Già làng bản Phạ Trên với cuộc vận động chống đói nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 10/12/2012 | 9:15:00 AM
YBĐT - Trong những năm vừa qua, ở bản Phạ Trên không có gia đình nào có con em mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, bà con không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy, người nghiện được vận động đi cai tại trung tâm. Những thành công đạt được đó là vào một phần đóng góp không nhỏ của già Tú.
Già làng Hoàng Văn Tú cùng cán bộ bản Phạ Trên vận động dân bản làm kinh tế.
|
Sinh ra và lớn lên ở bản Phạ Trên, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nên già làng Hoàng Văn Tú, dân tộc Thái hiểu được nỗi khổ của đồng bào vùng cao... Không cam chịu hoàn cảnh khó khăn, già Tú đã vận động người dân trong bản sinh đẻ có kế hoạch, chăm chỉ làm ăn nên đã được cả bản tín nhiệm. Mỗi khi có công to việc lớn hay những vấn đề khó khăn dân bản đều tìm đến già Tú để có được lời khuyên tốt nhất.
Những năm 1980-1990 của thế kỷ trước khi còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã Tú Lệ rồi đến Phó chủ tịch UBND xã Tú Lệ, già Tú đều tâm niệm “Làm cán bộ mà để dân nghèo thì không tốt đâu” và ông hứa với mình là sẽ làm cho bản ngày một thêm khởi sắc nên đã cùng cán bộ khuyến nông xã, cán bộ dân số, kiểm lâm viên, lực lượng công an từ huyện đến xã đi gõ cửa từng nhà, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân cách làm lúa nước, đẻ ít con, đẻ thưa để bớt khó khăn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ các chương trình hỗ trợ vùng cao của Nhà nước để giúp đồng bào trong bản biết cách làm ăn mới.
Nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo khổ ở Phạ Trên là do bà con còn nhiều tập tục lạc hậu, nhất là nghiện ma túy, việc ma chay, cưới xin, già Tú cũng đã vận động người thân cùng "ba bỏ" (bỏ giết trâu, bò; bỏ thủ tục lễ hiếu, hỷ, ma chay dài ngày; bỏ các tệ nạn xã hội...).
Thành công nhất là cuộc vận động nhân dân làm lúa nước từ một vụ lên 2 vụ, nhờ đó dân bản đã bớt đói nghèo. Những năm 1992, ở bản Phạ Trên cũng như xã Tú Lệ việc trồng cây thuốc phiện và những hệ lụy một thời của nó đã làm ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu. Bên cạnh đó, ở một số bản người Thái xuất hiện một số kẻ xấu lợi dụng trình độ nhận thức của bà con dân tộc Thái còn hạn chế để xuyên tạc, tung tin thất thiệt kích động bà con chống đối chính quyền. Già Tú đã chủ động bàn với các đoàn thể trong bản tuyên truyền cho bà con không nghe theo luận điệu của kẻ xấu. Đặc biệt, người nào trong bản phát hiện có kẻ xấu đến tuyên truyền phải thông báo với công an, trưởng bản.
Trong những năm vừa qua, ở bản Phạ Trên đã không có gia đình nào có con em mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, bà con không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy, người nghiện được vận động đi cai tại trung tâm.
Già Tú tâm sự: “Bản Phạ Trên hiện có 152 hộ, những năm qua, được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân ở Phạ Trên đã từng bước được cải thiện, đầu tư nhiều mô hình như: mô hình hỗ trợ phân bón và kỹ thuật bón phân viên nén, dự án giảm nghèo, mô hình trồng ngô thuộc Chương trình 135... Nhờ đó, đời sống người dân trong bản đã có bước khởi sắc đáng kể, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi... Người dân ở Phạ Trên từ chỗ phá rừng làm nương nay đã biết làm lúa nước năng suất cao, tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng kinh tế...”.
Hôm nay, đến Phạ Trên có thể nhìn rõ những đổi thay ngay từ bên ngoài, đường vào bản được bê tông hóa; những ngôi nhà sàn vững chắc trải dài dưới chân đèo Khau Phạ; tiếng trẻ thơ đọc bài rộn vang như tiếng ca ấm no. Kết quả ấy có sự đóng góp tích cực và to lớn của già làng Hoàng Văn Tú.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Nói đến anh Đặng Văn Phương - người Xa Phó ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên), bà con nơi đây ai cũng biết và khâm phục bởi đức tính cần cù, chịu khó chăm làm của anh.
YBĐT - Đến thôn Làng Cại, xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng choáng ngợp khi nhìn thấy ngôi nhà xây khang trang bề thế mọc lên giữa vùng quê nghèo. Hỏi ra, mới biết chủ nhân của ngôi “biệt thự” đó là một nông dân chân chất đi lên từ kinh tế rừng.
YBĐT - Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã giúp ông Đỗ Xuân Trường - hội viên nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) trở nên giàu có trên chính mảnh đất quê hương.
YBĐT - Năm 2011, thôn 10 xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đạt được mục tiêu giảm 5% số hộ nghèo từ 20% năm 2010 xuống còn 15%, trong đó, ông Lý Văn Kỳ có vai trò quan trọng.