Ông "Tuyến tình"
- Cập nhật: Thứ năm, 10/6/2010 | 8:39:39 AM
YBĐT - Đó là lời nhận xét của người dân ở thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) khi nói về ông Nguyễn Ngọc Tuyến. Không chỉ giàu về vật chất mà nghị lực của ông cũng thật phi thường. Cả cuộc đời ông là “bài ca” về sức lao động quật cường của con người.
Mô hình trang trại nuôi nhím của ông Tuyến.
|
Chất giọng sang sảng, vừa chân chất lại rất dứt khoát, ông nói: “Con người muốn thành công phải lao động và chỉ có lao động người ta mới thấu hiểu và quý trọng công sức mình bỏ ra. Có rất nhiều người dưới xuôi lên với mảnh đất Mù Cang Chải quanh năm gió lào khô rát này nhưng không phải ai cũng thành công. Có người lên rồi lại bỏ về. Có người ở lại nhưng lại không chịu lao động và nhiều người đã mắc vào con đường nghiện ngập với lý do "buồn"…”. Nói đến đây, giọng ông trầm xuống, bởi chính ông cũng là người hiểu hơn ai hết về nỗi cơ hàn, vất vả khi buổi đầu lên đây lập nghiệp.
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp rất khó khăn vì đông con ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, (tỉnh Thái Bình), học hết lớp 7, do không có điều kiện học tiếp, ông ở nhà lao động phụ giúp gia đình. Năm 1979 đi bộ đội đóng quân ở Lạng Giang (Hà Bắc cũ) thuộc đại đội 6, Quân đoàn 2. Năm 1984, chuyển lên công tác tại Công ty Cầu đường Hoàng Liên Sơn và làm việc tại thị xã Nghĩa Lộ, sau đó lập gia đình và năm 1991, nghỉ chế độ theo Quyết định 167. “Hồi đó, gia đình rất khó khăn, nhiều khi phải vào trong tận Bản Tủ, Nà Làng (Nghĩa Lộ) xin sắn của bà con về ăn. Sau khi bàn với vợ con, tôi quyết định chuyển gia đình lên Mù Cang Chải. Chỉ tính quãng đường lên tới Mù Cang Chải thôi mà cũng cảm thấy nổi gai ốc” ông kể.
- Nơi đây, mọi người đều bảo ông là người tham công việc?
- Cũng đúng thôi! Tôi không làm thì thôi, đã làm thì phải làm “ra tấm ra món” ấy chứ!
- Có người cho rằng việc gì ông cũng làm được và là người làm nhiều nghề nhất?
- Họ nói thế chứ! Chẳng qua cũng vì lo cho cuộc sống của mình và cũng muốn con cái được tốt hơn cha mẹ nó ngày trước mà thôi!
Lời nói tuy mộc mạc, giản dị, song lại ẩn chứa sau nó sự nỗ lực phi thường của người lính. Ngày đầu lên Mù Cang Chải, nhận thấy nơi đây bà con rất thiếu rau xanh. Với đồng vốn ít ỏi, ông liền nghĩ đến những chuyến buôn rau từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải. “Hồi đó, tôi chỉ ngủ 2 đến 3 tiếng một ngày vì một tuần chỉ có 3 chuyến xe từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Do đó, sau khi mua đủ các loại rau cần thiết, 2 giờ sáng tôi phải có mặt tại bến xe để xếp đồ, mà đường lên Mù Cang Chải cũng phải mất 1 ngày trời và không cẩn thận rau héo thì coi như hỏng”.
10 năm trời đi đi, về về, ngoài việc buôn rau, ông buôn bán thêm các mặt hàng khác như: mắm tôm, muối, mì chính, con gà rồi các loại vải vóc như vải mộc, vải láng, vải đỏ… đổ cho các quán bán lẻ ở chợ Mù Cang Chải. “Xe đến đâu, ai mua là tôi bán, hết hàng, tôi tranh thủ mổ trâu, bò, lợn, chó… thuê lấy công và trồng rau, nuôi gà, thả cá… đại loại là việc gì cũng làm qua”.
-Thảo nào, người dân trên này lại đặt cho ông nhiều cái tên đến vậy! Nào thì ông Tuyến rau, Tuyến buôn, Tuyến mổ thuê rồi Tuyến sắt, Tuyến cát, Tuyến xăng dầu… rất nhiều các loại Tuyến. Vậy đâu là nghề chính của ông?
