Lê Quang Tuấn và hành trình chạm đến thành công

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2025 | 1:52:34 PM

YênBái - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với ý chí sắt đá, nghị lực vững vàng trước mọi thử thách, anh Lê Quang Tuấn ở tổ dân phố số 8, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã vươn lên trở thành ông chủ của một doanh nghiệp tư nhân sản xuất gỗ, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Anh Lê Quang Tuấn giới thiệu về máy móc, quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
Anh Lê Quang Tuấn giới thiệu về máy móc, quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Khi đến Doanh nghiệp Tư nhân Tuấn Tú chuyên sản xuất gỗ dân dụng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không khí làm việc nghiêm túc trong từng công đoạn sản xuất. Trong xưởng, tiếng cưa, tiếng bào vang lên đều đặn, các công nhân miệt mài bên những sản phẩm mộc đang dần hoàn thiện. 

Giữa không gian lao động hối hả, anh Lê Quang Tuấn - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Tuấn Tú tất bật chỉ đạo, đồng hành cùng anh em công nhân. Ở anh, toát lên sự giản dị, gần gũi, thân thiện và tận tâm. Thấy chúng tôi, anh niềm nở chào đón. Anh kể, sau khi đến huyện Trấn Yên cùng gia đình để lập nghiệp, anh bén duyên với chị Nguyễn Thị Lự và xây dựng tổ ấm tại thị trấn Cổ Phúc. 

Nhớ lại những ngày đầu lập gia đình, anh Tuấn chia sẻ: "Ban đầu, vợ chồng tôi làm thuê đủ nghề để kiếm sống, trang trải nuôi con. Trong đó, công việc tại xưởng gỗ là nghề chúng tôi gắn bó lâu nhất. Khi tích lũy được kinh nghiệm và một số vốn nho nhỏ, vợ chồng tôi quyết định tự mở xưởng lập nghiệp”. 

Thuở ban đầu, xưởng chỉ có hai vợ chồng anh gồng gánh mọi việc, chật vật đối mặt với vô vàn khó khăn, từ vốn liếng eo hẹp, tìm kiếm khách hàng đến hoàn thiện kỹ thuật sản xuất. Mọi công đoạn sản xuất hoàn toàn thủ công, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương với giá thành thấp. 

Có lúc, anh tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì hàng làm ra không có khách mua nhưng nhìn đàn con thơ, anh lại động viên vợ quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Anh Tuấn đã tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người thợ giỏi, không ngừng nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm. 

Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, tinh thần cầu tiến, sản phẩm của anh dần được khách hàng đón nhận. Năm 2001, anh mạnh dạn mở rộng quy mô xưởng, thuê thêm 4 công nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Anh Tuấn chia sẻ: "Khi còn làm thuê, do bất cẩn và không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nên tôi đã bị mất một đốt ngón tay. Đó là bài học đắt giá, khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của an toàn lao động. Vì vậy, khi mở xưởng riêng, tôi luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo công nhân được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ trong quá trình làm việc. Tôi thường xuyên quán triệt, nhắc nhở lại các quy định an toàn, giám sát và trực tiếp làm gương để anh em ý thức hơn trong lao động”. 

Sau gần 30 năm gắn bó với nghề, xưởng gỗ của gia đình anh đã trở thành một doanh nghiệp tư nhân với đầy đủ máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ kết hợp tinh tế giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, các sản phẩm của anh Tuấn luôn có sức hút lớn với khách hàng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, doanh nghiệp của anh giải quyết việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương, doanh thu trung bình 100 triệu đồng/tháng. 

Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Tuấn cho biết: "Muốn tồn tại, phát triển trong nghề này, trước tiên, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường, có mẫu mã đẹp, đa dạng. Quan trọng nhất là chất lượng phải đảm bảo, có tính cạnh tranh cao”. 

Ý chí kiên cường, tinh thần ham học hỏi, anh Lê Quang Tuấn đã từng bước xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhận xét về anh Tuấn, đồng chí Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Anh Tuấn là tấm gương làm kinh tế giỏi, nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động, thường xuyên giúp đỡ những gia đình khó khăn, góp phần chung tay phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. 

Lê Thương

Tags Lê Quang Tuấn

Các tin khác
Bà Hoàng Thị Hồng (giữa) trao đổi với lãnh đạo xã Phan Thanh về phương án khắc phục tuyến đường thôn bị ảnh hưởng bão số 3 hồi tháng 9/2024.

Hơn 10 năm giữ vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, 2 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, bà Hoàng Thị Hồng luôn tận tâm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được người dân tin tưởng, quý mến.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang bên cây đàn tính.

Suốt hành trình 50 năm không ngơi nghỉ, nghệ nhân Hoàng Kế Quang – người con ưu tú của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên – đã trở thành biểu tượng sống động của tình yêu văn hóa dân tộc Tày. Ông là “cánh chim không mỏi”, miệt mài gìn giữ và lan tỏa tinh hoa hát then, đàn tính – những giá trị đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian.

Chị Bùi Thị Minh Thu - chủ khu dịch vụ Family Garden ở tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc (bên phải) giới thiệu sân thể thao Pickleball.

Những năm gần đây, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ. Sự phát triển ấn tượng ấy đến từ việc chính quyền địa phương tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ nhân dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo của thị trấn ngày càng khởi sắc, các mô hình kinh doanh dịch vụ phát triển đa dạng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Hà Thị Ngái.

70 năm tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 1, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, bà Hà Thị Ngái luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, say sưa cống hiến, bám sát cơ sở, tiên phong trong các hoạt động, phát huy vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đồng thời luôn gương mẫu, trách nhiệm với công việc của tổ dân phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cán bộ và nhân dân địa phương yêu mến, tin tưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục