Phần thưởng dành tặng cô giáo Chí

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/8/2010 | 9:20:28 AM

YBĐT - Ngôi nhà sàn nhỏ tựa mình vào chân đồi là mái ấm của năm mẹ con cô giáo Hoàng Thị Chí – giáo viên Trường Mầm non Hoa Huệ (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên). Suốt 15 năm qua, ngôi nhà đó chứng kiến bao cay đắng cũng như nhiều niềm vui của cô Chí và bốn cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi.

Hơn 20 năm qua, đêm đêm, cô Hoàng Thị Chí vẫn miệt mài soạn bài giảng chuẩn bị cho buổi dạy ngày mai.
Hơn 20 năm qua, đêm đêm, cô Hoàng Thị Chí vẫn miệt mài soạn bài giảng chuẩn bị cho buổi dạy ngày mai.

Nhớ lại những tháng ngày cay cực, đôi mắt của người phụ nữ tưởng như đã chai sạn với bao nỗi vất vả, đắng cay của cuộc đời vẫn chảy dài hai hàng nước mắt... 30 tuổi, chồng nghiện rồi bỏ nhà ra đi, để lại mình cô nuôi bốn đứa con nhỏ “trứng gà trứng vịt”, đứa lớn nhất mới chỉ mười tuổi đầu. Gạt những giọt nước mắt khổ đau, cô thấy mình cần phải sống, sống cho mạnh mẽ và là chỗ dựa của bốn đứa con thơ.

Một mình cô với đồng lương eo hẹp của giáo viên mầm non những năm 90 của thế kỷ trước khó có thể đủ nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Cuộc sống vất vả đã mang lại cho người phụ nữ nhỏ bé này một nghị lực phi thường. Cô không nhớ mình đã bươn trải, làm bao nhiêu nghề để trang trải cho cuộc sống của năm mẹ con. 5h sáng, bất kể đông giá hay nóng hè, cô Chí đã vội vã ra đồng chăm sóc thửa ruộng, luống rau rồi lại tất tả về cho kịp giờ lên lớp. Chiều đến, từ trường về nhà, cô bận rộn với đàn lợn, đàn gà, nương sắn, nương ngô. Ngày nghỉ, cô lại buôn bán khắp chợ gần, chợ xa mong sao đủ tiền nuôi bốn cô con gái ăn học.

Có lẽ, phần thưởng lớn nhất mà cuộc sống dành tặng cho cô là những cô con gái ngoan ngoãn, biết thương mẹ và học giỏi. Suốt những năm học phổ thông, bốn đứa con của cô chỉ có hai chiếc cặp sách và hai chiếc xe đạp. Chị đi học buổi sáng về lại nhường cặp cho em đi học buổi chiều. Ngoài giờ học, mấy chị em tranh thủ hái rau bán để có tiền mua sách vở. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm, bốn chị em bảo ban nhau học tập. Cuộc sống cứ như thế, lặng lẽ hết năm này qua năm khác. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều người khuyên cô Chí chỉ nên cho các con học hết phổ thông, biết chữ, như vậy cũng tạm đủ rồi lấy chồng cho đỡ vất vả nhưng cô bảo: “Dù vất vả hơn nữa, tôi cũng phải nuôi con học đại học. Nếu không được học hành, cuộc đời các con tôi sẽ không bao giờ hết khổ”.

Nghèo khó nhưng chưa bao giờ những cô con gái thôi ước mơ được đến giảng đường đại học. Bốn chị em lần lượt vào đại học. Nhận giấy báo trúng tuyển của con mà lòng cô trĩu nặng bởi nỗi lo lấy tiền đâu nuôi con. Đôi vai gầy của cô giờ lại thêm nhiều gánh nặng. Biết nỗi vất vả của mẹ nên bốn cô con gái đều chọn học ngành sư phạm để tiết kiệm tiền học phí và đi làm thêm để mong sao đôi vai mẹ bớt gầy. Con gái lớn của cô giờ đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định và giúp đỡ mẹ nuôi các em ăn học.

Cuộc sống tuy nhiều vất vả nhưng tối đến, năm mẹ con lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc và niềm vui nhỏ nhoi đó cũng đủ xua đi những lo toan, bộn bề. Từ ngày các con đi học xa nhà, ngôi nhà nhỏ đã từ lâu thiếu đi người đàn ông trụ cột nay lại càng yên ắng hơn. Tiếng cười nói chỉ rộn rã trong ngôi nhà nhỏ bên chân đồi này vào mỗi dịp tết đến và hè về. Cô hạnh phúc bao nhiêu khi có các con ở gần thì cũng buồn bấy nhiêu khi xa con. Ban ngày, cuộc sống bận rộn khỏa lấp đi nỗi buồn nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, chỉ còn một mình một bóng lặng lẽ trong ba gian nhà, cô mới cảm thấy cô đơn. Không biết bao đêm, cô đã lặng lẽ khóc vì nỗi nhớ bốn cô “công chúa” đang ở thủ đô...

Vất vả là vậy nhưng trong cô giáo Chí vẫn luôn trọn vẹn một tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ. Những ngày được mặc áo dài đến trường là những ngày cô Chí cảm thấy rất vui. Hơn 20 năm dạy trẻ, đêm đêm, cô miệt mài bên những trang giáo án, làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh. Mỗi ngày đến trường,  được nhìn thấy ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, háo hức của các em nhỏ đã giúp cô quên đi những mệt nhọc để dành tình thương yêu, dạy dỗ đàn em.

Trải qua bao đắng cay, cô Chí vẫn giữ được tiếng hát ngọt ngào, vẻ đẹp dịu dàng, nụ cười đằm thắm của người phụ nữ dù đã bước sang tuổi tứ tuần. Cuộc đời dẫu không cho cô một người chồng để làm chỗ dựa nhưng đã bù đắp cho cô bốn “công chúa” giỏi giang cùng tình yêu mến của học sinh, sự kính trọng của đồng nghiệp và niềm thương yêu của xóm làng.

Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Mỗi hộ gia đình muốn kinh tế phát triển, vợ chồng hạnh phúc, con cái mạnh khoẻ, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập… thì trước tiên phải xây dựng một gia đình ít con. Đó chính là quan điểm của chị Lê Thị Hồi - cộng tác viên dân số thôn 2, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. Chính từ những suy nghĩ trên đã tạo nên động lực, sự nhiệt tình giúp chị hoàn thành tốt công việc được giao.

Trang trại chăn nuôi gà thịt của một hộ nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình). Ảnh minh họa

YBĐT - "Ai bảo là nuôi gà lãi thấp, rủi ro cao? Cứ chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi thú y và mạnh dạn nuôi từ 3.000 đến 5.000 con một năm xem có thu về trên 100 triệu đồng lãi không? Tôi bảo đảm là có.

Nông dân xã Xuân Tầm (Văn Yên) tiêu thụ quế vỏ.

Ông Bàn Phúc Lý là người Dao ở thôn Khe Chung 1, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái), trước đây đời sống kinh tế cũng khó khăn như bao người nông dân khác ở xã vùng sâu này.

Chị Nguyễn Thị Ân (bên phải) tư vấn tại nhà cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

YBĐT - Ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có một khoảng thời gian khá dài, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng được coi như “vấn nạn”, song đến nay vấn đề bức xúc này đã giảm hẳn. Những kết quả đạt được, không chỉ bởi đã có sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, đoàn thể mà còn bởi có sự đóng góp không nhỏ của một cá nhân, đó là chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục