Cho mạch nguồn chảy mãi
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2010 | 2:53:14 PM
YBĐT - Tâm sự với chị Hoàng Thị Thêm ở thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên), tôi cảm nhận chị là một phụ nữ Tày khá đa tài. Với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn, chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và còn mở thêm dịch vụ tại nhà rồi nhận chụp ảnh, dẫn chương trình đám cưới ở trong và ngoài xã, kể cả các xã giáp ranh thuộc huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang.
Bà Tăng Thị Bộ ở thôn 14, xã Minh Xuân (Lục Yên) đang dạy cháu gái hát dân ca Tày, Nùng.
|
Khi nói về phong trào ca hát ở địa phương, nhất là dân ca Tày, Nùng thì hình như đã chạm đúng sở thích của chị nên chị có những tâm sự thật thú vị. Chị bảo rằng: “Hồi nhỏ, tôi cũng không thích hát dân ca Tày nhưng càng lớn thì càng cảm nhận được rằng, giai điệu, nội dung của thể loại dân ca Tày rất hay và vô cùng sâu sắc. Vậy là tôi cố gắng sưu tầm và tìm người dạy tập hát dân ca”. Đồng thời trong vai trò của cán bộ hội phụ nữ cơ sở, chị đã tham mưu với Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Minh Xuân xây dựng nhóm những người yêu ca hát và hát dân ca Tày, Nùng với nòng cốt gồm: chị Hoàng Thị Bảy - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Hoàng Thị Luận - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 2 và bà Tăng Thị Bộ ở thôn 14, chị Thêm… Nhóm văn nghệ này đã tạo được sức thu hút rất mạnh cũng như sự hưởng ứng của hội viên phụ nữ bởi không chỉ hát dân ca thuần túy mà dân ca còn được lồng ghép với các nội dung tuyên truyền công tác Hội.
Nhưng từ thực tế cũng đã cho thấy, hiện nay, số phụ nữ trẻ hát được dân ca Tày, Nùng không có nhiều và đàn ông thì lại càng hiếm. Ngược lại, người yêu thích dân ca Tày, Nùng lại rất đông, kể cả già, trẻ, gái, trai. Chị Thêm cho hay, trong mỗi lần tổ chức chương trình văn nghệ cho đám cưới, chị cũng đã làm “phép thử”. Nếu không có nội dung hát dân ca thì khách dự đám cưới chỉ ngồi một lúc là lục tục ra về. Còn nếu có nội dung này thì họ ở lại lâu hơn và có người khi đã ra đến cổng rồi mà nghe người dẫn chương trình cất lên câu “khắp”, “coọi” là họ sẵn sàng quay lại. Người hát được cả bài dân ca, người thì hát được vài câu đối đáp, còn người nghe thì hào hứng vỗ tay tán thưởng khiến cho không khí đám cưới rất vui nhộn.
Dẫu vậy, vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để giá trị văn hóa trong mạch nguồn dân ca Tày, Nùng tiếp tục chảy cùng với dòng chảy thời gian, tạo nên năng lực bồi tụ đời sống tinh thần phong phú mang tính thường nhật của đồng bào Tày, Nùng thì quả thật là một vấn đề không hề đơn giản. Những khó khăn cơ bản cho vấn đề bảo tồn và phát triển là việc các cháu nhỏ biết tiếng Tày, Nùng đang có xu hướng giảm; lực lượng thanh niên sau khi học xong phổ thông đều đi học chuyên nghiệp để đi công tác hoặc vào lao động tại các khu công nghiệp, đi lao động xuất khẩu rất đông; lớp người cao tuổi hiện nay phần vì lý do sức khỏe, trí tuệ đã kém minh mẫn và phần thì không có phương pháp truyền dạy; người có khả năng truyền dạy rất ít nhưng lại chưa có chính sách khuyến khích; nhiều loại hình, làn điệu, bài hát dân ca đang có dấu hiệu bị mai một; việc phổ biến dân ca đã rất hạn chế và thiếu tính thường xuyên… Đặc biệt, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang gặp những bế tắc cả về tài chính và những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian nói chung và bảo tồn dân ca Tày, Nùng nói riêng.
Tuy nhiên, từ phía người dân cũng nêu lên những ý kiến rất đáng trân trọng rằng, dù khó nhưng không phải là không thể bảo tồn được. Bà Tăng Thị Bộ, người dân tộc Nùng ở thôn 14, xã Minh Xuân là một trường hợp hiếm hoi có thể được coi là nghệ nhân còn biết hát “phưn” của người Nùng ở Lục Yên và biết cả hát khắp, coọi Tày. Bà Bộ cho biết, cháu gái của bà là Lã Thị Ưu đang học tiểu học và Lã Trên Linh đang học trung học cơ sở đều đã biết hát dân ca Tày, Nùng khi mới 3 tuổi vì thường được nghe bà hát và truyền dạy. Vấn đề cốt lõi để dân ca tồn tại là nó phải có nhiều người hát thường xuyên và được hát với nhau. Bà Tăng Thị Bộ và cháu Lã Thị Ưu đã giành được nhiều giải cao trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện Lục Yên, của tỉnh, của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ý kiến của bà Bộ cũng phù hợp với nhiều ý kiến cho rằng, bảo tồn văn hóa dân gian cũng như bảo tồn dân ca phải được chú trọng hướng về cơ sở. Bởi vì, ở cơ sở mới là nơi lưu giữ tác phẩm và là nơi có người hát được, người nghe được… Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường các điều kiện như: thường xuyên phát chương trình dân ca trên hệ thống truyền thanh huyện, xã như nhiều nơi đã làm; đầu tư sản xuất các đĩa nhạc dân ca để cung cấp cho nhân dân sử dụng thường xuyên vì phương tiện nghe nhìn trong vùng nông thôn hiện nay đã khá đầy đủ và gắn văn hóa văn nghệ với phát triển kinh tế thông qua du lịch… Khi người dân tự cảm thụ được giá trị của cái hay, cái đẹp trong văn hóa dân tộc mình thì họ sẽ tự nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển một cách bền vững nhất.
Sơn Nam
Các tin khác
YBĐT - Ngôi nhà sàn nhỏ tựa mình vào chân đồi là mái ấm của năm mẹ con cô giáo Hoàng Thị Chí – giáo viên Trường Mầm non Hoa Huệ (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên). Suốt 15 năm qua, ngôi nhà đó chứng kiến bao cay đắng cũng như nhiều niềm vui của cô Chí và bốn cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi.
YBĐT - Mỗi hộ gia đình muốn kinh tế phát triển, vợ chồng hạnh phúc, con cái mạnh khoẻ, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập… thì trước tiên phải xây dựng một gia đình ít con. Đó chính là quan điểm của chị Lê Thị Hồi - cộng tác viên dân số thôn 2, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. Chính từ những suy nghĩ trên đã tạo nên động lực, sự nhiệt tình giúp chị hoàn thành tốt công việc được giao.
YBĐT - "Ai bảo là nuôi gà lãi thấp, rủi ro cao? Cứ chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi thú y và mạnh dạn nuôi từ 3.000 đến 5.000 con một năm xem có thu về trên 100 triệu đồng lãi không? Tôi bảo đảm là có.
Ông Bàn Phúc Lý là người Dao ở thôn Khe Chung 1, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái), trước đây đời sống kinh tế cũng khó khăn như bao người nông dân khác ở xã vùng sâu này.