- Nghề chính của tôi ư! Đúng rồi! 10 năm lăn lộn buôn dài, bán ngắn cũng để ra được ít đồng vốn, tôi đã chuyển sang nghề hút cát, sỏi. Chi phí ban đầu cho việc đầu tư mua 3 chiếc máy hút, mỗi chiếc trị giá 12 đến 13 triệu đồng năm 2003.
- Thế cái tên Tuyến sắt và Tuyến xăng dầu là như nào?
- Suýt quên! đó là cái cửa hàng sắt, ống nước phục vụ xây dựng ở trong chợ do vợ tôi bán sau khi làm nghề hút cát được một thời gian. Đến năm 2007, tôi bán xăng dầu với kinh phí đầu tư trên 800 triệu đồng…
Ông Đoàn Thanh Giồng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải cho biết “Ông Tuyến còn “giấu” nhiều nghề lắm! Mới đây ông ấy còn tiên phong trong lĩnh vực xây chuồng trại để nuôi nhím đấy!”. Chẳng là, đầu năm 2009, thấy anh em trong Hội Cựu chiến binh kháo nhau nuôi nhím giống lãi lắm mà cũng dễ nuôi, hơn nữa lại được tuyên truyền về cách thức xây dựng chuồng trại và chăn nuôi nó…
Vậy là, ông Tuyến bắt tay ngay vào xây dựng chuồng trại với 38 chuồng và đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua 12 đôi nhím giống. “Tôi thấy nuôi nhím cũng hay và lãi suất cao. Hiện giờ, tôi đã có 15 đôi, trong năm nay các đôi nhím đã bắt đầu sinh sản. Cứ đà này, chắc tôi phải mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm…".
Với tất cả những công việc hiện nay, tính bình quân thu nhập của gia đình phải tới trên 300 đến 400 triệu đồng một năm. Chỉ tính của hàng sắt mỗi năm thu từ 100 đến 150 triệu đồng; khai thác cát sỏi thu về từ 60 đến 100 triệu đồng/năm, xăng, dầu cũng thu về 40 đến 50 triệu đồng/ năm… đó là chưa kể trang trại nuôi nhím, nuôi lợn, gà, cá… Con số thu nhập 300 đến 400 triệu đồng/ năm mà ông Tuyến thu được từ 2 bàn tay lao động chăm chỉ là một điều rất đáng khâm phục ở huyện vùng cao đầy khó khăn Mù Cang Chải.
Ông Giồng cho biết thêm: “Ông Tuyến là người lao động chất phát nên ông ấy rất thông cảm và chia sẻ với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những hội viên Hội Cựu chiến binh. Ông Tuyến sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ họ”. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định cho từ 40 đến 50 lao động tại khu vực khai thác cát, sỏi ông còn làm Trưởng ban Bảo trợ của Trường THPT huyện (đại diện cho các bậc phụ huynh) để đóng góp và kêu gọi ủng hộ của mọi người đối với sự nghiệp giáo dục của con em vùng cao...
Qua những việc làm rất ý nghĩa của ông cho kinh tế, xã hội ở Mù Cang Chải khiến tôi hỏi vui: “Vậy chúng tôi sẽ gọi ông là ông Tuyến gì nhỉ?”. Ông đáp: “Hãy gọi tôi là Tuyến tình!”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Gần 7 năm tham gia quân ngũ, trên 30 năm công tác tại địa phương, ông Vũ Thanh Sơn đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại như: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba, Huân chương giải phóng Lào hạng nhất, nhiều bằng khen của quân đội và ủy ban nhân dân tỉnh... Với nghị lực của bản thân, cựu chiến binh Vũ Thanh Sơn thực sự là tấm gương sáng, tiêu biểu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
YBĐT - Ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ai cũng biết đến cụ Sùng Nhà Chơ 80 tuổi, dân tộc Mông cư trú tại bản Cung Mười Một là gia đình có đông con cháu thành đạt.
YBĐT - Để có vùng quế Đại Sơn rộng hàng nghìn héc - ta như bây giờ, ít ai biết rằng, từ hai đồi quế do ông Hoàng Văn An - nguyên bí thư Đảng bộ xã phát động trồng năm 1969 để tưởng nhớ Bác Hồ thì một trong những người góp phần phát triển cây quế thành vùng tập trung rộng lớn lại là một người lính. Ông là Lý Kim Thanh - nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã - Bí thư đảng ủy xã Đại Sơn (Văn Yên).
YBĐT - Ông Vương Lưu Chuyển, 52 tuổi dân tộc Tày được người dân tổ dân phố 31, phường Yên Thịnh biết đến là người tổ trưởng tổ dân phố mẫu mực, làm kinh tế giỏi.