Hát mãi khúc quân hành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/4/2010 | 9:19:32 AM

YBĐT - Sinh năm 1945 ở xã Văn Phú, huyện Trấn Yên (Yên Bái), Đại tá Nguyễn Mạnh Đức từng là chiến sĩ trinh sát, Trung đội trưởng pháo phòng không, Tiểu đoàn trưởng và Chỉ huy phó - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn và tỉnh Yên Bái.

Năm 1963 nhập ngũ, tân binh Nguyễn Mạnh Đức được biên chế vào quân số của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và tham gia chiến đấu ở Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Năm 1965 về nước, theo học Trường sĩ quan pháo phòng không, sau đó tiếp tục vào chiến trường tham gia bảo vệ tuyến đường 12 - đoạn đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Năm 1968, đơn vị được điều động ra Bắc tham gia bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Tháng 5 /1972 đến tháng 6 /1973, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị với nhiệm vụ ngăn chặn sự lấn chiếm của địch khi Hiệp định Pa - ri được ký kết.

Ông không thể nào quên trận đánh ác liệt trên cao điểm 32, địch dùng phi pháo và lực lượng đông tấn công khiến lực lượng ta không thể trụ vững phải lùi qua sông Thạch Hãn. Được sự động viên kịp thời và chỉ huy tài tình của Sư trưởng Nguyễn Chuông, Tiểu đoàn 16 của ông phối thuộc với các đơn vị bạn đã phản kích giành lại cao điểm, đẩy lùi địch vào sâu 3km. Trận này các khẩu pháo 12ly7 trực tiếp tham gia đánh bộ binh và tiêu diệt trên 200 sinh lực địch. Tiểu đoàn của ông là đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 312 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Rồi Sư đoàn rút ra hậu cứ ở Ninh Bình, vừa huấn luyện vừa tham gia đắp đê làm nhiệm vụ nghi binh.

Đến tháng 3 năm 1975, được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương tiện hành quân là xe ô tô của Đoàn 559. Cứ thế suốt ngày đêm, vượt qua Buôn Ma Thuột và tập trung ở Đồng Xoài. Tại đây, Sư đoàn 5 ngụy do Chuẩn tướng Lê Minh Vĩ chỉ huy tập trung phòng thủ chặt các cứ điểm Lai Khê, Bến Cát, Phú Lợi và ngoan cố chống đỡ. Máy bay A30 ném bom, pháo các loại bắn dữ dội, phía ta số hy sinh khá nhiều.

Tham gia tấn công Phú Lợi, nơi có 1 trung đoàn ngụy đóng giữ, Tiểu đoàn 16 đã dùng hoả lực pháo bắn thẳng vào các lô cốt bắt súng địch câm họng, mở cửa cho bộ binh xông lên. Trận này 5.000 tù binh ngụy bị bắt, Trung tâm hành quân Bộ Tổng tham mưu ngụy bị tiêu diệt, ta hoàn thành thắng lợi. Chủ trương không cho địch co cụm, thừa thắng xốc tới, Sư đoàn 312 đã tràn xuống giải phóng thị xã Thủ Dầu Một và một bộ phận hoà cùng đoàn quân chiến thắng tiến về Sài Gòn làm nên Đại thắng ngày 30 - 4 - 1975.

Kể về những ngày chiến đấu năm xưa, đại tá Nguyễn Mạnh Đức vẫn không khỏi xúc động, bồi hồi. Ba mươi nhăm năm sau ngày chiến thắng, kỷ niệm chiến đấu dường như vẫn còn in sâu trong tâm trí người lính già. Bây giờ đang ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Hội Cựu chiến binh tỉnh, ông lại cùng các đồng đội của mình tiếp tục phấn đấu trên trận tuyến mới: xây dựng quê hương giàu đẹp.

