Trồng chè để thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo lời giới thiệu của Chủ tịch xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi tới thăm đồi chè của gia đình bác Nguyễn Xuân Hiền. Cả khu đồi 3,5 ha trải rộng một màu xanh non của chè. Được biết, bác Hiền là một trong những người đầu tiên trồng chè ở xã Động Quan. Chẳng thế mà trung bình thu nhập từ chè của gia đình bác mỗi năm đạt trên 24 triệu đồng.
Cây chè giúp gia đình bác Hiền thoát nghèo.
|
Sinh ra ở Hưng Yên, theo tiếng gọi của Đảng, năm 1961, bác Hiền lên Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới. Bác tâm sự : “Hồi mới lên Yên Bái, tôi làm công nhân giao thông, nhưng do cuộc sống khó khăn nên xin nghỉ, bôn ba nhiều nghề nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Đúng lúc đó xã Động Quan và Lâm trường Lục Yên có chủ trương giao đất cho dân phát triển kinh tế, vậy là tôi mạnh dạn nhận 3,5ha đất lâm nghiệp. Khi nhận đất, tôi cũng băn khoăn không biết trồng cây gì, phải làm gì để mang lại hiệu quả.
Qua tìm hiểu và được sự giúp đỡ của Lâm trường, tôi quyết định trồng thử 8,5 sào chè cành, qua phát triển thấy chè có giá trị cao, tôi tiếp tục đầu tư thêm”. Theo bác, chè là loại cây dễ chăm sóc nhưng yêu cầu về kỹ thuật thâm canh, thu hái khá chặt chẽ. Trong khi đó, ở Động Quan lúc bấy giờ chè là loại cây mới, ít người trồng nên bác phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn trồng chè của Phòng Nông nghiệp huyện, rồi mua thêm tài liệu về nghiên cứu để mở rộng kiến thức.
Năm 2004, Lâm trường Lục Yên đưa vào trồng thử nghiệm giống chè Kim Tuyên, đây là loại chè cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Không ngại khó khăn, bác đã mạnh dạn đưa vào trồng thử. Tuy nhiên, Kim Tuyên là giống chè rất khó trồng, có những đặc tính, yêu cầu rất khác so với những giống chè thông thường, kỹ thuật thu hái đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy cách và quy trình chăm sóc.
Với sự kiên trì cùng quyết tâm vươn lên xoá đói giảm nghèo, giờ đây đồi chè 3,5 ha của gia đình bác đã cho thu hái, mỗi năm đem lại nguồn thu trên 24 triệu đồng. Ngoài việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, gia đình bác còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 nhân công với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/ tháng.
Ông Nông Xuân Đồng - Chủ tịch HĐND xã Động Quan cho biết: “Bác Hiền không chỉ là người đi đầu trong xã về trồng chè xoá đói giảm nghèo mà còn vận động anh em, họ hàng, bà con lối xóm trồng chè. Bác còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và kinh nghiệm chăm sóc chè cho nhiều hộ mới trồng”. Tâm sự với chúng tôi, bác Hiền cho rằng: “Chè là cây xoá đói giảm nghèo cho bà con mình, vì giá trị kinh tế của nó cao gấp hai đến ba lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác, lại dễ chăm sóc, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chỉ mất công đầu tư kiến thiết cơ bản 3 năm đầu nhưng cho thu hái đến 40 năm”.
Cây chè ở xã Động Quan đang dần khẳng định được giá trị kinh tế. Xác định là cây kinh tế mũi nhọn, xoá nghèo bền vững, những năm gần đây tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, huyện, xã Động Quan đã và đang tập trung lãnh đạo và vận động nhân dân mở rộng diện tích chè, ổn định thu nhập cho người dân, phấn đấu mỗi năm giảm từ 4-6% hộ nghèo.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Tên thật, ông là Lê Nghiêm, tổ 13, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Bạn bè quen gọi ông bằng cái tên “Tư cựu”. Chả là khi về hưu, ông tham gia 4 hội: hội cựu thanh niên xung phong, hội cựu chiến binh, hội cựu chiến sĩ cảnh sát an ninh công an và hội cựu giáo chức.
YBĐT - Đến thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn (Yên Bái), không ai là không biết đến gia đình anh Bùi Xuân Bầy (51 tuổi), một trong những điển hình nhiều năm làm kinh tế giỏi từ trồng cam của huyện Văn Chấn.
YBĐT - Gia đình anh Hoàng Ngọc Lâm, thôn Đức Tiến, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ bởi là hộ đầu tiên trong xã xây dựng được lò ấp trứng công nghiệp mà còn bởi những thành công mà gia đình đã đạt được từ nghề chăn nuôi với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Là một quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Quang Chanh cũng như bao người lính khác, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Làm gì để tự mình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất mà từ lâu người dân Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã gắn liền với cây lúa, cây màu? Đó là những câu hỏi luôn thôi thúc ông.