Làm giàu nhờ mạnh dạn đầu tư đúng hướng

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Gia đình anh Hoàng Ngọc Lâm, thôn Đức Tiến, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ bởi là hộ đầu tiên trong xã xây dựng được lò ấp trứng công nghiệp mà còn bởi những thành công mà gia đình đã đạt được từ nghề chăn nuôi với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Trang trại chăn nuôi lợn thịt của một hộ dân thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh (T.P Yên Bái). (Ảnh: Linh Chi)
Trang trại chăn nuôi lợn thịt của một hộ dân thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh (T.P Yên Bái). (Ảnh: Linh Chi)

5 năm về trước, cũng giống như nhiều gia đình khác trong thôn, gia đình anh Lâm gặp rất nhiều khó khăn. Ruộng ít, không có nghề phụ, hai vợ chồng anh đã xoay xở đủ nghề song cuộc sống vẫn không khá lên được. Không cam chịu, anh Lâm đã tự mày mò nghiên cứu các tài liệu, tìm hiểu kiến thức khoa học- kỹ thuật và phương pháp ứng dụng trong thực tế. Năm 2004, anh  mạnh dạn dành số vốn của gia đình 15 triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng cung cấp gà giống cho thị trường.

Với công suất 800 quả trứng, bình quân sau 20 ngày, gia đình anh xuất một lứa gà giống. Để đạt được tỷ lệ nở trên 80%, anh đã cải tiến các thiết bị trong lò ấp trứng, nhờ đó trứng được dàn đều, thường xuyên được đảo và luôn giữ được nhiệt độ ổn định. Theo anh Lâm tính toán thì nuôi gà đẻ sau đó ấp thành gà giống đem lại lợi nhuận cao gấp 3 lần so với nuôi gà lấy trứng. Sau thành công ban đầu, thấy có khả năng phát triển, anh tiếp tục xây dựng một lò ấp với công suất lớn hơn. Đồng thời, đầu tư tăng đàn gà đẻ từ 200 con lên tới 500 con, phát triển tăng đàn gà thương phẩm lên hàng ngàn con. Mỗi ngày đàn gà đẻ cung cấp từ 200 đến 300 quả trứng chủ yếu phục vụ cho hai lò ấp và trung bình 3 tháng gia đình anh lại xuất ra thị trường một lứa gà thịt, hàng năm số tiền thu về đạt gần 200 triệu đồng.

Thành công bước đầu từ nghề chăn nuôi gà giống, gà thịt, năm 2008, anh Lâm chủ động vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn giống và lợn thương phẩm. Với kinh nghiệm tích luỹ được, cộng thêm kiến thức trên sách, báo, anh đã chọn mua gần 20 con lợn nái chất lượng cao. Sau khi lợn nái sinh sản, anh để lại nuôi toàn bộ. Hiện tại trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có khoảng 100  con lợn các loại, trung bình 3 tháng xuất một lứa và mỗi năm hơn 300 con lợn thịt đưa ra thị trường đem về cho gia chủ khoản thu gần 600 triệu đồng.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, anh Lâm rất chú ý đến việc phòng bệnh và chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài tủ thuốc chuyên dùng của gia đình có đầy đủ cơ số thuốc và các trang thiết bị thú y cần thiết, hàng tháng gia đình anh đều mời cán bộ thú y và cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn cách sử dụng thuốc, cách phát hiện và đề phòng dịch bệnh cũng như thực hiện các phương pháp vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc khu chăn nuôi ở gia đình. Đồng thời, để bảo đảm môi trường luôn sạch sẽ, anh đã xây 1 hầm biogas để xử lý nguồn phân thải và chất thải chăn nuôi, lấy chất đốt phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm được tiền mua than củi đốt hàng ngày.

Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, doanh thu mỗi năm đạt gần 800 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư chăn nuôi, lợi nhuận hàng năm anh thu về gần 200 triệu đồng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh Lâm còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và  giúp đỡ các gia đình hàng xóm phát triển kinh tế, tư vấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các hộ vay con giống đến khi thu hoạch mới thu hồi vốn. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, năm 2009, gia đình anh Lâm được huyện Yên Bình đánh giá, lựa chọn là hộ chăn nuôi phát triển hàng hoá trọng điểm trong việc chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế của địa phương.

P.V

Các tin khác

YBĐT - Là một quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Quang Chanh cũng như bao người lính khác, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Làm gì để tự mình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất mà từ lâu người dân Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã gắn liền với cây lúa, cây màu? Đó là những câu hỏi luôn thôi thúc ông.

Với tài dân vận ông Quân cùng trưởng thôn đi đến từng nhà vận động và hướng dẫn bà con cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Ông Đặng Hồng Quân vốn là một thiếu tá quân đội về nghỉ hưu năm 2004.

Ông Giàng Súa Tếnh chăm sóc đàn dê của gia đình.

YBĐT - Đến bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bà con nơi đây ai cũng khâm phục cách vươn lên làm giàu của ông Giàng Súa Tếnh. Với mô hình chăn nuôi dê cùng sản xuất nông nghiệp tổng hợp mỗi năm ông thu về trên 20 triệu đồng.

YBĐT - Cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn (Yên Bái) chừng 3km, khu đồi Suối Tôm, thôn Văn Thi 4 được ví như một khu rừng sinh thái của xã Sơn Thịnh. Điều đáng trân trọng hơn cả là người gây dựng lên khu rừng ấy lại là một người lính già đã ngoài tuổi 80.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục