Hoàng Kế Quang - Người giữ hồn then ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2025 | 11:08:24 AM

YênBái - Suốt hành trình 50 năm không ngơi nghỉ, nghệ nhân Hoàng Kế Quang – người con ưu tú của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên – đã trở thành biểu tượng sống động của tình yêu văn hóa dân tộc Tày. Ông là “cánh chim không mỏi”, miệt mài gìn giữ và lan tỏa tinh hoa hát then, đàn tính – những giá trị đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang bên cây đàn tính.
Nghệ nhân Hoàng Kế Quang bên cây đàn tính.

Sinh năm 1940 tại thôn Ngọn Đồng, ông Hoàng Kế Quang lớn lên trong không gian văn hóa Tày ngập tràn âm điệu. Ngay từ nhỏ, ông đã say mê tiếng đàn tính ngân vang, những điệu then chan chứa ân tình. "Khi còn bé, tôi thường theo mẹ đi xem hát then, nghe riết rồi thuộc, rồi hát theo lúc nào chẳng hay. Từ đó, tôi hiểu được rằng, hát then, gảy đàn tính không chỉ là biểu diễn, mà là cách người Tày kể chuyện, bày tỏ tâm tình, gắn bó với tổ tiên, với đất trời” - ông Quang chia sẻ trong niềm xúc động.

Năm 1959, ông bắt đầu biểu diễn hát then trong Đại hội Hợp tác xã Nông nghiệp tại địa phương, đó là mốc son đầu tiên đánh dấu hành trình gắn bó trọn đời với nghệ thuật dân gian. Hai năm sau, ông đại diện tỉnh Yên Bái tham gia Liên hoan hát múa then tại Phú Thọ, ghi dấu ấn với phần trình diễn xuất sắc được trao giấy khen cá nhân, góp phần đưa đoàn đạt giải Nhì toàn đoàn.

Không chỉ dừng lại ở biểu diễn, ông Quang còn là một kho tàng sống về văn hóa Tày. Ông thành thạo 5 làn điệu đàn tính, thuộc 6 thể loại hát then cổ và hơn 50 bài hát truyền thống. Ông am hiểu sâu sắc các truyền thuyết dân gian như sự tích cây Thanh Thảo, quả bầu đàn tính, chuyện trạng Then… Tất cả trở thành nguồn tư liệu quý để ông truyền dạy cho thế hệ sau.

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, ông Hoàng Kế Quang đã truyền dạy cho hàng chục học trò, nhiều người nay là nòng cốt trong phong trào văn hóa dân tộc tại địa phương. Chị Hà Thị Điểu – một trong những học trò lâu năm xúc động nói: "Thầy Quang không chỉ dạy hát then, mà dạy chúng tôi cách yêu, cách giữ gìn bản sắc dân tộc. Thầy luôn dạy tôi, phải giữ lại những làn điệu truyền thống để nuôi dưỡng tâm hồn mình và truyền dạy cho các thế hệ sau này”.

Hay như anh Hà Văn Tuấn cũng là một học trò của ông Quang nhớ lại: "Thầy cũng từng nói với chúng tôi, chỉ cần còn một người nghe thì vẫn phải hát, phải đàn, để tiếng then không bao giờ tắt. Từ thầy, tôi hiểu giá trị của việc nối tiếp truyền thống trong từng lời ca, điệu đàn”.

Từ năm 2013 đến 2022, dù tuổi cao, ông Quang vẫn tích cực làm cố vấn văn hóa cho các thôn: Núi Vì, Khe Lếch, Khe Cam, Pá Thọoc. Ông cùng cộng đồng xây dựng mô hình làng văn hóa tự quản, gìn giữ tập quán tốt đẹp và lan tỏa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông Hoàng Kế Quang từng nhiều lần giành giải cao tại các hội diễn cấp tỉnh và toàn quốc như: Huy chương Vàng hát dân ca Tày năm 1992, Huy chương Vàng kể chuyện đàn tính năm 1999, giải Ba Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc 2009 tại Bắc Kạn, Huy chương Vàng hát then huyện Trấn Yên năm 2013…

Ngoài biểu diễn, ông còn nghiên cứu và tư liệu hóa di sản Tày. Năm 2011, ông hỗ trợ luận án cao học về văn hóa Khảm Hải tại Đại học Quốc gia Hà Nội – một minh chứng rõ nét về bề dày tri thức và khả năng truyền cảm hứng học thuật của người nghệ nhân dân gian.

Dù từ cuối năm 2022, ông Quang gặp bạo bệnh, không thể tiếp tục trực tiếp truyền dạy, nhưng tinh thần và những giá trị văn hóa ông để lại vẫn sống động trong đời sống cộng đồng. "Hôm nay, tôi không còn hát được như xưa, nhưng niềm tin của tôi vẫn trọn vẹn. Văn hóa dân tộc mình sẽ không mai một, chỉ cần thế hệ trẻ biết yêu, biết quý và biết giữ” -  ông Quang xúc động chia sẻ.

Hành trình gắn bó, bảo tồn văn hóa dân tộc Tày của ông Hoàng Kế Quang càng thôi thúc thế hệ trẻ cần tiếp tục gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, để văn hóa dân gian mãi được "sống” trong những sinh hoạt thường nhật, đồng thời góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Mới đây, ông Hoàng Kế Quang được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho nghệ nhân dân gian tiêu biểu tỉnh Yên Bái, giai đoạn 1975–2025 – một ghi nhận xứng đáng cho cả một đời giữ gìn hồn cốt quê hương.

Hoài Văn

Tags Hoàng Kế Quang nghệ nhân dân tộc Tày Trấn Yên hát then

Các tin khác
Chị Bùi Thị Minh Thu - chủ khu dịch vụ Family Garden ở tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc (bên phải) giới thiệu sân thể thao Pickleball.

Những năm gần đây, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ. Sự phát triển ấn tượng ấy đến từ việc chính quyền địa phương tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ nhân dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo của thị trấn ngày càng khởi sắc, các mô hình kinh doanh dịch vụ phát triển đa dạng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Hà Thị Ngái.

70 năm tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 1, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, bà Hà Thị Ngái luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, say sưa cống hiến, bám sát cơ sở, tiên phong trong các hoạt động, phát huy vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đồng thời luôn gương mẫu, trách nhiệm với công việc của tổ dân phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cán bộ và nhân dân địa phương yêu mến, tin tưởng.

Nghệ nhân Ưu tú Vì Văn Sang (người thứ 2, trái sang) hướng dẫn các em nhỏ về văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú.

Giữa núi rừng Yên Bái, nghệ nhân Vì Văn Sang đã dành trọn cuộc đời mình để âm thầm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ ngôi nhà sàn nhỏ bé tại thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, ông đã kiến tạo một "bảo tàng sống", nơi lưu giữ những câu hát, điệu múa và nghi lễ truyền thống của đồng bào.

Bí thư Chi bộ Hà Thị Ngái (thứ 3, phải sang) và các đảng viên Chi bộ nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ở mỗi thôn xóm, khu dân cư, bí thư chi bộ không chỉ là người lãnh đạo mà còn là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Họ chính là những người gần dân, hiểu dân, tận tụy cống hiến vì sự phát triển chung của cộng đồng. Bà Hà Thị Ngái - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 1, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu là một tấm gương như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục