“Noọc san hò” không tuổi

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Noọc San Hò là tên mà người Nùng đặt cho một loài chim rừng. Loài chim quý này được họ ví như vị chúa tể của những loài chim rừng biết hót. Noọc San Hò hót suốt từ lúc đón mặt trời, cho đến khi tiễn mặt trời đi ngủ; hót cả bốn mùa; hót rộn rã, hót réo rắt, véo von, trầm bổng, lắng sâu.

Ông Hoàng Nừng đang biểu diễn lại tiết mục hát then mới đoạt Huy chương vàng Liên hoan hát then các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc tại Lạng Sơn năm 2007.
Ông Hoàng Nừng đang biểu diễn lại tiết mục hát then mới đoạt Huy chương vàng Liên hoan hát then các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc tại Lạng Sơn năm 2007.

Nghe tiếng hót Noọc San Hò, người ta luôn thấy cảnh núi rừng thâm u trở nên vui nhộn, thanh bình. Và trong cộng đồng người Nùng ở huyện Lục Yên, có một ông lão đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” mà tiếng hát, tiếng đàn của ông không chỉ có người Nùng, Tày, Dao mà cả người Kinh ở đây đều ví ông là “Noọc San Hò không tuổi”. Ông lão ấy có tên Hoàng Nừng, nhà ở thị trấn Yên Thế.

Hoàng Nừng còn nhớ vào cuối năm 1950, bỗng thấy trong bản có cán bộ về tuyển văn công. Mới 16 tuổi, nhưng giọng hát của chàng trai Nùng ở xã Phan Thanh đã nức tiếng trong các đám hát Pụt, hát then, hát ví... khắp vùng này. Được mọi người động viên, anh đi thử giọng và trúng liền. Thế là giữa năm ấy, Hoàng Nừng được khoác trên mình màu áo lính trong Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc. Tuy vậy, những năm tháng đầu tiên vào nghề, lãnh đạo đoàn lại phát hiện thấy ở Hoàng Nừng có khả năng đặc biệt về âm nhạc, nên đã đào tạo anh thành cây violon chủ lực của đoàn.

Không chỉ dừng ở việc sử dụng đàn violon, đi bất cứ vùng nào ở Tây Bắc, hễ thấy có loại nhạc cụ dân tộc nào mới lạ là anh học cách sử dụng cho bằng được. Do đó, Hoàng Nừng không chỉ giỏi chơi violon mà còn thạo các loại nhạc cụ như: sáo, nhị, đàn bầu, các loại pí của đồng bào Thái, Mường; hát được nhiều làn điệu dân ca các dân tộc Tây Bắc.

Tài năng của Hoàng Nừng đã góp phần cổ vũ động viên tinh thần cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân vùng Tây Bắc trong những năm tháng chống Pháp để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và rồi, những cống hiến của Hoàng Nừng lại tiếp tục đi theo chiều dài những tháng năm đánh Mỹ. Trong suốt quãng thời gian ấy, nhiều lần ông được gặp Bác Hồ và trực tiếp biểu diễn phục vụ Bác. Hoàng Nừng luôn khắc sâu lời nhắc nhở động viên của Bác đối với anh em văn công rằng: Thân thể là của riêng mỗi anh chị em văn công, nhưng đôi tay, giọng hát thì lại là tài sản quốc gia.

Cảm động trước lời dạy của Bác, không lúc nào Hoàng Nừng lơ là luyện tay đàn, giọng hát của mình. Cho mãi đến năm 1972, do hoàn cảnh riêng của gia đình và lại đúng lúc tỉnh Yên Bái đang rất cần có những người như ông để phát triển Đoàn Nghệ thuật Yên Bái, nên ông xin chuyển ngành về Yên Bái. Trong vai trò của những người tham gia lãnh đạo đoàn, Hoàng Nừng đã đi khắp đó đây để tuyển lựa diễn viên cho Đoàn nghệ thuật Yên Bái và sau này là Hoàng Liên Sơn. Vừa dẫn dắt chuyên môn cho anh em, vừa tham gia sáng tác, dàn dựng, biểu diễn..., Hoàng Nừng đã góp phần quan trọng đưa Đoàn Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn phát triển không kém bất cứ địa phương nào trong nước.

Đến đầu những năm 1980, Hoàng Nừng được nghỉ hưu. Trở về quê hương Lục Yên, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ hoạt động văn hoá của huyện. Đặc biệt, ông sáng tác được rất nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước dựa trên các làn điệu dân ca Tày, Nùng. Những sáng tác của ông thân thuộc đến mức khi ông đi đến các xã, nhiều trẻ nhỏ cũng biết ông là tác giả của rất nhiều bài hát then ở Lục Yên. Nhiều bài hát của Hoàng Nừng khi tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp trung ương cũng đã đoạt Huy chương vàng.  Cá nhân ông cũng giành được một số huy chương vàng khi tham gia Liên hoan hát then khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông cũng đã hoàn thành một số đĩa CD cá nhân về: tục hát ví quan làng, hát mừng nhà mới, hát giao duyên, hát Pụt và hát then đàn tính. Ông còn tích cực nghiên cứu sưu tầm để bảo tồn vốn văn hoá dân gian Nùng và mới đây ông đã hoàn thành đề tài sưu tầm hát Nùng, do chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Bên cạnh những công việc trên, hiện giờ Hoàng Nừng còn đảm nhận nhiệm vụ phụ trách công tác văn nghệ của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi thị trấn Yên Thế. Trong những buổi sinh hoạt của các hội này, người ta thường thấy ông luôn mang theo cây đàn violon, cây đàn tính để biểu diễn tạo bầu không khí vui vẻ trong câu lạc bộ. Ông còn cho biết, đội văn nghệ cựu chiến binh thị trấn Yên Thế đã nhiều lần biểu biễn văn nghệ quyên góp từ thiện và có lần trong một đêm diễn đã thu được 6-7 triệu đồng do nhân dân ủng hộ. Người dân ở thị trấn Yên Thế này càng trân trọng Hoàng Nừng hơn, khi thấy trong ngôi nhà lá nhỏ bé của ông lọt thỏm giữa dãy phố cao tầng, nhưng luôn đầy ắp tiếng nhạc, lời ca. Và không biết đã có bao nhiêu lớp cháu nhỏ tìm đến đây để ông truyền dạy cho cái vốn văn hoá văn nghệ mà ông đã tích luỹ cả cuộc đời?

Tôi hỏi: “Động lực nào khiến ông cứ sống nhiệt huyết như một chú Noọc San Hò không tuổi?”. Hoàng Nừng nói vui: “Vì cái máu văn nghệ, nó đã ngấm vào mình từ thuở còn nằm trong bụng mẹ!”.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục