Đẩy mạnh tuyên truyền "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2015 | 10:11:36 AM

YBĐT - Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist với 3 chất tiêu biểu là: Clenbuterol; Sabutamol và Ractoppamine - đây là các chất đứng đầu bảng của danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi vì nó làm cho vật nuôi tăng lượng nạc, giảm lượng mỡ rất nhiều so với mức bình thường.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ làm cho lợn nuôi dần bị gãy chân, xuất hiện các vết lở rỉ nước và chỉ nằm chứ không thể đứng lên được. Nhóm chất cấm này theo các nhà khoa học sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi bị sử dụng quá nhiều chất cấm. Với các biểu hiện ở người như bị loạn nhịp tim, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, gây nhiễm trùng hô hấp. Nếu tích tụ lâu ngày còn gây ung thư, nghiêm trọng hơn là có thể gây chết người. Vì vậy, chất cấm trong chăn nuôi cũng là một trong những vấn đề "nóng" được các đại biểu bàn luận sôi nổi trong kỳ họp Quốc hội lần này bởi nó không chỉ gây nhức nhối riêng trong ngành chăn nuôi mà đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2012, việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở các nông hộ nhỏ lẻ thì đến năm 2015 đã diễn ra rất phức tạp và tập trung ở các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn. Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại, thậm chí với quy mô lớn hơn, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng cũng như làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước nhà.

Trong khi cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của chúng ta đang dần đạt được những kết quả khả quan thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tràn lan hiện nay đang vô tình tạo rào cản cho việc "ưu tiên" ấy để hàng ngoại, thức ăn ngoại không rõ xuất xứ tràn vào. Chính sự "quay lưng và tẩy chay" của người tiêu dùng với các loại thực phẩm có sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi này sẽ khiến đầu ra cho nông sản của nông dân vốn khó khăn càng thêm khó khăn hơn.

Mặc dù chưa phát hiện ra trang trại hay chủ hộ nào trên địa bàn có sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi nhưng một số nhà nông ở các xã vùng trồng chè của Yên Bái đã từng "suýt giết chết" sản phẩm chè sạch mang thương hiệu nổi tiếng của quê hương mình. Vì vậy, để thực hiện "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi" trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm rõ được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của các địa phương trong tỉnh. Nên chăng, cần phát động những đợt cao điểm, tháng cao điểm ra quân kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất những trang trại chăn nuôi, những hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống và vận động những tổ chức hội, đoàn thể, quần chúng nhân dân tham gia "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi", đồng thời ký cam kết không tàng trữ, mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thực hành chăn nuôi an toàn vì an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng. Có như vậy thì sức khỏe của người tiêu dùng, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi và sức bật từ uy tín, thương hiệu "hàng Việt", "thực phẩm sạch", "thực phẩm an toàn" mới được người tiêu dùng "ưu tiên" sử dụng.

Thanh Hương

Các tin khác

YBĐT - Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, trong 15 năm qua, đông đảo đồng bào nhân dân các dân tộc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã tham gia tích cực vào Cuộc vận động "Vì người nghèo" với tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách".

YBĐT - Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng: quy mô, mạng lưới trường, lớp học từng bước được quy hoạch, sắp xếp ổn định và hiệu quả; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất trường lớp học được tăng cường, từng bước hiện đại; chất lượng giáo dục có những chuyển biến rõ rệt.

YBĐT - An toàn thực phẩm (ATTP) là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tiêu dùng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của mỗi người.

YBĐT - Cùng với sự phát triển của đất nước, thái độ và ý thức chính trị của thanh niên đã có những chuyển biến tích cực, thanh niên ngày càng quan tâm và có trách nhiệm hơn đối với những vấn đề của quê hương, đất nước và vấn đề thời sự trong khu vực cũng như trên thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục