Một gia đình người Mông hiếu học

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/6/2010 | 1:57:25 PM

YBĐT - Ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ai cũng biết đến cụ Sùng Nhà Chơ 80 tuổi, dân tộc Mông cư trú tại bản Cung Mười Một là gia đình có đông con cháu thành đạt.

Cụ Sùng Nhà Chơ (bế cháu nhỏ hàng trước) cùng các thành viên trong gia đình.
Cụ Sùng Nhà Chơ (bế cháu nhỏ hàng trước) cùng các thành viên trong gia đình.

Sinh năm 1930 tại bản Tà Dông, xã Chế Tạo - một bản heo hút giữa rừng sâu, quanh năm mây phủ và nằm cách trung tâm huyện lỵ khoảng 35 km đường mòn. Lớn lên trong thời kỳ đất nước ta còn là thuộc địa của Pháp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bất công. Đã từng chứng kiến cảnh giặc Pháp đến cướp của cải, bắt đàn ông đi phu, cưỡng bức đàn bà, đánh đập dân lành..., khiến cho chàng trai Sùng Nhà Chơ quyết tâm một lòng đi theo Việt Minh.

Mới 14 tuổi đầu, Sùng Nhà Chơ đã tham gia cách mạng dưới hình thức là tiếp tế cho cán bộ, bộ đội. Rồi đến năm 1951, cụ được Đảng và Cách mạng tin tưởng giao trọng trách làm công tác giao liên để chuyển thư tín của cán bộ và bộ đội Việt Minh đến với các vùng, miền và các đơn vị của cách mạng. Nhận nhiệm vụ, cụ phấn khởi, sung sướng như con chim non vừa ra khỏi tổ bay nhảy giữa rừng xanh. Khi thu thập được thông tin hoạt động của địch thì nhanh chóng truyền về cho tổ chức của Đảng.

Trong nhiệm vụ liên lạc, cụ thường xuyên đi từ xã Chế Tạo ra Mồ Dề đến Cao Phạ, Khao Mang, rồi từ huyện Mù Cang Chải xuống huyện Văn Chấn và lên Than Uyên... Trong một chuyến đi công tác thọc sâu vào căn cứ của địch, cụ đã bị thực dân Pháp phát hiện và bắt giữ đưa về trại giam San Sẩy thuộc xã Mường Than, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu ngày nay). Sau rất nhiều những trận đòn tra tấn dã man để moi tin tức về những hoạt động của Việt Minh, nhưng với phẩm chất của người cộng sản, cụ cương quyết không khai báo. Tháng 9 năm 1952, một số vùng thuộc khu tự trị Thái - Mèo ở Tây Bắc được giải phóng, trong đó có Than Uyên và Mù Cang Chải, cụ được giải thoát trở về quê nhà, sau đó, lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1953, cụ đã nhập ngũ và được biên chế quân số thuộc Huyện đội Than Uyên. Năm 1958, cụ được xuất ngũ trở về công tác tại địa phương và được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải). Đến năm 1963, trước cao trào thanh niên cả nước nô nức lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước, cụ tái ngũ và được biên chế thuộc lực lượng quân địa phương, công tác tại Huyện đội Mù Cang Chải.

Ở cương vị nào, cụ Chơ cũng đều ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Năm 1964, thành lập tỉnh Nghĩa Lộ, cụ được điều về Tỉnh đội Nghĩa Lộ và làm Phó chủ nhiệm chính trị. Năm 1976, theo chủ trương của Đảng, sáp nhập 3 tỉnh: Nghĩa Lộ, Yên Bái và Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, cụ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ phó chính ủy Tỉnh đội Hoàng Liên Sơn.

Đến năm 1983, ở cấp hàm đại tá, cụ Sùng Nhà Chơ đã chuyển ngành về công tác tại quê nhà và được Đảng phân công đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy huyện Mù Cang Chải, để lãnh đạo địa phương xây dựng chính quyền, vận động nhân dân tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Năm 1991, cụ nghỉ hưu.

Là người sớm giác ngộ với cách mạng, nhận thức rõ việc học chữ là có ích cho bản thân, đất nước, nên khi còn ở bộ đội hoặc trong quá trình công tác, dù thường xuyên phải xa nhà, nhưng cụ vẫn luôn quan tâm đến vợ con và không quên nhắc nhở vợ cho dù cuộc sống khó khăn đến mấy vẫn phải cố gắng duy trì tốt việc học hành của con cái. Nghe lời chồng, cụ Lù Thị Dung đã một mình tần tảo nuôi 7 đứa con khôn lớn và học hành đến nơi, đến chốn.

