Ông “tư cựu” gõ đầu trẻ
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tên thật, ông là Lê Nghiêm, tổ 13, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Bạn bè quen gọi ông bằng cái tên “Tư cựu”. Chả là khi về hưu, ông tham gia 4 hội: hội cựu thanh niên xung phong, hội cựu chiến binh, hội cựu chiến sĩ cảnh sát an ninh công an và hội cựu giáo chức.
Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, về hưu là ông nghĩ ngay đến chuyện “nhồi” kiến thức cho những thế hệ sau bằng việc mở lớp dạy tiếng Anh. Ông không cho đó là việc làm tay trái để thu lợi nhuận mà chỉ kèm cặp giúp đỡ vài trẻ hàng xóm vừa cho vui lúc tuổi già vừa để kiến thức của mình không mai một nên ông không thu học phí.
Từ ngày học ở Trường Đại học Ngoại ngữ ra, là “kỹ sư tâm hồn”, thầy Nghiêm đã say mê, dùi mài cho sự nghiệp “trồng người” lại có sư phạm, lên lớp giảng cho học trò đều dễ hiểu, dễ nhớ. Thế rồi, “tiếng lành đồn xa” không chỉ ở thành phố Yên Bái mà cả Lào Cai cũng có phụ huynh đưa con em tìm đến học, có cả đối tượng ôn thi đại học, thậm chí còn cả mấy cụ cao tuổi cứ chiều thứ 7 là rủ nhau đến học.
Thầy Nghiêm còn đùa: “Tôi chỉ quen “gõ đầu trẻ”, chứ đầu các cụ cứng lắm tôi không gõ được đâu!”. Hiểu ý thầy, các cụ bảo: “ấy, chúng tôi còn học được mà. Bác Hồ bảo, phải học nữa, học mãi kia mà!”. Thấy những người hiếu học như thế nên thầy cũng không nỡ chối từ. Nhiều phụ huynh có con theo học thầy còn tình nguyện bảo nhau đóng học phí và bảo: “Thầy có thu học phí thì con em chúng tôi mới có ý thức học tập!”.
Từ đó, việc đóng học phí là tùy tâm của từng học sinh, có những gia đình hoàn cảnh khó khăn thầy vẫn miễn phí. Nhưng đã ngồi vào lớp là “thầy ra thầy, trò ra trò”, học tập nghiêm túc, mỗi tiết đều có giờ nghỉ. Học sinh của thầy vì thế có đủ mọi lứa tuổi. Nhìn thời gian biểu những ngày trong tuần kín tiết, tôi hỏi: “Tuổi ngoài 70, thầy lên lớp cả tuần thế này chắc mệt? “Thầy Nghiêm bảo: “Đúng là có mệt, nhưng thấy các cháu hiếu học và giảng đến đâu các cháu tiếp thu được ngay, tự nhiên tôi lại thấy như có người động viên mình nên cũng không thấy mệt”.
Năm tháng trôi đi, thầy Nghiêm đã bồi dưỡng, đào tạo cho bao thế hệ thành tài, đến nay đã có nhiều con em nhờ vốn Tiếng Anh thầy bồi dưỡng đã đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Chả thế mà hàng năm đến ngày 20/11, nhà thầy cứ nhộn nhịp học trò đến chúc mừng.
Do khéo xếp sắp thời gian, thầy Nghiêm vẫn tham gia sinh hoạt các hội đều đặn. Thầy còn là hội trưởng Chi hội Cựu giáo chức của phường. Là người sống chan hoà, mẫu mực, cởi mở nên nói đến ông “Tư cựu gõ đầu trẻ” ai cũng quý mến, kính trọng.
Trịnh Xuân Thận
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn (Yên Bái), không ai là không biết đến gia đình anh Bùi Xuân Bầy (51 tuổi), một trong những điển hình nhiều năm làm kinh tế giỏi từ trồng cam của huyện Văn Chấn.
YBĐT - Gia đình anh Hoàng Ngọc Lâm, thôn Đức Tiến, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến không chỉ bởi là hộ đầu tiên trong xã xây dựng được lò ấp trứng công nghiệp mà còn bởi những thành công mà gia đình đã đạt được từ nghề chăn nuôi với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Là một quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Quang Chanh cũng như bao người lính khác, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Làm gì để tự mình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất mà từ lâu người dân Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã gắn liền với cây lúa, cây màu? Đó là những câu hỏi luôn thôi thúc ông.