Khuôn mặt tươi tắn, nụ cười thân thiện là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Nguyễn Thị Vân. Dẫn chúng tôi đi thăm chuồng trại chăn nuôi của gia đình, chị Vân chia sẻ về hành trình từ đói nghèo đi lên của mình.
Chị Vân sinh năm 1973. Tròn 22 tuổi, chị lập gia đình. Vợ chồng trẻ, vốn liếng không có nên gia đình chị chỉ quanh quẩn làm ít ruộng vườn. Cuộc sống khó khăn lúc nào cũng thiếu trước hụt sau khiến chị luôn trăn trở. Ước mơ đủ tiền nuôi con cái, có căn nhà khang trang không lo nắng mưa cũng xa vời với gia đình chị Vân.
Chị tâm sự: "Cả 2 vợ chồng tôi đều xuất thân thuần nông nên tôi luôn nghĩ đến làm kinh tế, làm giàu từ nông nghiệp. Nghĩ là vậy, nhưng không có vốn nên dự định của tôi cứ mãi dang dở. Cơ hội đến khi năm 2000 tôi được vay 2 triệu đồng tiền vốn để phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm đó, mua bán, trao đổi còn hạn chế chứ không như bây giờ. Cầm 2 triệu trên tay, tôi đi khắp xã tìm mua 1 con bò mà nhà nào cũng lắc đầu chỉ muốn bán cả đàn chứ không bán 1 con. Vì vậy, tôi đã bàn với chồng quyết tâm vay thêm 7 triệu đồng để đủ tiền mua một bàn bò 12 con”.
Là người chăm chỉ lại thêm phần nhạy bén nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn bò của gia đình chị lớn nhanh, khỏe mạnh. Khoảng 2 năm sau, nhận thấy nhu cầu về thuê bàn ghế, bát đĩa cho các công việc lớn, mà trên địa bàn xã chưa có nhà nào làm, chị Vân đã bán 4 con bò lấy vốn đầu tư làm dịch vụ cho thuê bàn ghế, bát đĩa.
Nắm bắt được thời cơ, nên gia đình chị làm ăn rất thuận lợi và dần dần thoát nghèo vươn lên khá giả. Năm 2003, từ số tiền tích lũy do chăn nuôi bò và cho thuê bàn ghế, bát đĩa, gia đình chị Vân đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang. Sau khi xây nhà, tiếp tục nhận thấy thị trường cho thuê bàn ghế, bát đĩa đã bão hòa, tình hình chăn nuôi lợn lại được giá, nhu cầu thị trường cao, chị Vân đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi lợn.
Thời điểm nuôi nhiều nhất, trong chuồng của gia đình chị Vân có tới 40 con lợn thịt, 6 con lợn nái. Chăn nuôi quy mô lớn hơn, chị Vân chú trọng học hỏi áp dụng thêm tiến bộ kỹ thuật mới, xây dựng hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường, xỷ lý triệt để mùi hôi, tránh ảnh hưởng hàng xóm. Năm 2019, cơ duyên mới lại tới với người phụ nữ luôn luôn nỗ lực khi chị được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi tằm tơ do xã phối hợp tổ chức. Năm 2021, Hợp tác xã Dâu tằm xã Đồng Khê được thành lập, chị Vân giữ vai trò Phó Chủ nhiệm.
Chị Vân chia sẻ: "Nuôi tằm là một mô hình mới, nên dù đã được tập huấn kiến thức nhưng khi bắt tay vào làm tôi vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ có nghị lực là có tất cả, không có việc gì là khó. Cái gì không biết thì học, tìm hiểu ở những mô hình chăn nuôi thành công, chịu khó nghe đài, đọc sách báo, tham gia các lớp tập huấn. Tích lũy dần sẽ thành có kinh nghiệm tiến tới thành công. Hiện nay, 5.000 m2 trồng dâu nuôi tằm đem lại cho gia đình tôi khoảng 50 triệu đồng mỗi năm”.
Với đức tình cần cù, chịu khó, sau nhiều nỗ lực, bền chí phát triển kinh tế tổng hợp, mỗi năm từ nguồn thu chăn nuôi tằm, lợn và duy trì 4 con bò nái sinh sản, sau khi trừ các chi phí đầu tư sản xuất, gia đình chị Vân thu về 200 triệu đồng. Đi đôi với làm kinh tế giỏi, chị Vân còn là người rất tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Ngoài ra, chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển kinh tế của bản thân mình với nhân dân trên địa bàn có nhu cầu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Với sự nỗ lực, bền chí trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia tích cực phong trào thi đua do thôn, xã phát động, chị Vân nhận được sự tín nhiệm của nhân dân trên địa bàn và là một trong những tấm gương sáng về sự vượt khó trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Lê Thương