Chị Sùng Thị Chư, con gái cả của cụ tâm sự: Những năm học ở Mù Cang Chải, trường học thường xuyên bị địch bắn phá ác liệt, nhà trường phải di tản liên tục vào rừng sâu, đi học rất khó khăn. Có lúc chị định bỏ học nhưng nhớ lại lời dạy của cha “Học chữ là có ích cho bản thân, nếu con mà bỏ học là sẽ bỏ cả cơm, chị tiếp tục dìu dắt các em của mình đến trường. Điều thấm thía nhất trong đời khiến chị không thể quên là năm 1964, cha chuyển công tác về Nghĩa Lộ, cả nhà phải đi theo để tất cả chị em có điều kiện học hành tốt hơn. chị Chư và 3 đứa em phải ngồi trên lưng ngựa đi đường suốt 3 ngày liền mới về tới nơi...”.

Chị Sùng Thị Chư nay đang là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại biểu quốc hội khóa XII của tỉnh Yên Bái; Anh Sùng Vảng Chinh - Chủ tịch UBND xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải); chị Sùng Thị Thu - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu; Sùng Ngọc Lương, Giám đốc kho bạc Nhà nước huyện Mù Cang Chải; Sùng Thị Mây - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Mù Cang Chải và những người con khác đều là cán bộ, giáo viên...

Đối với gia đình cụ Sùng Nhà Chơ, không chỉ con đẻ của cụ mới thành đạt mà các con rể cũng rất tiến bộ. Trong đó, có anh Lý A Sáng - Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu II; anh Lầu A Páo - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái; Vàng A Say - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Mù Cang Chải; Vàng A Rùa - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải... Ngoài ra, các cháu nội, ngoại của cụ đều ngoan ngoãn học hành tử tế và nay đã có công ăn, việc làm ổn định. Trong quá trình công tác, các con cháu của cụ rất tích cực học tập, rèn luyện và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cơ quan, đơn vị.

Không chỉ là một gia đình hiếu học, gia đình cụ Chơ còn sống rất gương mẫu đoàn kết, giúp đỡ mọi người và cùng thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chia sẻ mọi khó khăn với bà con ở địa phương và tích cực xây dựng quê hương Mù Cang Chải ngày càng giàu đẹp. Đây là một gia đình người Mông rất xứng đáng để mọi người học tập và noi theo.

Sùng Đức Hồng    

Các tin khác
Khai thác quế ở xã Đại Sơn (Văn Yên).

YBĐT - Để có vùng quế Đại Sơn rộng hàng nghìn héc - ta như bây giờ, ít ai biết rằng, từ hai đồi quế do ông Hoàng Văn An - nguyên bí thư Đảng bộ xã phát động trồng năm 1969 để tưởng nhớ Bác Hồ thì một trong những người góp phần phát triển cây quế thành vùng tập trung rộng lớn lại là một người lính. Ông là Lý Kim Thanh - nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã - Bí thư đảng ủy xã Đại Sơn (Văn Yên).

Mô hình kinh tế tổng hợp VACR của gia đình ông Chuyển cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.

YBĐT - Ông Vương Lưu Chuyển, 52 tuổi dân tộc Tày được người dân tổ dân phố 31, phường Yên Thịnh biết đến là người tổ trưởng tổ dân phố mẫu mực, làm kinh tế giỏi.

Già Lử luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động ở Suối Giàng.

YBĐT - Nước da nâu bóng, giọng nói sang sảng pha chút hài hước, ít người nghĩ ông Giàng Nhà Lử ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng (Văn Chấn) năm nay đã tám mươi tuổi. Tám mươi tuổi đời và 43 năm tuổi Đảng, người trưởng dòng họ Giàng này đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng trong nhiều năm.

YBĐT - “Nhà tôi ở xóm Giếng, ngay sát sân Căng (sân vận động thành phố Yên Bái ngày nay) nên ngày Bác Hồ lên Yên Bái, nói chuyện với đồng bào, tôi cũng được dự. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục