Người cựu chiến binh trên trận tuyến mới
- Cập nhật: Thứ tư, 6/10/2010 | 2:46:17 PM
YBĐT - Giản dị, năng nổ, nhiệt tình và không ngại gian khổ, đó là hình ảnh người thương binh - cựu chiến binh Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Ao cá của gia đình ông Châu.
|
Xuất ngũ trở về địa phương năm 1974 với thương tật 1/4, thương binh, cựu chiến binh Lê Ngọc Châu cũng như bao gia đình khác ở xã Minh Quân quanh năm vất vả đầu tắt mặt tối, giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn chứ nói gì đến làm giàu. Đất có, rừng có mà người dân vẫn phải chịu đói nghèo lạc hậu. Sau nhiều trăn trở tìm tòi, với ý chí và nghị lực của một cựu chiến binh, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông bàn bạc với vợ con mạnh dạn vay vốn ngân hàng và nhận 15 ha đồi rừng để làm kinh tế. Khi đã có đất trong tay, ông suy nghĩ tính toán rất nhiều đưa cây gì vào trồng trên diện tích được giao để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Qua tìm hiểu, tham khảo gia đình và bạn bè, ông quyết định đưa cây keo lai và bồ đề là những cây hợp thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao vào trồng. Ông kể: “Những năm đó người trong gia đình hầu như suốt ngày ở trên đồi, trên rừng miệt mài lao động nhiều lúc quên ăn, quên ngủ”. Đất không phụ công người, sau nhiều năm đầu tư chăm sóc, rừng kinh tế của gia đình đã cho thu hoạch.
Theo tính toán của ông Châu, trung bình mỗi năm, gia đình ông bán được khoảng 150m3 gỗ các loại với mức giá khoảng 500.000 đồng/m3 cho thu về gần 80 triệu đồng. Trừ chi phí công chăm sóc và giống, cũng lãi khoảng 40 triệu đồng. Trên diện tích 8 sào đất nông nghiệp, ông thâm canh lúa lai năng suất cao cho thu nhập 12 triệu đồng/năm.
Ông Châu đang chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Không chỉ trồng trọt, ông Châu còn tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm gia đình chỉ nuôi 10 con/ lứa. Thấy có hiệu quả ông quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi để trở thành một nghề có thu nhập ổn định. Cùng lúc đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng cho các hộ chăn nuôi quy mô trên 100 con, chính là động lực giúp ông thêm quyết tâm thực hiện Dự án.
Trên diện tích trên 200 m2, ông đầu tư 160 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng lợn rất hợp lý gồm 31 ô chuồng và phân theo 2 khu vực xa khu dân cư đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Ngoài ra, ông còn làm thêm hệ thống nước uống tự động và hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với trên 100 con lợn thịt thường xuyên trong chuồng, năm 2009 ông đã xuất bán 27 tấn lợn thịt thương phẩm, trừ mọi chi phí thu lãi gần 70 triệu đồng. Trên đà phát triển, năm 2010 này ông đang chủ trương chọn nuôi 20 lợn nái sinh sản để tự tạo con giống phát triển chăn nuôi lâu dài. Ông còn có 2,5 ha ao nuôi thả cá được đắp bờ chắc chắn chủ yếu nuôi cá trắm, chép, trôi, rô phi... mỗi năm cho thu hoạch trên 3 tấn cá, tận dụng diện tích mặt nước nuôi hàng trăm con vịt, ngan và còn phát triển nuôi gà thả vườn...
Với mô hình trang trại tổng hợp có quy mô hợp lý và quy củ, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu trên 200 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Châu cũng luôn sẵn lòng giúp hội viên cựu chiến binh và bà con nghèo trong thôn nguồn vốn, cây giống, con giống để các hộ vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Sự - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Quân nhận xét: “ Đây là một trong số những mô hình kinh tế khá nhất của cán bộ hội viên cựu chiến binh toàn xã. Chúng tôi luôn khuyến khích hội viên đến tham quan, học hỏi, ông Châu cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đây cũng là điều kiện để tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó, cán bộ, hội viên đoàn kết giúp nhau cùng vươn lên làm giàu”.
Ngoài phát triển kinh tế giỏi, gia đình ông Châu còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Bản thân ông là Phó ban thanh tra nhân dân xã Minh Quân, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi thôn Ngọn Ngòi, Trưởng ban hành giáo họ giáo Bình Trà.
Ở cương vị nào ông cũng luôn nhiệt tình, năng nổ tận tâm với công việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liên tục gia đình ông được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu. Năm 1993, ông được về Trung ương báo cáo thành tích thương binh làm kinh tế giỏi. Liên tục từ năm 2005 đến năm 2009 ông được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen trong các phong trào thi đua người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội viên cựu chiến binh, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2010, ông Châu vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 -2010 và là điển hình dân vận khéo. Những cựu chiến binh như ông Lê Ngọc Châu thật sự là tấm gương sáng trong cuộc sống hôm nay.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Nhắc tới ông Nguyễn Đức Tân, thôn 4 - thị trấn Cổ Phúc - huyện Trấn Yên (Yên Bái), mọi người trong thị trấn đều cảm phục trước tấm lòng nhân ái luôn giúp đỡ mọi người của ông.
YBĐT - Ông Nguyễn Xuân Lai sinh năm 1940 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau gần 30 năm công tác trong ngành văn hóa - thông tin, năm 1991, ông về nghỉ hưu tại phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ). Năm 1992, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương. Đến nay, ông Lai đã hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Pú Trạng.
YBĐT - Anh Trần văn Điền sinh năm 1980 trong một gia đình người Dao nghèo ở thôn 9 (Cửa Ngòi) – thôn đặc biệt khó khăn của xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái). Gia đình đông anh em mà lao động chính chỉ 4 người nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, hàng năm thiếu đói từ 3 đến 4 tháng...
YBĐT - Tiếp xúc với cô giáo Bùi Thị Tưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Thắng, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi không khỏi thán phục trước thành tích và cống hiến của một giáo viên trên 50 tuổi đời mà đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề, đang được ngành giáo dục tỉnh nhà đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.