Có thể tự hào mà nói rằng Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái là một trong những hội có phong trào hoạt động mạnh, tỷ lệ thu hút cao. Trong khoảng 3 vạn hội viên có tới 1/3 là đảng viên đang tham gia công tác từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ chủ chốt có gần 2.000 người.

Những năm qua, Hội đã đi đầu trong công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Từ phong trào "Ngày vì đồng đội", "Giúp nhau xoá nhà dột nát", không chỉ khẳng định về mặt thực tiễn mà còn đóng góp về lý luận giúp cho Trung ương Hội trong vận động cựu chiến binh (CCB) phát huy nội lực giúp nhau xoá đói giảm nghèo.

Việc các hợp tác xã CCB vượt qua những khó khăn của mô hình hợp tác xã cũ để phát triển kinh tế trang trại ở Đào Thịnh (Trấn Yên); cơ sở sản xuất, chế biến đá ở Mông Sơn (Yên Bình); trồng và chế biến chè ở Tân Thịnh (Văn Chấn)…, đã được nhiều tổ chức quốc tế và các tỉnh bạn đến nghiên cứu, học tập.

Một số dự án kinh tế tiểu vùng cũng được Trung ương Hội nghiên cứu và nhân rộng ở nhiều nơi. Đặc biệt, các CCB vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, chuyển từ  kinh tế tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá như trồng chè Shan, thảo quả, nuôi trâu bò. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở hội viên Hội CCB toàn tỉnh chỉ còn 6% và sẽ xoá xong nhà dột nát trong năm 2010; có huyện như Mù Cang Chải chỉ còn 9% hội viên nghèo trên tổng số 40% hộ nghèo toàn huyện.

Thành tích trong phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đánh giá cao. Phần thưởng dành cho Hội CCB những năm qua là được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 cờ thi đua; Nhà nước tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì; cá nhân Chủ tịch Hội được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" lại càng toả sáng khi ông vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội khoá XI.

Tôi từng đi với ông trong đoàn giám sát và tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh. Nghe ông chất vấn, trả lời ý kiến cử tri mới thấy hết tâm huyết của người đại biểu nhân dân. Không nhớ hết bao nhiêu lần phát biểu trước kỳ họp của Quốc hội nhưng ấn tượng về các lần đề nghị thực hiện chính sách đối với CCB và người có công; phát triển giao thông, giáo dục, y tế miền núi… thì còn mãi.

Phấn khởi nhất là sau đó Chính phủ có Luật Phòng chống tham nhũng; ban hành chính sách đối với người có công và nhiễm chất độc da cam cùng nhiều chính sách khác. Góp một tiếng nói, góp thêm một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chung, người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đức đang ca khúc quân hành cùng đồng đội của mình đi lên phía trước.

Thế Quynh

Các tin khác
Bà Nguyễn Thị Luận bên di ảnh của chồng là Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai.

YBĐT - Bao chàng trai lên đường đánh giặc cứu nước, bấy nhiêu người phụ nữ ở lại giữ hậu phương và tất cả cùng góp sức làm lên một mùa xuân lịch sử - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đồng bào Dao ở xã Y Can (Trấn Yên) khai thác và bảo quản, chế biến cây thuốc nam. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Bản Động Ính, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) với những mái nhà lưa thưa nằm lọt thỏm nơi những thung lũng sâu. Mới đặt chân đến đây, chúng tôi đã được những vị chủ nhà người Dao tiếp đón bằng câu chuyện về bà “Bụt” của bản Dao. Bà là Đặng Thị Tam - người chuyên lấy thuốc nam cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo.

YBĐT - Bùi Thị Bích Phượng, học sinh lớp 11 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vừa vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho 100 cán bộ Đoàn, đoàn viên xuất sắc là học sinh trung học phổ thông năm học 2009 - 2010.

YBĐT - Chững chạc, nhanh nhẹn, hoạt bát đúng tác phong quân đội là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Mùa A Sùng - Xã đội phó Ban chỉ huy quân sự xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục