Giàng A Giao làm giàu trên đất nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2010 | 4:07:52 PM
YBĐT - Đến thôn Mông Si, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà sàn to đẹp, khang trang, thoáng mát, mái lợp phirôximăng sáng trắng ngay cạnh đường. Đó chính là ngôi nhà thứ hai của anh Giàng A Giao, một người dân không biết chữ nhưng luôn cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi cách phát triển kinh tế của người khác về áp dụng làm giàu cho gia đình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, sau khi ra ở riêng, bố mẹ chia cho mấy thửa ruộng và mảnh nương nhỏ để làm ăn, ban đầu vợ chồng anh Giao phải đi làm công để kiếm thêm cân thóc, bát gạo về nuôi gia đình, cuộc sống luôn chật vật, bữa no, bữa đói.
Thời gian đó ở Bản Mù có một số hộ sắp chuyển đi nơi khác đã xúi giục anh cùng họ đi tìm vùng đất mới để sinh sống nhưng anh luôn giữ vững lập trường của mình và không nghe theo họ. Anh nghĩ chẳng có nơi nào đẹp hơn nơi này, thực tế anh cũng đã từng chứng kiến có những hộ chưa nghĩ gì đã vội vàng bỏ đi nơi khác, về sau chẳng làm ăn được gì, cuối cùng cũng quay trở lại quê cũ, lúc đó cuộc sống của họ càng thêm khó khăn vì không còn nhà ở, không còn đất sản xuất. Anh Giao vững tâm hơn bởi luôn ghi nhớ câu tục ngữ của dân tộc mình là: “Giàu mà di cư thì nghèo, còn nghèo di cư thì sẽ chết…”.
Anh tâm sự: “Tuy đất dốc, đất nghèo nhưng ở Bản Mù này, mình muốn làm giàu thì cũng không có gì là khó khăn lắm, chỉ sợ không dám làm mà thôi. Nếu như mình chịu khó bỏ ra công sức đào mương dẫn nước về đắp bờ làm ruộng bậc thang, tích cực đầu tư thâm canh, tăng vụ và chăm bón tốt, chắc chắn năng suất sẽ cao, cuộc sống sẽ khá lên và có thể giúp mình thoát khỏi đói nghèo…”.
Bằng suy nghĩ đó, anh đã bàn với vợ con khai hoang ruộng bậc thang. Sau nhiều năm lao động cần mẫn khai phá đất đồi, vợ chồng anh Giàng A Giao đã có khoảng 2 ha đất ruộng bậc thang, anh đưa các loại giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy. Từ đó, hàng năm gia đình anh thu nhập ngày một cao hơn nhờ gieo cấy các giống lúa mới. Đến thôn Mông Si, bà con người Mông, cho biết “nhà anh Giao giờ đây đã khác xưa nhiều rồi, thóc làm một vụ có thể sử dụng trong cả 3 năm và gia đình anh còn có nhiều trâu bò, lợn gà lắm…”
Khi đã có nhiều thóc, anh tính toán chỉ để lại trong nhà lượng thóc trữ đủ ăn trong năm, số thóc dư dật, anh đem đi bán lấy tiền mua thêm trâu, bò giống và lợn gà về nuôi. Hiện nay nhà anh đang có 7 con trâu, 6 con bò, 5 con ngựa, 15 con lợn và khoảng 100 con gia cầm. Ngoài chăn nuôi, anh Giao còn trồng gần 1 ha ngô nương để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Với hai bàn tay trắng nhưng nhờ có đầu óc tính toán, có ý chí vươn lên gia đình anh Giàng A Giao đã thoát khỏi đói nghèo. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, anh còn hướng dẫn cách làm giàu cho nhiều người dân khác ở trong thôn, trong xã cùng làm theo. Nhờ đó, anh Giao luôn được bà con mến phục, anh thật xứng đáng là tấm gương sáng ở vùng cao Bản Mù, huyện Trạm Tấu để đồng bào Mông trong xã học tập và làm theo.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Bước chân lên bản khi mới đôi mươi, giờ đây cô giáo Trần Thị Hường (Trường Tiểu học Suối Giàng, Văn Chấn) đã trở thành một người con của đồng bào Mông nơi đây.
YBĐT - Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng và từ 4h30 chiều, cái xóm nhỏ xinh, sạch, đẹp thuộc thôn 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại vang lên âm thanh "xoẹt xoẹt" quen thuộc từ chiếc chổi mo cau của ông lão ngoài 70 tuổi cặm cụi quét dọn đường làng.
YBĐT - Biết có khách đến, bà Phương tất tả từ đồng về nhà: “Mọi ngày, khi không nhìn rõ mặt người tôi mới về, cố thêm một tý thì các con ở xa đỡ vất vả. Ngày trước khi các cháu còn nhỏ, kinh tế gia đình tôi cũng không đến nỗi khó khăn lắm nhưng từ khi các cháu vào cấp 3, chúng tôi dồn tất cả chỉ để nuôi con ăn học nên vất vả hơn”.
YBĐT - Hiện giờ những ao ba ba của anh có tất thảy 800 con gồm cả ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm hứa hẹn những đợt xuất bán mới... Anh Đạt cũng đang tích cực chăm sóc những con ba ba con vừa để bán ba ba giống, vừa để chăm thành ba ba thương phẩm. Những con ba ba giống này hiện cũng có giá đến 600 - 700 ngàn đồng/con.