Ông lão địa chất của vùng cao Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2010 | 10:09:50 AM
YBĐT - Trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng khắp các triền núi, ngọn đồi ở Lào Cai, Yên Bái để hiểu hơn về các tầng địa chất, tìm ra nguồn khoáng sản quý hiếm. Ông là kỹ sư Lê Quang Tuấn - Ủy viên Trung ương Tổng hội Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoáng sản Yên Bái.
Công việc hàng ngày của ông Ngô Quang Tuấn vẫn là nghiên cứu đánh giá tiềm năng, trữ lượng khoáng sản Yên Bái.
|
Một sớm đầu thu, chúng tôi tìm đến con ngõ nhỏ trên đường Khe Sến (thành phố Yên Bái) để tìm gặp ông Ngô Quang Tuấn, một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong ngành địa chất, khoáng sản. Ông được nhiều người biết đến như là một “kho tư liệu sống” về địa chất, khoáng sản Yên Bái.
Dáng cao, gầy và phong cách dễ gần bởi giọng nói rất chân tình, cũng như những kiến thức khá uyên thâm là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được trò chuyện với ông về cuộc đời và nghề. “Tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, tôi được phân công về Đoàn Địa chất 3, làm nhiệm vụ tìm sắt ở Khe Lếch - Văn Bàn (Lào Cai). Xong nhiệm vụ, tôi vào Đoàn 5 tìm đồng ở Sin Quyền - Bát Xát, rồi lại về thăm dò, khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ sắt Quý Xa. Xin được thông tin thêm, mỏ sắt Quý Xa là mỏ sắt có hàm lượng và trữ lượng vào loại lớn nhất ở Việt Nam!” - ông Tuấn đã mở đầu cuộc đời làm địa chất, khoáng sản của mình với chúng tôi như vậy.
Ông tiếp: tôi sinh ra như thể để làm nghề tìm quặng, bất chấp gian nan, đói khổ nơi rừng thiêng, nước độc, ăn rừng ngủ búi, hễ tìm được một điểm quặng phát lộ là quên ngay mệt nhọc; nếu thăm dò, đánh giá mà thấy chất lượng quặng tốt, trữ lượng lớn thì mình thấy hạnh phúc biết bao! Một điều khá thú vị nữa là cả cuộc đời làm địa chất của ông Tuấn đã gắn liền với đới sông Hồng (kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy), nơi giàu tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu gỗ sứ, grafít và đới Phan Xi Păng (kẹp giữa sông Hồng và sông Đà), nơi có nhiều quặng sắt, cùng với đới Tú Lệ chứa đựng nhiều mỏ chì, kẽm và vàng… Phần lớn địa hình hoạt động, tìm kiếm, thăm dò, đánh giá và những tư liệu có được đều thuộc địa phận hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Đầu năm 1976, UBND tỉnh Yên Bái lúc đó rất quan tâm đến việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Để có cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực này, tỉnh đã có công văn đề nghị Tổng cục Địa chất tăng cường cán bộ cho Yên Bái và kỹ sư Ngô Quang Tuấn đã được cấp trên điều động về Sở Công nghiệp Hoàng Liên Sơn (lúc này tỉnh Hoàng Liên Sơn đã được thành lập). Xuất phát điểm là con số không nhưng với uy tín của mình, chỉ một thời gian ngắn ông Tuấn đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm từ nhiều đoàn địa chất Trung ương về làm việc cho Yên Bái như các kỹ sư: Đỗ Hoàng Lương, Trần Hữu Luật, Hoàng Văn Tín, Nguyễn Đoàn Vân...; những cán bộ kỹ thuật đo đạc, họa đồ, khoan thăm dò như: Nguyễn Thành Công, Trần Quốc Bảo, Nguyễn Thị Lảng, Nguyễn Hải Yến...
