Thu nhập kinh tế cao từ nuôi bò
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2010 | 10:10:27 AM
YBĐT - Anh Trần Văn Hậu ở thôn Đát Dẻ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình là người có nhiều bò nhất xã: trên 20 con, trong đó có 15 bò cái sinh sản, được nuôi theo phương thức bán công nghiệp.
Với lợi thế có tới gần 10 ha đồi rừng, ngoài việc trồng cây lâm nghiệp, từ năm 2003, anh Hậu đã xác định đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò. Chỉ với nguồn vốn ban đầu trên 10 triệu đồng vay ngân hàng và người thân, anh mua được 3 bò cái sinh sản, dành ra quỹ đất trên 1.000m2 trồng giống cỏ voi để bổ sung thức ăn xanh cho đàn bò.
Chịu khó tìm hiểu kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh tốt cho nên đàn bò phát triển rất nhanh, ngay năm đầu tiên từ 3 bò cái sinh sản đã cho 3 bê con.
Thành quả ban đầu này giúp cho gia đình anh vững tin vào hướng đi của mình. Anh tiếp tục đầu tư vào mở rộng chuồng trại, dành thêm 5.000m2 đất để mở rộng diện tích trồng cỏ tiếp tục phát triển chăn nuôi bò và đến nay trong chuồng nhà anh lúc nào cũng duy trì 15 bò cái sinh sản, đấy là chưa kể tới bê và bò hậu bị có lúc tổng đàn lên tới gần 30 con.
Anh Hậu cho biết, thuận lợi nhất của gia đình hiện nay là nuôi bò cái sinh sản không phải nuôi bò đực giống do đã được Nhà nước hỗ trợ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bò to hơn, lớn nhanh hơn, bán được giá cao hơn nhiều so với bò phối giống trực tiếp như trước kia. Với 15 bò cái sinh sản, hàng năm gia đình anh cũng được bán từ 11 đến 12 con bò giống và bò thịt. Được biết, mỗi con bò chỉ cần nuôi tới 9-10 tháng tuổi là có thể bán được từ 8 đến 9 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu từ 60 đến 70 triệu đồng.
Anh tâm sự: “Nói là có lãi vậy thôi, nhưng cũng phải kiên trì chịu khó, anh ạ! Năm 2006-2007, giá bò giảm, nuôi bò hầu như không có lãi, nhiều hộ bán bò không nuôi, gia đình cũng dao động, song quyết tâm duy trì đàn bò và chỉ hơn 1 năm sau bò lại “có giá”.
Anh cho biết, quỹ đất của gia đình chỉ có thể duy trì tối đa được 20 bò cái sinh sản, song hiện nay hầu hết đàn bò cái của anh đều là bò lai, rất to khỏe, trong thời gian tới nếu có điều kiện anh muốn cho lai tạo với các giống bò thịt để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế. Nhìn cơ ngơi và cách làm của anh, chúng tôi tin rằng ước mơ của người nông dân này sẽ thành hiện thực.
Nguyễn Thị Thỏa
Các tin khác
YBĐT - “Là một cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình và luôn hết lòng vì công việc, xã Khánh Hòa có được kết quả đáng ghi nhận về công tác DS-KHHGĐ như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của chị Liên”. Đó là lời nhận xét của lãnh đạo Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện Lục Yên dành cho chị Trần Thị Liên – cán bộ chuyên trách dân số xã Khánh Hòa.
YBĐT - Trong thời kỳ đổi mới, những người thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa lại đoàn kết, hỗ trợ nhau tiếp tục vươn lên trong trận tuyến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, tiêu biểu là hoạt động của Chi hội Cựu TNXP phường Minh Tân – thành phố Yên Bái.
YBĐT - Tâm sự với chị Hoàng Thị Thêm ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên), tôi cảm nhận chị là một phụ nữ Tày khá đa tài. Với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn, chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và còn mở thêm dịch vụ tại nhà rồi nhận chụp ảnh, dẫn chương trình đám cưới ở trong và ngoài xã, kể cả các xã giáp ranh thuộc huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang.
YBĐT - Ngôi nhà sàn nhỏ tựa mình vào chân đồi là mái ấm của năm mẹ con cô giáo Hoàng Thị Chí – giáo viên Trường Mầm non Hoa Huệ (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên). Suốt 15 năm qua, ngôi nhà đó chứng kiến bao cay đắng cũng như nhiều niềm vui của cô Chí và bốn cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi.