Nghị lực của một thương binh
- Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2012 | 9:52:16 AM
YBĐT - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1981 ông Bùi Công Lợi ở thôn 6, xã Hoà Cuông (Trấn Yên) phục viên trở về địa phương. Là một thương binh nhưng ông Lợi đã cố gắng vượt lên và tích cực phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng và rừng (VACR) giúp gia đình có thu nhập ổn định.
Ông Bùi Công Lợi đang chăm sóc đồi cây của gia đình.
|
Ông Lợi tâm sự: "Những năm 1982 đói nghèo, thiếu thốn, khó khăn không riêng gì ở Hòa Cuông mà là tình trạng chung của nhiều địa phương. Không có vốn, không có kiến thức không thể mở cửa hàng hay làm dịch vụ. Vì vậy để tạo việc làm cung cấp lương thực, thực phẩm, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho gia đình và nuôi con cái ăn học tôi đã quyết định chọn mô hình kinh tế tổng hợp VACR đây là mô hình vừa phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như khả năng của mình vừa tận dụng được quỹ đất sẵn có".
Phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ quyết tâm vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lao động từ đôi bàn tay của mình ông Lợi kiên trì cùng với vợ con cải tạo những diện tích đất đồi hoang hoá thành nương trồng sắn, ngô, khoai phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Ông còn trồng xen cây quế, keo, mỡ với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Những vụ có đều kiện thuê được thêm người phụ giúp ông trồng nhiều hơn.
Những năm đầu ông cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế và kỹ thuật nhưng với sự năng động ông vừa làm vừa đi tham khảo, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật luôn duy trì ổn định sản xuất của mình cùng với chăm sóc bảo vệ những diện tích rừng tái sinh còn giữ được nằm trong khu trang trại. Để có cây giống, ông Lợi lặn lội đi khắp nơi trong tỉnh tìm mua hạt quế, keo về ươm để có cây giống trồng. Sau hơn 20 năm chăm chỉ lao động, hiện nay những diện tích đất hoang trước đây đã được ông Lợi thay bằng những đồi rừng xanh bạt ngàn.
Theo chân ông, chúng tôi đi thăm một vòng khu trang trại thấy sự hồi sinh của những quả đồi là nhờ đôi bàn tay của người thương binh, tôi càng cảm phục nghị lực của ông Lợi. Hiện nay, gia đình có tổng diện tích trên 10 ha, gồm các loại cây như: quế, mỡ, keo với các độ tuổi từ 1 đến trên 25 năm tuổi và một số loại cây gỗ rừng nguyên sinh, cây nguyên liệu giấy vầu, tre, nứa...
Hàng năm, ông Lợi đưa các loại giống lúa lai năng suất cao vào gieo cấy trên 4 sào ruộng cho thu hoạch gần 2 tấn thóc/năm; chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, dê và hơn 2.000 m2 mặt nước ao thả các loại cá vừa bán ra thị trường, vừa cải thiện các bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay gia đình ông đã có tổng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi bình quân đã đạt trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế, là người có chuyên môn về ngành y, ông Lợi còn tham gia công tác tại Trạm y tế xã, trong công việc ông luôn tận tâm, nhiệt tình, thăm hỏi động viên chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được nhân dân kính trọng quý mến.
Ông Hà Xuân Đức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhận xét: "Ông Lợi không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân mà còn chăm chỉ lao động sản xuất đem lại nguồn thu nhập ổn định, đưa kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, khấm khá, nuôi con cái ăn học thành đạt... Tuy mức thu nhập đó chưa phải là cao so với nhiều hộ dân khá giả ở những nơi khác nhưng đối với một thương binh thì đó là cả một quá trình phấn đấu vươn lên đáng khâm phục. Ông Lợi luôn là tấm gương cho nhiều người khác học tập theo".
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Anh Triệu Văn Bền ở thôn 10, xã Lâm Giang (Văn Yên) không chỉ là một đảng viên gương mẫu luôn tích cực vận động vợ con lao động, sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thành hộ khá giả mà còn vận động các đảng viên và nhân dân trong thôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
YBĐT - Nhà ở tổ 43, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) nhưng giờ thì Nguyễn Anh Hoà đã "bỏ phố" vào rừng làm trang trại ở thôn 3, xã Cường Thịnh (Trấn Yên).
YBĐT - Sáng kiến “Giáo dục bản sắc dân tộc qua bài học Lịch sử ở Trường dân tộc nội trú” năm học 2010 – 2011 và sáng kiến “Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn ở Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái” năm học 2011-2012 của cô Nguyễn Thị Thanh Hòa đã được Hội đồng Khoa học của trường xếp loại xuất sắc.
YBĐT - Em giới thiệu tên mình là Quốc Thị Hiền, dân tộc Tày, học sinh lớp 12C Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh. Cái họ là lạ của em được giải thích rằng vốn có nguồn gốc là họ Quách. Quê của em ở tận xã Khánh Thiện (huyện Lục Yên).