Anh Điền làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 4/10/2010 | 2:33:18 PM
YBĐT - Anh Trần văn Điền sinh năm 1980 trong một gia đình người Dao nghèo ở thôn 9 (Cửa Ngòi) – thôn đặc biệt khó khăn của xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái). Gia đình đông anh em mà lao động chính chỉ 4 người nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, hàng năm thiếu đói từ 3 đến 4 tháng...
“Lúc đó, mình thấy việc gì cũng khó khăn do nhận thức hạn chế, việc sản xuất, sinh hoạt chủ yếu theo phong tục tập quán của người Dao, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi...
Từ khi tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân, được nghe phổ biến về cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo từng vùng của địa phương được tham gia các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt mình đã vỡ vạc ra nhiều điều...”, anh Điền cởi mở. Ngay sau khi được tiếp thu kiến thức, anh Điền đã biết sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học hơn như: phân công công việc cụ thể cho từng anh em trong gia đình, đổi công cho anh em trong họ hàng, làng xóm và bước đầu đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Những việc làm đó đã giúp gia đình anh tạo dựng được một hướng phát triển kinh tế mới.
Có lẽ, bước chuyển lớn là vào năm 2008, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân xã đứng ra giúp, gia đình anh được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với số vốn sau bao ngày lao động vất cả tích cóp được, anh đã mạnh dạn mua 1 con trâu cái sinh sản 9 triệu đồng, 6 con lợn 3,5 triệu đồng, 150 con gà 1,5 triệu đồng... Số tiền còn lại, anh đầu tư vào tu sửa chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Đến cuối năm 2008 tổng thu nhập từ mô hình chăn nuôi đã cho anh thu về được 34 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng lãi được 13 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm trong việc mở rộng quy mô trang trại để chăn nuôi như: chế độ chăn nuôi phải phù hợp theo từng lứa tuổi của vật nuôi, cách xây dựng chuồng trại khoa học giúp vật nuôi sinh trưởng nhanh; giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh cho gia súc... Anh Điền tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại và tăng thêm số lượng con giống: nuôi 350 con gà giống, đào 1000 m2 ao thả cá, trồng 3 ha rừng, tăng số lượng đàn trâu lên 3 con; đầu tư thâm canh chuyển đổi giống lúa lai vào sản xuất, tăng thêm số lượng vụ 3 trên đất 2 lúa như: ngô, khoai tím...
Qua đó, thu nhập gia đình anh năm 2009 đạt gần 70 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng thu về gần 30 triệu đồng. “Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn, các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình đã khá đầy đủ. Cứ đà này hết năm 2010 gia đình sẽ thu nhập trên 70 triệu đồng...”, anh Điền phấn khởi khoe. Từ một hộ gia đình nghèo đói, thiếu ăn từng bữa với sự nỗ lực của bản thân, anh Điền đã được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nông dân thôn 9.
Khi làm hội trưởng, không chỉ động viên con cái học hành chăm ngoan, anh còn vận động bà con tích cực tham gia sinh hoạt hội để tuyên truyền, giúp đỡ nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất; vận động các hội viên có điều kiện giúp những hội viên còn khó khăn về con giống, cây trồng. Đồng thời, Chi hội còn giúp hội viên nghèo vay vốn không lấy lãi, giúp đỡ các hội viên xoá nhà dột nát bằng ngày công lao động...
Cũng trong năm 2008, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đến nay luôn được bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Tiếp xúc với cô giáo Bùi Thị Tưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Thắng, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi không khỏi thán phục trước thành tích và cống hiến của một giáo viên trên 50 tuổi đời mà đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề, đang được ngành giáo dục tỉnh nhà đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.
YBĐT - Dịu dàng, hơi e dè trước đám đông nên chưa biết chị thì ít ai nghĩ đó là một nữ giám đốc doanh nghiệp.
YBĐT - Trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng khắp các triền núi, ngọn đồi ở Lào Cai, Yên Bái để hiểu hơn về các tầng địa chất, tìm ra nguồn khoáng sản quý hiếm. Ông là kỹ sư Lê Quang Tuấn - Ủy viên Trung ương Tổng hội Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoáng sản Yên Bái.
YBĐT - Trong khi nhiều người dân vẫn sống dựa vào cách đánh bắt thủy sản một cách tận diệt cũng không đủ nuôi sống gia đình, thì ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái), gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh đào ao nuôi cá và nuôi cá lồng trên hồ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.