Triệu phú ở thôn Khe Chung 1
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/8/2010 | 9:13:08 AM
Ông Bàn Phúc Lý là người Dao ở thôn Khe Chung 1, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái), trước đây đời sống kinh tế cũng khó khăn như bao người nông dân khác ở xã vùng sâu này.
Nông dân xã Xuân Tầm (Văn Yên) tiêu thụ quế vỏ.
|
Nhưng nhờ biết lắng nghe, nắm vững tiềm năng thế mạnh của địa phương cộng với chăm chỉ lao động và phát triển đúng hướng đã giúp ông Lý chiến thắng đói nghèo và trở thành triệu phú.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 1979 ông Lý xây dựng gia đình. Cuộc sống khó khăn càng thôi thúc ông vươn lên mạnh mẽ hơn. Để từng bước nâng cao đời sống, năm 1990, ông đã vận động vợ con hạ sơn định cư tại thôn Khe Chung 1 và cùng chung sức khai hoang vỡ đất làm ruộng cấy lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, ông Lý còn tìm tòi, học hỏi cách phát triển kinh tế theo mô hình trang trại trồng rừng, bảo vệ rừng.
Ông tâm sự: “Do được trải nghiệm, chứng kiến cuộc sống cực khổ từ nhỏ nên khi lớn lên bằng sự cố gắng của bản thân, tôi đã cố gắng tìm hiểu cách phát triển kinh tế ở nhiều nơi về áp dụng để tạo dựng cuộc sống cho gia đình mình". Để có giống quế, ông Lý đã đi mua hạt và học cách ươm giống, kỹ thuật trồng của anh em, bạn bè ở các xã lân cận và tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do huyện, xã tổ chức.
Rồi ông tận dụng những bãi đất dốc xung quanh nhà để trồng quế. Khi cây chưa khép tán, ông trồng xen thêm lúa nương, ngô, sắn để tăng thêm nguồn lương thực phụ cho chăn nuôi. Ông cho biết thêm: “Ngày đó do điều kiện kinh tế gia đình còn thiếu thốn nên không có vốn đầu tư, vì thế trang trại đồi rừng của gia đình lẻ tẻ mỗi năm vài nghìn cây. Đến năm 2005, vay được 7 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Phụ nữ, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô diện tích đồi rừng ở khu trang trại”.
Bằng sự nhanh nhạy trong suy nghĩ và nắm bắt thông tin, trải qua nhiều năm gian khổ lao động, sản xuất, đến nay ông Lý đã có trên 8 ha quế từ 2 đến 20 năm tuổi. Ngoài ra, ông còn đưa các giống lúa lai cho năng suất cao vào thâm canh tăng vụ trên 5 sào ruộng và đạt năng suất bình quân 2 tạ/sào, thu hoạch hơn 2 tấn thóc/năm.
Cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, ông tích cực phát triển chăn nuôi. Hiện ông có 2 con trâu, nuôi trên 15 con lợn chủ yếu tận dụng các loại phụ phẩm cám ngô, sắn, chuối, rau lang, không dùng cám công nghiệp để vừa tiết kiệm kinh tế mà sản phẩm lại có giá trị cao, nuôi thêm gần 100 con gà đồi kết hợp chăm sóc 3 sào ao nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, mè...
Tổng nguồn thu mỗi năm đạt trên 70 triệu đồng. Khi có thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định, ông Lý đã có điều kiện nuôi con, cháu học hành chu đáo, làm được nhà cửa khang trang thoáng mát, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, tủ, ti vi, bàn ghế...
Không những giỏi làm kinh tế, ông Lý còn là một đảng viên gương mẫu. Ông luôn đi đầu trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền vận động bà con cùng phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông còn giúp đỡ những hộ nghèo về kiến thức, kinh nghiệm, vốn liếng và cây, con giống.
Ông Triệu Tài Triệu - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm đã nhận xét: “Đảng viên Bàn Phúc Lý là một tấm gương sáng cho bà con nơi đây. Ông luôn có nếp sống mẫu mực, dạy dỗ con cháu học hành chăm ngoan, hiếu thảo và lễ phép. Gia đình ông là hộ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình đạt mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/ năm”.
Tráng A Mua
Các tin khác
YBĐT - Ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có một khoảng thời gian khá dài, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng được coi như “vấn nạn”, song đến nay vấn đề bức xúc này đã giảm hẳn. Những kết quả đạt được, không chỉ bởi đã có sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, đoàn thể mà còn bởi có sự đóng góp không nhỏ của một cá nhân, đó là chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.
YBĐT - Giàng A Tồng được Mặt trận Tổ quốc giao nhiệm vụ tập hợp các tổ chức thành viên, có kế hoạch tuyên truyền vận động bà con tạo điều kiện cho cán bộ đo đạc, lập bản đồ quy hoạch về điều chỉnh đất đai. Lúc đầu, đa số người dân chốn tránh, không khai báo vị trí đất đang sở hữu, không dẫn cán bộ đi đo đạc vì sợ nhà nước thu hồi hết đấy. Đến khi Giàng A Tồng và cán bộ đoàn thể giải thích bà con mới chịu dẫn đi đo đạc kiểm tra.
YBĐT - Anh Lê Tuấn Hùng ở tổ 11 B, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) rất bất ngờ khi được nhận lại chiếc ví trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng và 5 triệu đồng tiền mặt anh sơ ý đánh rơi trên đường đi.
YBĐT - Không phải là một chủ trang trại chăn nuôi lớn và cũng chẳng phải doanh nghiệp, anh Hoàng Văn Toản ở thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đơn giản chỉ là một chàng thanh niên hay lam hay làm. Gặp Toản, hình ảnh một người thanh niên cao lớn với nụ cười hiền khô đã để lại nhiều ấn tượng cho chúng tôi bởi ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.