Đưa nghề về nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau nhiều lần thăm dò, nghiên cứu, liên hệ với họ hàng và những người thân quen ở làng nghề Ngọc Động để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, ông Toản quyết một lần nữa "Tầm sư học đạo" để chuyển đổi nghề nghiệp.

Nông dân Lục Yên học nghề mây tre đan xuất khẩu.
Nông dân Lục Yên học nghề mây tre đan xuất khẩu.

Huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn được xác định là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Ngoài nguồn nhân lực dồi dào, Lục Yên còn có nhiều tài nguyên quý hiếm như đá quý, đá trắng, quặng sắt và than đá. Lục Yên cũng là nơi có diện tích rừng núi khá lớn với nhiều loại lâm sản có giá trị cao, gỗ rừng tự nhiên, song, mây, tre nứa có ở tất cả các xã, thị trấn.

­Những người cao tuổi kể rằng, trước đây dòng sông Chảy là con đường chủ yếu ngày đêm vận chuyển lâm sản của Lục Yên về các tỉnh miền xuôi. Từ ngày xây đập thủy điện Thác Bà, đường vận chuyển thủy không còn nữa, lâm sản cũng ít dần đi nên hàng hóa chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ và một phần chế biến tại địa phương.

Tuy nhiên, cũng mới chỉ là sơ chế theo dạng bán thành phẩm một số nguyên liệu gỗ, còn tre nứa mới vài năm gần đây các xã dọc quốc lộ 70 từ An Lạc đến Phúc Lợi khai thác và cung cấp cho xưởng chế biến giấy đế và vàng mã xuất khẩu của Lâm trường Lục Yên. Riêng song, mây và hàng đan bằng nguyên liệu mây tre chưa có ai tìm cho con đường "vượt biên giới" đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sống ở một địa phương có tiềm năng dồi dào cả về nhân lực và nguyên liệu như thế, ông Đoàn Văn Toản ở Khu phố 3, thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên luôn trăn trở tìm hướng làm ăn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 1988, ông vừa làm ruộng vừa làm thợ may và sau này chuyển sang nghề đi chợ bán hàng tạp hóa.

Theo ông nói, nghề nào cũng có thu nhập, đủ duy trì mức sống vào loại trung bình khá. Nhưng dù vậy, ông vẫn ngày đêm nung nấu ý định làm giàu với những tài nguyên mây, tre sẵn có. Những lần về thăm quê ở Duy Tiên (Hà Nam), ông thấy dân làng miền xuôi vẫn làm được hàng đan mây tre xuất khẩu, mang lại giá trị thu nhập rất cao.

Sau nhiều lần thăm dò, nghiên cứu, liên hệ với họ hàng và những người thân quen ở làng nghề Ngọc Động để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, ông Toản quyết một lần nữa "Tầm sư học đạo" để chuyển đổi nghề nghiệp. Ông bàn với vợ con dốc hết vốn liếng của gia đình được trên 20 triệu đồng, vay thêm tiền của anh em làm lộ phí để về Ngọc Động đón thầy thuê thợ. Vận động anh em, con cháu và bà con láng giềng tập trung tại nhà riêng của ông để học nghề. Được cái nghề đan mây, tre không khó lắm, ai có tính cần cù, tỷ mỷ và khéo tay một chút đều có thể làm được.

Từ lớp học nghề đầu tiên chỉ có trên 40 người, rồi người này hướng dẫn người khác, làm cho số người tham gia làm hàng đan mây, tre ở Lục Yên ngày càng nhiều thêm. Một thuận lợi có tính chất quyết định cho tồn tại và phát triển của nghề là đầu ra cho sản phẩm thường xuyên ổn định. Ông Toản cho biết gia đình ông làm hàng đan mây, tre từ năm 2004 đến nay, có bao nhiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đều tiêu thụ hết, nhiều lúc không đủ hàng giao theo yêu cầu của các đại lý xuất khẩu.

