Người làm kinh tế giỏi ở Bản Mù

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đi trên con đường lưng núi Hấu Tọ, thuộc thôn Mông Si, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu - Yên Bái), ai cũng dễ dàng trông thấy một ngôi nhà sàn đẹp mới dựng ngay bên cạnh đường. Nhà sàn đó là ngôi nhà thứ hai của ông Giàng A Giao - một người dân không biết chữ nhưng cần cù và ham học hỏi vươn lên làm giàu.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, sau khi ra ở riêng, bố mẹ chỉ chia được cho mấy thửa ruộng nhỏ và mảnh nương cằn cỗi, sản xuất lương thực không đủ sống. Ban đầu vợ chồng ông phải đi làm thuê để kiếm thêm bát gạo về nuôi các con mà vẫn bữa no, bữa đói. Thời gian đó, ở Bản Mù có một số hộ sắp chuyển đi nơi khác đã khuyên ông cùng họ đi tìm vùng đất mới ở Tây Nguyên hoặc sang Sơn La, Điện Biên để sống ấm no hơn, nhưng ông kiên quyết không đi. Ông nghĩ, chẳng có nơi nào đẹp hơn nơi này. Thực tế đúng là vậy, có những hộ chưa nghĩ gì đã vội vàng bỏ đi nơi khác, cuối cùng cũng quay trở lại quê cũ và cuộc sống lại thêm khó khăn, vì trước khi ra đi, họ đã bán hết nhà cửa và cả ruộng nương nên lúc quay trở về không còn đất ở và đất sản xuất. Thêm vào đó, giúp ông vững tâm hơn là từ thủa nhỏ, ông đã thấm sâu câu nói của dân tộc Mông: “giàu mà di cư thì nghèo, còn nghèo di cư thì sẽ chết…”.

Vợ chồng ông quyết tâm bám lấy mảnh đất nghèo đã nuôi mình khôn lớn và trưởng thành như hôm nay. Theo ông, tuy đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng nhưng ở Bản Mù này mình muốn làm giàu cũng không có gì là khó khăn lắm, chỉ sợ mình không dám làm mà thôi. Nếu như mình chịu khó bỏ ra công sức đào mương dẫn nước về đắp bờ làm ruộng bậc thang, tích cực đầu tư thâm canh, tăng vụ và chăm bón tốt, chắc chắn năng suất sẽ cao, cuộc sống sẽ thoát khỏi đói nghèo. Bằng những suy nghĩ đó, ông đã bàn với vợ con khai hoang ruộng bậc thang. Sau nhiều năm lao động cần mẫn khai phá đất đồi, gia đình đã có gần 2 ha ruộng. Ông đưa giống lúa có năng suất vào gieo cấy.

Từ đó, hàng năm gia đình ông thu nhập ngày một cao hơn và hiện nay thường đạt từ 5 - 6 tấn thóc/vụ. Đến thôn Mông Si, bà con người Mông, ai cũng nói: “Nhà A Giao giờ đây đã khác xưa nhiều rồi, thóc làm một vụ có thể ăn 3 năm và còn có nhiều trâu bò, lợn gà …”. Nhưng khi đã có nhiều thóc, ông tính toán tỉ mỉ, chỉ để lại trong nhà lượng thóc trữ đủ ăn trong vòng một năm, số thóc dư thừa còn lại, ông đem đi bán lấy tiền mua trâu, bò giống và lợn gà về nuôi. Khi phát triển chăn nuôi, ông chỉ để nuôi có đủ sức kéo và phục vụ cuộc sống hằng ngày, số gia súc, gia cầm còn lại ông mang bán lấy tiền để mua sắm tiện nghi sinh hoạt và làm nhà ở. Hiện nay nhà ông còn 7 con trâu, 6 con bò, 5 con ngựa, 15 con lợn và khoảng trên 50 con gia cầm. Ngoài ra, ông còn trồng gần 1 ha ngô nương để làm thức ăn cho chăn nuôi.

Với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ có đầu óc tính toán, có tính sáng tạo mà gia đình ông đã thoát khỏi cảnh nghèo nàn trước đây. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông còn hướng dẫn cách làm giàu cho nhiều người ở trong bản, trong xã. Bằng những việc làm ấy, ông Giao luôn được bà con mến phục. Đồng thời, ông trở thành tấm gương sáng ở vùng cao Bản Mù, huyện Trạm Tấu để nhiều người học tập và làm theo.

 Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Nông dân Lục Yên học nghề mây tre đan xuất khẩu.

YBĐT - Sau nhiều lần thăm dò, nghiên cứu, liên hệ với họ hàng và những người thân quen ở làng nghề Ngọc Động để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, ông Toản quyết một lần nữa "Tầm sư học đạo" để chuyển đổi nghề nghiệp.

YBĐT - Anh Hoàng Đức Hưởng, sinh năm 1970 ở thôn 6, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) là một thanh niên biết vượt lên khó khăn, làm giàu bằng sức lao động của mình từ nghề chăn nuôi gia súc.

YBĐT - Muốn dùng cụm từ "vệ sinh viên", song bác cười rất tươi: "Không! Tôi quét chợ thật mà, cần gì phải từ ngữ mỹ miều, khó hiểu. Cứ bình dân thôi". Càng cảm phục hơn khi được biết từ vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp in Yên Bái, năm 1986 bác nghỉ hưu, về cư trú tại tổ 24 phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chăm sóc vườn cây cùng gia đình.

YBĐT - Phát âm sai tiếng phổ thông như l thành đ, b thành v, "rượu" thành "riệu"… là lỗi thường gặp kể cả ở người lớn và trẻ em người dân tộc Thái vùng Mường Lò. Với hơn 90% là học sinh dân tộc Thái, lỗi sai trong phát âm này của các em Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô giáo nơi đây, trong đó có cô Hà Thị Loan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục