Chị Loan làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) hỏi thăm chị Nguyễn Thị Loan ở tổ 6 thì mọi người đều biết đó là một hội viên phụ nữ đã vươn lên từ đói nghèo, đặc biệt sống rất tình nghĩa.
Chị Loan chăm sóc đàn lợn.
|
Nghỉ theo chế độ bệnh binh quân đội, gia đình chị Loan thuộc diện hộ nghèo trong tổ. Chị đã trăn trở, suy nghĩ nhiều để tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Chị tâm sự: “Thực ra, gia đình mình nghèo chính là do cách nghĩ, thiếu kiến thức, thiếu vốn đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Thế là mình quyết định học hỏi các mô hình của chị em làm kinh tế giỏi về áp dụng vào phát triển kinh tế”. Nhanh nhẹn, chăm chỉ, hai vợ chồng chị đã “một nắng hai sương”, khai phá đất hoang, tăng gia sản xuất. Đất đai cằn cỗi, bạc màu, việc trồng trọt không mấy hiệu quả.
Chị Loan đã tham dự các lớp tập huấn về khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Có ít vốn liếng sau nhiều năm tích lũy, cùng sự quan tâm của Hội Phụ nữ thị trấn, năm 2007, được dự án hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi tạo việc làm 30 triệu đồng, chị Loan bàn với chồng mở rộng quy mô chăn nuôi lợn từ 20 con lên 50 con, năm 2009 lên tới 100 con. Hiện nay, gia đình đã đầu tư gần 50 triệu đồng quy hoạch lại khu chăn nuôi, xây dựng 2 khu chuồng trại với 15 ô chuồng có hệ thống bi-ô-ga khép kín.
Trong chuồng lúc nào cũng có trên trăm đầu lợn, mỗi năm xuất bán trên 10 tấn lợn thương phẩm; 4 sào ao nuôi cá thịt mỗi năm bán 3 đến 4 tấn, thu trên 25 triệu đồng; 3 sào vườn trồng các loại rau sạch trái vụ cũng cho nguồn thu đáng kể. Hàng năm, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt mang về cho gia đình chị trên 60 triệu đồng, cuộc sống cải thiện đáng kể. Điều đã giúp chị thành công và trở thành hộ chăn nuôi giỏi của thị trấn Yên Bình, đó là sự ủng hộ của cả gia đình, bố trí lao động hợp lý, tiết kiệm chi tiêu đồng thời biết quay vòng vốn cùng ý chí quyết tâm.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Loan là một hội viên tích cực của Hội Phụ nữ thị trấn. Chị tích cực cùng các chị trong Hội vận động chị em ra sức lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thấu hiểu và đồng cảm nỗi vất vả của người dân, chị không ngần ngại giúp đỡ các gia đình khó khăn trong thị trấn như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ giống, giúp họ cách làm ăn. Nhờ lòng nhiệt tình giúp đỡ của chị mà nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Đến xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái hỏi gia đình ông Vì Văn Sang ai cũng biết và kể rành rọt về ông. Ông không chỉ là một trong những người dân, dân tộc Khơ Mú đầu tiên thực hiện hạ sơn lập nên bản Nậm Tộc 1 và Nậm Tộc 2, mà ông còn là người đầu tiên biết trồng lúa nước, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình trở thành triệu phú và đã dạy bảo các con học hành thành đạt.
YBĐT - Đến xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, không ai là không biết đến chị Nguyễn Thị Hòa, người phụ nữ đảm đang, tháo vát giỏi việc nước, lại đảm việc nhà và rất giàu đức tính hy sinh.
YBĐT - Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào từ các đồi rừng của người dân trên địa bàn đã đến tuổi khai thác nhưng thiếu thị trường tiêu thụ cùng trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, ông Đặng Huy Chuân - bệnh binh 2/3 ở khu 2, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) đã mạnh dạn mở xưởng chế biến gỗ bao bì.
YBĐT - Niềm vui lớn nhất đối với ông Lâm là trong bốn người con, có hai con học đại học, một học trung cấp và một học lái xe. Đó mới chính là phần thưởng quý giá nhất dành cho người cựu chiến binh dân tộc Tày không cam chịu đói nghèo này.