Lại Thế Anh - thầy giáo "STEM"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/7/2024 | 7:33:03 AM

YênBái - Đó là thầy giáo Lại Thế Anh - giáo viên Toán, Khoa học tự nhiên (KHTN) của Trường THCS thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Điều đáng ghi nhận ở thầy chính là việc thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học, truyền cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trong những ứng dụng thực tiễn rút ra ngay từ bài học.

Một giờ dạy của thầy Lại Thế Anh.
Một giờ dạy của thầy Lại Thế Anh.

Là một trong những giáo viên trẻ nhiệt huyết, thầy Lại Thế Anh luôn tìm kiếm những cách thức mới để truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Sau khi tham gia nhiều khóa tập huấn về phương pháp giáo dục STEM và tự nghiên cứu trên các diễn đàn dành cho giáo viên, thầy đã quyết định áp dụng vào môn Toán và KHTN (môn Vật lý) tại Trường THCS thị trấn Mậu A.

"Tôi nhận thấy phương pháp STEM rất phù hợp với nhu cầu của học sinh ngày nay. Thay vì chỉ học lý thuyết, các em sẽ được tham gia vào các hoạt động thực hành, sáng tạo, giúp các em phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và năng lực” - thầy Lại Thế Anh chia sẻ. Không đóng vai trò truyền đạt kiến thức một chiều, thầy Anh đóng vai trò cố vấn, đồng hành với học sinh trong nghiên cứu bài học.

Em Trần Ngọc Trung Kiên - Lớp 8A đạt giải Nhì cuộc thi KHKT và STEM cấp huyện, giải Nhất học sinh giỏi môn KHTN cấp huyện chia sẻ: "Giờ học của thầy Thế Anh cuốn hút lắm! Thầy là người truyền cảm hứng cho cháu rất nhiều trong học tập và nghiên cứu KHKT”.

Không chỉ giới thiệu các kiến thức cơ bản về Toán, Vật lý, thầy còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, thử thách để học sinh vận dụng những kiến thức đó vào thực tế.

Thầy Lại Thế Anh chia sẻ: "Các em được chia thành các nhóm nhỏ, cùng nhau lên kế hoạch, thiết kế các sản phẩm như khi học hình khối trong không gian, tôi có yêu cầu bài tập vận dụng tự làm các đồ dùng học tập trực quan, hay các vật dụng trang trí góc học tập như hộp bút, chuông gió. Trong môn Vật lý 7, khi dạy chủ đề âm học, tôi cũng hướng dẫn và yêu cầu bài tập là các em chia nhóm thiết kế nhà chống ồn từ thiết kế ngôi nhà, lựa chọn vật liệu giảm tiếng ồn. Hay trong Vật lý 8, trong chủ đề lực đẩy Ác-si-mét và điều kiện sự nổi của vật, tôi lại hướng dẫn và yêu cầu bài tập là thiết kế nhà chống lũ… Sau khi có sản phẩm, thầy trò cùng thử nghiệm và đánh giá. Sự đánh giá này được lấy làm kết quả đánh giá thường xuyên của môn học. Các em hào hứng lắm!”.

Bên cạnh giảng dạy, thầy còn tích cực tham gia các cuộc thi, sáng kiến về lĩnh vực STEM. Trong quá trình công tác, thầy có rất nhiều những sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy được hội đồng thẩm định sáng kiến các cấp công nhận và được áp dụng rộng rãi như: "Kinh nghiệm dạy học bài thực hành môn Toán cấp THCS”; "Sử dụng mô hình trực quan dạy bài hai đường thẳng song song môn Toán 7”; "Sử dụng bảng tương tác trong dạy học môn Toán - Vật lý ở trường THCS”; "Dạy học bài ôn tập chương môn Toán bằng hình thức trò chơi”; "Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động dạy học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018”; "Hướng dẫn học sinh giải bài tập phần điện học môn Vật lý lớp 9 ôn thi học sinh giỏi”…

Đặc biệt, thầy đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia, cấp tỉnh như: giải Ba cấp quốc gia Cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm 2014-2015”; giải Khuyến khích cấp tỉnh Cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm 2015-2016”; nhiều năm liền, thầy đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; hai lần đạt Giải thưởng "Viên phấn vàng "do Hội Khuyến học huyện Văn Yên trao thưởng; năm 2022 thầy được nhận danh hiệu "Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái”…

Nhiều học sinh của thầy đạt giải học sinh giỏi các cấp, đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh, cấp huyện… Thành tích ấy không chỉ mang lại niềm tự hào cho nhà trường mà còn khích lệ tinh thần học tập của các em. "Thành công của học sinh là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục nỗ lực. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các em khám phá, sáng tạo và tin tưởng vào bản thân” - thầy Anh chia sẻ.

Những thành công của thầy Lại Thế Anh trong việc thúc đẩy giáo dục STEM tại Trường THCS thị trấn Mậu A không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho học sinh mà còn góp phần tạo nên một môi trường học tập năng động, sáng tạo.

Thanh Ba

Tags giáo dục STEM trường học Viên phấn vàng Văn Yên

Các tin khác
Bà Lương Thị Hạnh chia sẻ với lãnh đạo Hội Nông dân huyện và thị trấn Yên Bình về kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi.

Bà Lương Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ nhiệt tình, gương mẫu trong công tác Hội mà còn là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế địa phương, cùng hội viên xây dựng Chi hội vững mạnh.

Địa điểm ông Kiềng Văn Dương đã dũng cảm bơi thuyền, vượt nước lũ, cứu 2 em nhỏ bị đuối nước thoát khỏi tử thần.

Người đàn ông đó là ông Kiềng Văn Dương, ở thôn An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã dũng cảm bơi thuyền, vượt nước lũ, cứu thoát 2 em nhỏ bị đuối nước.

Với bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Hoàng Tiến Lâm ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng lai Thái Lan, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Nuôi chim bồ câu không đòi hỏi đầu tư nhiều mà lại nhanh thu hồi vốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của thị trường, dám nghĩ, dám làm, cần mẫn trong lao động đã mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Anh Hờ A Sùng ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha là một điển hình như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục