Tỷ phú ở An Thịnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) - Đỗ Mạnh Hùng giới thiệu đầy thuyết phục về hội viên Nguyễn Ngọc Thắm ở chi hội Làng Chẹo.

Ông Thắm chăm sóc quế mới trồng bổ sung trên diện tích đã khai thác. (Ảnh: Phong Sơn)
Ông Thắm chăm sóc quế mới trồng bổ sung trên diện tích đã khai thác. (Ảnh: Phong Sơn)

Ông Thắm là một giáo dân, một thương binh hạng 2/4 và cũng là ông chủ rừng nắm trong tay gia tài tới bạc tỷ. Theo con đường làng tới tận cuối thôn Làng Chẹo mới thấy cơ ngơi của gia đình ông Thắm hiện ra bề thế giữa bốn bề là màu xanh của quế, của rừng trồng.

Ông Thắm vốn là một thanh niên sức vóc khoẻ mạnh. Năm 19 tuổi ông lên đường nhập ngũ đóng quân ở biên giới Tây Nam. Trong một chuyến đi công tác, ông cùng đồng đội bị địch phục kích, ông bị thương nặng với thương tật 61%. Năm 1980 ra quân và một năm sau thì xây dựng gia đình với bà Bùi Thị Hiên người cùng làng. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, ở chung với bố mẹ đất chật, lại đông anh em vì thế mà cái đói cái nghèo mãi đeo đẳng. Ruộng đất canh tác lại ít sức người có mà chẳng thể làm gì được hơn.

Năm 1990, vợ chồng ông được bố mẹ cho ra ở riêng. Năm 1992 Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, gia đình ông đã mạnh dạn nhận 23 ha đất trống đồi trọc về khai hoang cải tạo canh tác làm nông nghiệp. Không kể hết những khó nhọc của buổi đầu khai hoang vỡ đất. Phần gia đình khai phá, phần thì thuê máy ủi san gạt, đào ao… Trang trại của ông dần hình thành khi quế, keo, bồ đề, bạch đàn bắt đầu khép tán.

Được sự tạo điều kiện của Đảng uỷ, chính quyền xã, gia đình anh tiếp tục được nhận thêm 10 ha để mở rộng trang trại, đến nay đã có 20 ha quế từ 4 - 10 tuổi, trong đó quế 10 tuổi có 10 ha, hàng năm chỉ khai thác tỉa thưa đã thu trên dưới 10 tấn quế vỏ, thu về trên 130 triệu đồng, tính riêng lá và xương quế đã cho thu vài chục triệu đồng. Diện tích còn lại, một phần ông khoanh vùng, đắp đập đào ao thả cá với diện tích 1ha mặt nước mỗi năm cho thu hoạch trên 2 tấn cá, 23 sào ruộng 100% được gieo cấy bằng giống lúa lai năng suất cao, mỗi năm thu trên 10 tấn thóc. Tận dụng diện tích rừng mới trồng tán cây nhỏ, ông trồng xen canh sắn hàng năm thu hoạch và chế biến được 10 - 20 tấn sắn khô vừa để phục vụ chăn nuôi vừa cung cấp ra thị trường.

Không chỉ có vậy, gia đình ông Thắm còn phát triển chăn nuôi và ngoài các loại gia cầm, trong chuồng luôn có từ 13 - 15 con trâu, bò. Hàng năm, ông tạo điều kiện giúp các hộ gia đình khó khăn trong thôn, trong xã nuôi chia được hưởng bê, nghé khi con mẹ sinh sản. Kinh tế khá giả, có điều kiện nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn, con ông đứa đã lập gia đình có cuộc sống khá giả, 2 đứa đang theo học đại học. Vợ chồng ông cũng là người rộng lòng với hàng xóm láng giềng, nhiều gia đình được cho vay tiền không lấy lãi và khi thì giúp cây con giống, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 hộ gia đình giúp việc trông coi, chăm sóc rừng cây, ao cá; vào mùa vụ luôn cần tới hơn chục lao động để bóc tỉa quế, nấu tinh dầu, rỡ và chế biến sắn…

Mạnh dạn gắn bó với rừng, gia đình ông Thắm đã trở thành hộ giàu có không chỉ của thôn Làng Chẹo mà cả xã An Thịnh. Tổng thu nhập hàng năm từ các nguồn thu của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng và trừ chi phí mỗi năm còn được trên 120 triệu đồng. Năm 2002, nguồn thu từ khai thác lứa rừng trồng đầu tiên được 150 triệu đồng, cộng với các khoản khác tích cóp được, gia đình ông đã xây được căn hộ 2 tầng kiên cố với diện tích sử dụng 260 m2, trị giá 300 triệu đồng.

Để tiếp tục phát triển có hiệu quả trang trại tổng hợp của mình, ông dự định tới đây quy hoạch, mở rộng diện tích mặt nước nuôi thả cá; chăm sóc tốt diện tích rừng kinh tế cũng như quế hiện có; hàng năm khai thác tỉa thưa đảm bảo mật độ để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Là một thương binh không cam chịu đói nghèo, ông Thắm đã vượt lên thương tật và chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Ngọc Tú

Các tin khác

YBĐT - Đó là ông Phạm Xuân Thủy, ở khu 2 thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên (Yên Bái). Ruộng vườn không có, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào một suất lương của vợ. Suất lương đó cũng chỉ đủ chi tiêu một cách tằn tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Còn tiền học hành cho con, nhất là trong những năm hai con học đại học và cuối cấp, khó khăn càng nhân lên nhiều lần.

YBĐT - Đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), được giới thiệu về gia đình ông Vàng A Châu, 54 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Giàng A là hộ làm kinh tế giỏi. Vì vậy, chúng tôi đã tìm đến nhà ông để tìm hiểu về cách làm giàu.

YBĐT - Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi vào thăm gia đình anh Phạm Đình Kết, cựu chiến binh 44 tuổi ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình - Yên Bái). Nét mặt cương nghị, rắn rỏi, đầy ý chí, khiến người ta dễ nhận ra một con người dám nghĩ, dám làm. Điều đó càng được minh chứng, khi chúng tôi đi thăm cơ ngơi của anh với hệ thống ao hồ nuôi cá và hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn gà qui mô rộng lớn được bố trí khoa học.

YBĐT - Bà Đinh Thị Mằn 53 tuổi, dân tộc Mường, cư trú ở thôn Ả Hạ xã Nghĩa Phúc (TX Nghĩa Lộ - Yên Bái), là một trong những gương điển hình trong phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ một gia đình nghèo, nhưng bằng nghị lực của mình, gia đình chị đã tìm được hướng phát triển sản xuất vươn lên làm giàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục