Một số suy nghĩ về tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở xã, phường hiện nay
- Cập nhật: Thứ ba, 20/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tổ chức thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) xã, phường (theo Quyết định số 974/QĐ-TLĐ ngày 29/6/2004 của Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động CĐCS xã, phường, thị trấn, đến nay, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã tuyên truyền vận động và thành lập được 57 CĐCS xã, phường, thị trấn với 1.447 đoàn viên.
Sản xuất kén tằm ở HTX Dâu tằm Trấn Yên.
|
Trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức thành lập CĐCS xã, phường, thị trấn, còn có những vấn đề cả về nhận thức, quan điểm phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức và hoạt động CĐCS xã, phường, thị trấn cần bàn và có ý kiến trao đổi.
Xã là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính Nhà nước. CĐCS xã không tổ chức theo hệ thống như tổ chức Đoàn thanh niên, phụ nữ, hội nông dân, cựu chiến binh. Đối tượng để phát triển đoàn viên công đoàn ở xã không có trong nhân dân xã như các đoàn thể chính trị - xã hội khác của xã. Đối tượng của tổ chức công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn (xin gọi chung là xã) là tổ chức của những người lao động, cán bộ chuyên trách cấp xã (theo điều 2 khoản 1, 2 chương 1, Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003) và đó cũng là đối tượng phát triển, kết nạp đoàn viên (theo điều 1, chương 1, Thông tri 02/2004/TTr-TLĐ ngày 22/3/2004 về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam của Tổng LĐLĐ Việt Nam). Bởi vậy, nói rõ ràng, chính xác hơn, CĐCS xã là CĐCS cơ quan xã. Hiện nay, cán bộ công chức cấp xã số lượng khoảng trên dưới 30 cán bộ công chức; đoàn viên công đoàn phát triển đạt 100% cũng nằm trong số lượng ấy.
CĐCS xã (cơ quan xã) không có đối tượng công đoàn trong nhân dân xã nhưng vẫn có tác động tích cực, dù không trực tiếp đến nhân dân trong xã. Đó là tác động qua những cán bộ chủ chốt (Bí thư Đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, chủ tịch UBND...), là những đoàn viên công đoàn mà CĐCS xã có trách nhiệm vận động, giáo dục, rèn luyện để thực hiện tốtnhiệm vụ của người đoàn viên công đoàn, phát huy vai trò người công dân gương mẫu, vai trò người cán bộ công chức, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ trong chính quyền hoặc đoàn thể của xã. Tổ chức CĐCS xã vững mạnh, biết hoạt động và hoạt động tốt sẽ góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; phát huy quyền dân chủ của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể xã trong sạch, vững mạnh. Từ những đặc điểm trên, nên chủ tịch CĐCS cơ quan xã không thể là cán bộ chuyên trách như các đoàn thể khác, bởi vậy trong đối tượng cán bộ chuyên trách đoàn thể cấp xã (là cán bộ công chức) không có đối tượng chuyên trách công đoàn (Điều 21, Nghị định 114/2003/NĐ-CP).
Mặt khác hiện nay, CĐCS xã còn mới mẻ nên không tránh khỏi lúng túng cả về nội dung, phương thức hoạt động. CĐCS đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vậy cấp ủy Đảng lãnh đạo CĐCS xã là ai? Có phải là bí thư Đảng ủy xã hay không? Đảng ủy xã lãnh đạo nhân dân toàn xã, còn cấp ủy Đảng lãnh đạo cơ quan UBND xã là ai? Công đoàn hoạt động đang gắn bó mật thiết với thủ trưởng, cơ quan, đơn vị; tất cả các hoạt động của công đoàn là hoạt động phối hợp, trừ những nội dung về công tác tổ chức thuộc quyền độc lập của công đoàn, nhiệm vụ của UBND xã là nội dung hoạt động của công đoàn... bởi vậy, không phối hợp công đoàn không có nội dung hoạt động. Người phối hợp hoạt động với công đoàn là thủ trưởng cơ quan, vậy ai là thủ trưởng cơ quan UBND xã? CĐCS xã phối hợp với thủ trưởng cơ quan UBND xã để thực hiện quyền dân chủ của cán bộ công chức, đoàn viên công đoàn cơ quan xã là ai để thực hiện quyền dân chủ cơ sở (theo Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ cơ sở trong hoạt động cơ quan). Đó là quyền và cũng là lợi ích của người lao động - cán bộ công chức cơ quan xã. Có xác định đúng những vấn đề trên, CĐCS xã mới xác định được nội dung, đề ra được chương trình, kế hoạch và mới có những biện pháp tổ chức hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Chúng ta cũng cần có phân biệt, xã là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính Nhà nước ở nông thôn, thuộc cấp huyện quản lý, kinh tế sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, lao động chủ yếu là nông dân; phường là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc thành phố, đô thị, kinh tế sản xuất chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ, lao động có tính chất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề... Hiện nay, theo quy định chung, CĐCS phường vẫn tổ chức như xã, cũng là CĐCS cơ quan phường chứ không phải là CĐCS phường. Đúng ra, với đặc điểm của cấp cơ sở phường (thị trấn thuộc huyện lỵ, cùng chung đặc điểm nhưng khác về tính chất so với phường), lao động trong các thành phần kinh tế trên địa bàn phường quản lý là lao động có tính chất công nghiệp, ngành nghề, ngoài công nhân các doanh nghiệp, công ty, các đối tượng lao động ở những cơ sở sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, lao động các ngành nghề... CĐCS phường vẫn có thể tổ chức tập hợp vào các tổ chức nghiệp đoàn, CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận... Đối tượng CĐCS phường quản lý, phát triển không chỉ bó hẹp trong khối UBND phường mà còn mở rộng ra các đối tượng lao động khác trong xã hội trên địa bàn. Và như vậy, CĐCS phường vẫn có tổ chức như các đoàn thể khác: phụ nữ, thanh niên... và chủ tịch CĐCS phường lúc đó, cần thiết cũng phải là chuyên trách.
Với những đặc điểm, tính chất của cơ sở xã, phường, nên chăng, các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố cần thí điểm xây dựng mô hình CĐCS phường (khác với CĐCS cơ quan xã). Và chúng ta cũng cần phân biệt tính chất, đặc điểm mô hình công đoàn cấp huyện khác với mô hình công đoàn cấp thị xã, thành phố. Được như vậy, chắc chắn hoạt động của CĐCS xã, phường sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Đặng Thị Kim Chi
Các tin khác
YBĐT - Sản xuất vụ chiêm xuân ở tỉnh Yên Bái có tầm quan trọng đối với đời sống kinh tế của khoảng 80% dân số đang làm nông nghiệp. Bởi vì, vụ chiêm xuân có diện tích gieo cấy lớn, ít ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết nên thường tạo ra năng suất, sản lượng lương thực lớn hơn vụ mùa.. Đồng thời, sản xuất vụ chiêm xuân được đảm bảo đúng tiến độ sẽ có ý nghĩa quyết định đến thời vụ, hiệu quả của sản xuất vụ mùa và vụ đông.
YBĐT - Trong năm 2006, lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện và xử lý 573 vụ vi phạm Lâm luật, tịch thu 367 m3 gỗ các loại, 176 kg động vật rừng, xử phạt hành chính nộp ngân sách trên 1.466 triệu đồng. Tuy đã có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương song tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép ngày một gay go, khốc liệt hơn, nó được ví như một vấn nạn. Vậy làm gì để chặn đứng?
YBĐT - Nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhất là đối với các đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, trong những năm qua bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng, hàng ngàn công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn và nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp, cuộc sống người dân, nhất là đồng bào vùng cao đã có nhiều đổi thay, cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại.
YBĐT - Ngày 25-1-2007, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2007 và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.