Nhận thấy khả năng mở rộng quy mô sản xuất là thuận lợi, lại được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tư vấn, giúp đỡ nên đến tháng 11 năm 2006, ông Toản đã làm thủ tục và được UBND huyện phê duyệt thành lập hợp tác xã. Cơ sở sản xuất và thu mua hàng đan mây tre của gia đình ông chính thức chuyển thành "HTX Toản Thắng". Cơ sở vật chất ban đầu tuy còn nhỏ bé, nhưng HTX đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, mở rộng nhiều cơ sở sản xuất vệ tinh. Phương châm đưa nghề về nông thôn của HTX Toản Thắng vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương vừa tạo được nhiều việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn.

Được sự hỗ trợ vốn của các tổ chức như: khuyến công của tỉnh, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, từ năm 2006 đến nay HTX Toản Thắng đã mở 20 lớp dạy nghề đan mây, tre xuất khẩu cho 600 người tham gia thuộc 13 xã ở huyện Lục Yên và xã Xuân Long huyện Yên Bình, trong đó có 1 lớp dạy nghề cho gần 50 người khuyết tật. Để chủ động về giáo viên, HTX đã cử 5 thợ giỏi đi đào tạo thêm để có chứng chỉ, đủ điều kiện giảng dạy trong các lớp dạy nghề ở địa phương.

Đến nay toàn huyện có gần 100 người thường xuyên làm nghề, còn số lao động thời vụ chỉ tham gia trong những lúc nông nhàn thì rất nhiều, chưa thể thống kê được. Ông Toản cũng cho biết: giá trị hàng hóa luân chuyển năm 2006 chỉ đạt khoảng 80 triệu đồng, nay con số ấy đã tăng gấp 10 lần. Thu nhập của người tham gia làm hàng được tính theo sản phẩm và những người làm thường xuyên ước đạt 1,3 triệu đồng 1 tháng, còn lương của ban quản lý và những xã viên chuyên nghiệp được chia theo lãi kinh doanh và cổ phần nhưng cũng đạt bình quân không dưới 2 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập đó tuy chưa cao, song với thu nhập của một địa phương sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì đó là con số chấp nhận được. Điều đáng nói là nghề đan mây, tre của HTX Toản Thắng đã tạo việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người lao động, có cả những người tàn tật cũng học được nghề, làm được hàng, mang lại thu nhập góp phần san sẻ gánh nặng cho chính gia đình của họ.

Để HTX tiếp tục phát triển, ông Chủ nhiệm Đoàn Văn Toản đã thực hiện một kế hoạch cho tương lai là, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo nông dân trồng cây mây ngay tại vườn nhà. HTX cũng đã cử người đi học nghề ken giát giường bằng mây tre và đang tăng cường tiếp thị, tìm nơi tiêu thụ ổn định cho mặt hàng mới này.

Hy vọng rằng, một kế hoạch sản xuất kinh doanh vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như thế sẽ nhận được sự đồng tình cao của các cấp, các ngành chức năng và của toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 Bùi Văn Tòng

Các tin khác

YBĐT - Anh Hoàng Đức Hưởng, sinh năm 1970 ở thôn 6, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) là một thanh niên biết vượt lên khó khăn, làm giàu bằng sức lao động của mình từ nghề chăn nuôi gia súc.

YBĐT - Muốn dùng cụm từ "vệ sinh viên", song bác cười rất tươi: "Không! Tôi quét chợ thật mà, cần gì phải từ ngữ mỹ miều, khó hiểu. Cứ bình dân thôi". Càng cảm phục hơn khi được biết từ vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp in Yên Bái, năm 1986 bác nghỉ hưu, về cư trú tại tổ 24 phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chăm sóc vườn cây cùng gia đình.

YBĐT - Phát âm sai tiếng phổ thông như l thành đ, b thành v, "rượu" thành "riệu"… là lỗi thường gặp kể cả ở người lớn và trẻ em người dân tộc Thái vùng Mường Lò. Với hơn 90% là học sinh dân tộc Thái, lỗi sai trong phát âm này của các em Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô giáo nơi đây, trong đó có cô Hà Thị Loan.

Vườn chanh tứ thời của anh Phạm Thế Cầu cho thu hàng trăm triệu đồng/năm.

YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Bởi vậy, có nhiều hộ nông dân vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Sự thành công của những nông dân sản xuất giỏi là dấu son gợi hướng cho nông dân trên bước đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục