trong cuộc", nghệ nhân Vàng A Mang không giấu được sự xúc động: "Vui lắm, vui đến mức không thể biết nói gì nữa, vì bác cũng là người trực tiếp cùng huyện Văn Chấn tổ chức, là trọng tài của nhiều sự kiện, cuộc thi thổi và múa khèn Mông trong những năm qua”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục