Già Lử ở Suối Giàng
- Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2010 | 8:55:17 AM
YBĐT - Nước da nâu bóng, giọng nói sang sảng pha chút hài hước, ít người nghĩ ông Giàng Nhà Lử ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng (Văn Chấn) năm nay đã tám mươi tuổi. Tám mươi tuổi đời và 43 năm tuổi Đảng, người trưởng dòng họ Giàng này đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng trong nhiều năm.
Già Lử luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động ở Suối Giàng.
|
Tuy đã được Nhà nước cho nghỉ hưu hơn mười năm nay nhưng như già bảo: “Cái chân, cái tay nó vẫn chưa muốn nghỉ” nên lúc nào cũng thấy già làm việc và lao động. Khu trang trại rộng hơn 10 ha ngày trước chỉ có cỏ với lau lách, giờ đã thành những đồi quế xanh tươi cây chen cây, những nương chè xanh tốt, những vườn vải, nhãn, mận đợi ngày thu hoạch là thành quả của gần mười lăm năm lao động không kể ngày đêm của người đảng viên ấy nơi mảnh đất vùng cao này.
Già Lử kể: “Làm Bí thư Đảng ủy xã, già được đi nhiều, thấy nhiều vùng quê giàu có nhưng Suối Giàng đâu được thế, cứ nghèo mãi mà người Mông cũng chăm chỉ, cần cù lao động như người Dao, người Khơ Mú, người Tày. Già thấy nhiều nơi, người dân giàu có nhờ trồng cây quế nên già cũng trồng. Ngày đầu, nhiều người bảo, Suối Giàng chỉ trồng được chè Shan tuyết thôi chứ làm sao trồng quế được. Nhưng già nghĩ, trồng quế không chỉ phủ xanh những ngọn đồi trọc mà sẽ mang lại cho người Mông cuộc sống sung túc hơn”.
Đến nay, hơn 2 ha quế gần 10 tuổi của già Lử đã xanh tốt trên đất Suối Giàng là câu trả lời thuyết phục nhất cho những băn khoăn, nghi ngại một thời của người dân địa phương. Bây giờ, thôn nào ở Suối Giàng cũng có người trồng quế bởi người ta đã tin lời già Lử. Rồi cả những nương chè, già cũng là người trồng mẫu thành những hàng thẳng tắp để đồng bào trong xã tới thăm quan, học tập.
Nhìn trang trại của già trong thung lũng này, không ít người nghĩ già Lử giàu có nhưng già lại bảo: “Người Mông không ai tính giàu có bằng của cải, người ta cần có con cháu đề huề và không phải lo nghĩ tới cái ăn. Như thế là có một cuộc sống sung túc rồi”. Những lời nói của một người đã trải nghiệm gần hết cuộc đời khiến người nghe thêm nhiều thấm thía. Đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nét rắn rỏi khác thường của già Lử vẫn khiến người ta ngưỡng mộ.
Khi nói về Đảng và cầm trên tay Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng được trao tặng cách đây mấy năm, đôi mắt già ánh lên nét vui tươi lạ thường. Bởi Đảng không chỉ mang lại cho già nhiều thứ trong cuộc đời mà Đảng cũng mang lại cho người Mông Suối Giàng và người Mông ở các vùng quê khác cuộc sống ấm no hơn. Người Mông bây giờ không còn sống trên những ngọn núi cao nữa, không du canh du cư, không phá rừng làm rẫy. Người Mông được chia đất sản xuất và có cán bộ tận tình hướng dẫn cách làm kinh tế. Và hơn thế, người Mông đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu làm khổ chính đồng bào dân tộc mình bao đời nay.
Noi gương già Lử, hai trong số ba người con của già và nhiều con cháu trong dòng họ Giàng đã không ngừng phấn đấu để vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng trước khi phấn đấu trở thành một người đảng viên, già khuyên con cháu phải cố gắng học và học cho giỏi. Già bảo: “Người không được đi học giống như mảnh ruộng, mảnh nương không được cấy cày nhưng người đi học mà không giỏi cũng giống như làm vụ lúa, vụ ngô mà không được thu hoạch. Vì vậy, phải học cho thật tốt mới có thể trở thành đảng viên tốt, mới có kiến thức để hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào mình”. Bởi lẽ đó mà dòng họ Giàng trên non cao này nổi tiếng hiếu học, có nhiều người đi học chữ ở các trường chuyên nghiệp để rồi trở về phục vụ bà con dân tộc mình, quê hương mình.
Đến bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao già Lử lại bảo, người Mông không giàu vì có nhiều của cải bởi còn những thứ quý giá hơn tiền bạc. Sự kính trọng của con cháu dành cho người trưởng họ nghiêm nghị, nhân hậu và sự yêu mến của mọi người dành cho người đảng viên gương mẫu 43 tuổi Đảng - những thứ đó quý giá hơn mọi của cải trên đời.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - “Nhà tôi ở xóm Giếng, ngay sát sân Căng (sân vận động thành phố Yên Bái ngày nay) nên ngày Bác Hồ lên Yên Bái, nói chuyện với đồng bào, tôi cũng được dự. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên.
YBĐT - Là Trưởng thôn kiêm Phó Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn làng Chiềng, xã Ngòi A, huyện Văn Yên (Yên Bái) chị Hoàng Thị Vinh - người phụ nữ nhỏ bé có tài ăn nói, thuyết phục ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và giữ gìn tình làng, nghĩa xóm ở Làng Chiềng.
YBĐT - Rất nhiều bà con dân tộc Thái ở khu phố Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) khen vợ chồng trưởng khu: “Người xưa nói rằng: “Thế gian được vợ hỏng chồng”, nhưng với vợ chồng nhà Cấp thì lại được cả hai. Từ ngày Cấp nó làm trưởng khu thì bà con được nhờ ở nó nhiều lắm!”.
YBĐT - Sau khi giành giải Nhất trong Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái tổ chức vào tháng 5 năm 2008, cô giáo Sầm Thị Minh Khuyên - Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Văn Chấn (Văn Chấn) tiếp tục tham dự Hội thi sơ khảo toàn quốc tại Thái Nguyên và giành giải Ba.