Những tiếng cách cách đóng đinh gỗ, tiếng trống khua thẩm âm xác định độ vang, vọng của trống từ lâu đã quen thuộc với người dân thôn Đại Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Người dân nơi đây quen với tiếng làm trống, thử trống và cũng quen thuộc với hình ảnh anh Phạm Chí Mạnh và những người thợ hàng ngày cặm cụi tiếp nối nghề làm trống truyền thống làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Giới thiệu các loại trống to, nhỏ đủ loại kích cỡ, anh Phạm Chí Mạnh - chủ Cơ sở sản xuất trống Phạm Mạnh ở thôn Đại Thân bộc bạch: "Nghề này, tôi được cha ông mang từ quê hương làng Đọi Tam truyền lại. Đến nay, cơ sở sản xuất trống phát triển đang rất ổn định”.
Sinh năm 1992, tại xã Đại Minh, Phạm Chí Mạnh lớn lên cùng bao hoài bão, ấp ủ theo đuổi giữ gìn nghề gia truyền của cha ông cùng mong muốn đưa thương hiệu trống Đọi Tam đến với mọi người. Tốt nghiệp THPT, năm 2012, anh Mạnh mở xưởng sản xuất trống tại thôn Đại Thân.
Trải qua bao thăng trầm nhưng anh Mạnh vẫn trung thành giữ gìn những kỹ thuật làm trống độc đáo của cha ông để lại. Hiện, cơ sở sản xuất trống của gia đình anh luôn có từ 4 - 5 người thợ lành nghề là anh em họ hàng, người trong gia đình cần mẫn lao động theo các đơn đặt hàng. Trung bình mỗi năm, cơ sở cho xuất xưởng khoảng từ 400 - 500 chiếc trống đủ kích thước, chủng loại.
Trò chuyện cùng anh Mạnh được biết, quy trình sản xuất trống trải qua các công đoạn như: làm da, làm tang và bưng trống. Việc chọn nguyên liệu làm trống rất công phu, tỉ mỉ, từ gỗ mít và da trâu. Gỗ mít được xẻ để làm tang trống (thân) còn da trâu để bưng mặt trống. Anh Mạnh đúc kết kinh nghiệm làm trống từ ông nội và bố qua câu ca: "Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”.
Để có một chiếc trống tốt, tang trống phải là gỗ mít già, được xẻ cong, chia làm nhiều dăm, rồi gắn kết lại với nhau thật khít, không bị co ngót và quan trọng nhất là để giữ được "tiếng”.
Da trâu bưng mặt trống được chọn từ da của những con trâu già, có độ bền, dẻo dai, khi mua về được nạo sạch mặt, đem thuộc sau đó căng ra, đem phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống… Sản phẩm trống của anh Mạnh có nhiều loại từ hàng tiểu, hàng trung và hàng trống đại. Giá thành cho mỗi loại cũng khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng.
Tùy theo yêu cầu của khách, anh Mạnh sản xuất trống với các kích cỡ, người mua có thể đặt hàng với loại trống đặc biệt trên dưới một trăm triệu đồng cho một chiếc trống đại theo yêu cầu. Gần đây, anh Mạnh đã cho ra lò chiếc trống có đường kính mặt trống 2,05 m và bàn giao cho nhà thờ Giáo xứ Yên Hợp, huyện Văn Yên hay như bộ dàn trống biểu diễn nghệ thuật của Trường Cao đẳng Yên Bái…
Anh Mạnh hướng dẫn thợ các công đoạn căng da mặt trống.
Để thuận lợi trong công việc, hàng năm, anh Mạnh dành nhiều thời gian đi tìm mua, sơ chế nguyên liệu để sẵn sàng cho đáp ứng nhu cầu của khách bất cứ khi nào. Anh Mạnh chia sẻ: "Ngày nay, nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một dần nhưng với nghề làm trống vẫn còn nhiều đất sống, do nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống ngày càng phát triển và người làm trống vẫn có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải có tình yêu và sự đam mê; người làm phải thật sự chăm chỉ, khéo léo tiếp thu bí quyết nghề và chịu khó học hỏi, sáng tạo để làm ra những chiếc trống độc đáo. Sản phẩm làm ra phải được xem như đứa con tinh thần của mình”.
Cơ sở sản xuất trống Phạm Mạnh cũng được giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội và tại một số cửa hàng trong tỉnh. Do vậy, nhiều người từ trong Nam ngoài Bắc vẫn liên hệ để đặt hàng; các đình chùa, đoàn nghệ thuật, trường học trong và ngoài tỉnh cũng tìm đến. Cơ sở đã xuất đi hàng nghìn chiếc trống trong những năm qua.
Ngoài danh tiếng "Trống Phạm Mạnh” được biết đến, mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Mạnh luôn có khoản thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của anh còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Với những kết quả từ việc làm trống của anh Mạnh trong nhiều năm qua, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động và định hướng xây dựng một nghệ nhân, mở lớp đào tạo cho thế hệ sau về nghề làm trống tại địa phương. Đồng thời, phát triển thương hiệu tạo sản phẩm OCOP tại xã Đại Minh”.
Làng nghề trống Đọi Tam, Hà Nam là làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Mong rằng, anh Phạm Chí Mạnh cùng đội ngũ thợ lành nghề sẽ tiếp nối giữ gìn, phát huy nghề làm trống truyền thống trên quê hương Đại Minh.
Vũ Đồng