Đội ngũ cán bộ mà theo ông Tuấn đánh giá là rất giỏi, ngay cả đến nay rất khó có thể tập hợp được. Ngay khi tập hợp được lực lượng cán bộ, tỉnh và ngành công nghiệp cũng tạo mọi điều kiện về phương tiện kỹ thuật cho anh em bắt tay vào thăm dò, đánh giá các khu mỏ phục vụ trực tiếp việc khai thác làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh như: mỏ felspat Kim Tân, mỏ cao lanh Kim Tân, các mỏ cao lanh làng Cần, felspat Quyết Tiến, ba rít núi Con Hổ thuộc huyện Yên Bình, đến mỏ đá trắng ở Mông Sơn, mỏ than Hoàng Thắng - Quy Mông… đến việc thăm dò địa chất công trình xây dựng các tòa nhà lớn, nhất là các nhà máy của tỉnh như: Xi măng Phú Thịnh, Sứ Hoàng Liên Sơn… Năm 1990, ông Ngô Quang Tuấn về nghỉ hưu và tham gia công tác Đảng ở phường Nguyễn Thái Học kiêm Trưởng khu phố Hoàng Hoa Thám...
Với ông Ngô Quang Tuấn thì tình yêu với ngành, với nghề không bao giờ hết. Giai đoạn này ông dày công tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu về địa chất, khoáng sản tỉnh Yên Bái thông qua các tài liệu từ thời Pháp thuộc, nhất là những kết quả tìm kiếm, khảo sát đánh giá của các đoàn địa chất đã làm việc tại Yên Bái. Có lẽ chính vì thế mà ông Tuấn đã tự tin nói rằng: “Mình am tường các mỏ đã được phát hiện trên quê hương Yên Bái”.
Những kiến thức có được từ tấm lòng của người cán bộ địa chất già đã được phát huy khi ông nhận lời làm chuyên gia cho các đơn vị như: Công ty Đá quý và Vàng trong việc lập báo cáo đánh giá khai thác mỏ đá quý Tân Hương; Hợp tác xã Thành Công (nay là Công ty Thành Công) trong việc đánh giá lại thân mỏ cao lanh Trực Bình; tìm ra mỏ felspat Phai Thượng, mỏ felspat Hán Đà, mỏ felspat dốc 6000 (Văn Yên), đánh giá thăm dò, khai thác mỏ sắt Làng Khuôn, Xuân Giang huyện Văn Yên, mỏ sắt Kiên Thành huyện Trấn Yên... cho Công ty Khoáng sản tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, với trình độ và uy tín của mình, ông Ngô Quang Tuấn hiện đảm nhận nhiệm vụ làm công tác phản biện các báo cáo địa chất, khai thác, thăm dò khoáng sản cho Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.
“Yên Bái là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng các mỏ của ta quy mô nhỏ và phân tán (trừ mỏ sắt làng Mỵ với 66 thân quặng, trữ lượng 76 triệu tấn), tiêu biểu nhất là đá trắng ở Lục Yên. Khoáng sản là nguồn lợi do thiên nhiên ban tặng, cần được đánh giá đúng, tổ chức khai thác tốt phục vụ sự nghiệp phát triển. Tôi còn sức lực, tôi sẽ đóng góp cho các cấp các ngành, các doanh nghiệp những kiến thức của mình”. Đó là những lời tâm sự chân thành mà ông Ngô Quang Tuấn chia sẻ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Trong khi nhiều người dân vẫn sống dựa vào cách đánh bắt thủy sản một cách tận diệt cũng không đủ nuôi sống gia đình, thì ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái), gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh đào ao nuôi cá và nuôi cá lồng trên hồ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Hai cô con gái Phương và Hương như hiểu được tấm lòng cha mẹ, các em đều chăm ngoan học giỏi. Phương là chị gái cả khi còn học phổ thông đã biết chăm lo cho gia đình.
YBĐT - Giữa bao bộn bề cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta không cảm nhận được hết những giá trị của lịch sử, chưa thấu hiểu được một cách sâu sắc về công việc âm thầm mà cao cả, giản dị mà mang đầy ý nghĩa của những người sống quanh ta...
YBĐT - Tinh thần không chịu khuất phục đầu hàng trước số phận của người lính Cụ Hồ được chắp thêm đôi cánh của tình yêu thương. Tại nơi điều dưỡng, anh Hùng gặp nữ thương binh Đỗ Thị Nhâm. Hai con người không đầu hàng thương tật ấy tìm thấy ở nhau sự đồng điệu tâm hồn và nảy nở tình yêu thương.