Trưởng bản vì dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2010 | 3:00:28 PM

YBĐT - Thật tình cờ trong chuyến công tác về xã Y Can (Trấn Yên) để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Dao nơi đây, tôi được đồng chí Chủ tịch UBND xã giới thiệu gặp ông Dương Hồng Tư, thôn Minh An, một thương binh 4/4, trưởng bản người Dao có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hoá của đồng bào Dao. Ông cũng là một trong 6 gương mặt tiêu biểu đại diện cho huyện Trấn Yên được vinh danh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.

Ông Tư (người thứ 3 trái sang) đang hướng dẫn người dân cách nuôi lợn hướng nạc.
Ông Tư (người thứ 3 trái sang) đang hướng dẫn người dân cách nuôi lợn hướng nạc.

Gần 10 năm trong quân ngũ rồi phục viên, năm 1975 ông trở về địa phương với những mảnh đạn còn găm trên người. Gia cảnh nghèo túng, con cái nheo nhóc cộng với những vết thương trên người hành hạ mỗi khi trái gió trở trời đã khiến cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Thấm nhuần lời Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông nung nấu ý nghĩ: Phải làm cái gì đó để thoát nghèo? Đầu tiên, ông chọn cách nấu rượu để bán nhằm cải thiện sinh hoạt và có chút vốn tích góp mua lợn giống về nuôi, rồi trồng ngô, sắn lấy lương thực tăng gia sản xuất. Sẵn nguồn nhân lực, ông đã mượn 7 ha đồi rừng của Lâm trường Việt Hưng còn bỏ hoang để trồng rừng, thêm diện tích của gia đình thành 15 ha đất canh tác.

Khi rừng cây chưa khép tán, ông tận dụng trồng sắn, ngô, mỗi năm thu gần 50 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư nuôi lợn và nấu rượu, bình quân nuôi từ 15 - 20 con lợn thịt mỗi lứa. Khi rừng cây đã khép tán, ông đốn tỉa và thu hoạch toàn bộ những diện tích đất mượn để trả lại cho Lâm trường. Từ một hộ nghèo, gia đình ông đã trở thành một trong những hộ khá giả trong thôn.

Với những thành tích đó, năm 1999, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Trọng trách ấy, ông đã tận tình giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong thôn. Thôn có 62 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao, phong tục tập quán, canh tác lạc hậu nên tỷ lệ đói nghèo cao. Tập quán sản xuất manh mún lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong ý thức của đồng bào.

Người có sức thì thiếu đất sản xuất, người có đất sản xuất thì lại mắc vào tệ nạn xã hội. Nhìn nhận rõ nguyên nhân, ông đã vận động các hộ nhiều đất giúp các hộ thiếu đất có đất sản xuất. Những đối tượng nghiện, ông đến tận nhà khuyên nhủ. “Mưa dầm thấm lâu”, các đối tượng nghiện đã cai thành công và được ông tận tình giúp đỡ để phát triển kinh tế. Ông còn cùng hội người cao tuổi, trưởng các dòng họ thường xuyên vận động các hộ dân ký cam kết không sinh con thứ 3, không có con em, người thân vi phạm các tệ nạn xã hội. Từ chỗ có hơn 10 đối tượng nghiện thì đến nay trong thôn không còn người nào. Bên cạnh đó, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, những mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả ông đều thử nghiệm. Vừa học vừa mày mò tự làm rồi chỉ bảo cho đồng bào, những mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, kinh tế hộ gia đình đã phát huy hiệu quả giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo.

Điển hình như gia đình ông Dương Hữu Khánh, ông Triệu Phú An xây dựng mô hình kinh tế đồi rừng cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Hộ anh Dương Trung Thắng được ông cho vay 9 triệu đồng mở hiệu sửa chữa xe máy; gia đình anh Triệu Tiến Định được ông cho vay 20 triệu mua ô tô tải kinh doanh... Những công lao đóng góp của Trưởng bản Dương Hồng Tư đã đem lại cuộc sống no ấm cho dân bản. Thành tích của ông đã được tỉnh, huyện ghi nhận và khen thưởng. Riêng thôn Minh An được công  nhận làng văn hoá cấp huyện từ  năm 2002.

Dẫu biết rằng cuộc sống của người Dao nơi đây còn nhiều khó khăn, song với những gì ông đã và đang làm, có lẽ người dân nào cũng muốn mình có một trưởng bản như trưởng bản Dương Hồng Tư.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - “Tại sao những người nông dân khác có thể làm giàu từ đất còn đồng đất quê mình nhiều nhưng lại chưa được như vậy? Sau nhiều năm xuôi ngược, tôi thấy không nơi đâu bằng đất quê mình”. Đó là lời tâm sự của anh Phạm Đức Hồng (thôn Phúc Hoà 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình). Nhờ chăm chỉ, cần cù lao động và biết tính toán đến nay mới gần 40 tuổi nhưng anh đã là chủ trang trại theo mô hình VACR mang lại giá trị kinh tế cao.

YBĐT - “Cô giáo Hoàng Thị Lê Na là người tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có chuyên môn vững vàng và luôn tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh. Cô là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong năm học 2008 – 2009”. Đó là nhận xét của thầy Đỗ Xuân Hưng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Trấn Yên.

YBĐT - Chị Hảng Thị Dông – Chủ tịch hội phụ nữ xã Bản Công huyện Trạm Tấu – người vừa vinh dự được biểu dương là điển hình tiên tiến trong cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khu vực Tây Bắc

YBĐT - Biết quê hương còn nghèo nhưng anh Hoàng Ngọc Lâm ở thôn Đức Tiến 1, xã Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) vẫn quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất anh đã sinh ra và lớn lên. Đến nay, anh là một trong những hộ chăn nuôi giỏi nhất, nhì trong xã. Nhìn con người chất phác trong bộ quần áo lao động giản dị, có lẽ ít người biết anh là một triệu phú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục